Tại hội nghị tổng kết thị trường phát điện cạnh tranh tổ chức sáng 26-8 ở Hà Nội, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết sau 3 năm phát điện cạnh tranh, thị trường này đã vận hành an toàn, tin cậy, tạo ra bước thuận lợi cho vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2016 với kỳ vọng giảm áp lực về tăng giá điện cho người dân.
Thủy điện nhỏ gặp khó
Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều đơn vị thủy điện nhỏ hoặc mới tham gia thị trường phát điện cạnh tranh bày tỏ không ít khó khăn khi tham gia thị trường này.
Nhà máy Thủy điện Đa Nhim 2 (tỉnh Ninh Thuận) sẽ tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành từ năm 2016 Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Bà Trần Kim Oanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), cho biết do những ràng buộc của thị trường và chịu ảnh hưởng trực tiếp của những yếu tố không thể tính toán như thủy văn, thời tiết… nên thời gian qua, phần lớn đơn vị thủy điện nhỏ gặp bất lợi khi tham gia phát điện cạnh tranh. Cụ thể, khi hạn hán, giá thị trường cao, mực nước hồ xuống thấp, nhà máy không đủ sản lượng điện hợp đồng dẫn đến giảm doanh thu. Ngược lại, vào mùa lũ, tất cả hồ chứa đều tràn, hệ thống điện thừa nguồn, giá thị trường bằng 0, nhà máy thủy điện phải chạy với giá khống chế bằng 0 nên doanh thu rất thấp.
Theo bà Oanh, do giới hạn truyền tải của đường dây 500 KV Bắc - Nam nên việc lập lịch huy động các nhà máy điện ở miền Trung cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, trong khi nhiều điểm thiếu nguồn và hồ tràn thì nhà máy lại bị giới hạn công suất phát. Mặt khác, hầu hết các nhà máy điện đều vay vốn bằng ngoại tệ, nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài nên khi tỉ giá được điều chỉnh, họ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Từ năm 2009-2015, tỉ giá VNĐ/USD đã tăng 27%. Nhà máy Thủy điện Sông Côn 2 từ khi vận hành đến nay đã phải bù 170 tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá. Chi phí khấu hao không đủ cho nhà máy này trả nợ vay.
Trong khi đó, ông Lê Trung Dũng, Phó Tổng Giám đốc PV Power, cho biết đơn vị này chỉ thu hồi được 90% chi phí cố định thông qua giá hợp đồng, 10% còn lại phải thu hồi thông qua sản lượng bán trên thị trường (sản lượng phát ngoài hợp đồng). Dù vậy, do giá thị trường thường thấp hơn giá hợp đồng của các nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 nên phần doanh thu đối với sản lượng phát ngoài hợp đồng của PV Power không đủ thu hồi chi phí cố định.
“Chúng tôi kiến nghị cần phân bổ hợp đồng cho nhà máy ở mức có thể thu hồi đủ chi phí cố định, đặc biệt là với các nhà máy mới tham gia thị trường” - ông Dũng đề nghị.
Phá thế độc quyền của EVN?
Theo Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, trước năm 2012, cả nước có 31 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt là 9.300 MW. Từ khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, có 59 nhà máy điện tham gia thị trường với tổng công suất 14.796 MW, chiếm 41,63% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Hiện vẫn còn 50 nhà máy điện chưa tham gia chào giá trực tiếp, trong đó có nhiều nhà máy điện đa mục tiêu và nhà máy điện BOT.
Điều đáng chú ý là tất cả nhà máy điện tham gia thị trường điện cạnh tranh hiện nay đều bán điện cho Tổng Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây cũng là đơn vị vận hành thị trường điện nên có cơ hội khai thác được hiệu quả các nguồn thủy điện, nhiệt điện. Ngoài ra, hiện EVN cũng là đơn vị sở hữu nhiều nhà máy thủy điện lớn nhất trong hệ thống.
Theo Cục Điều tiết điện lực, giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường trong 3 năm qua là 1.087,3 đồng/KWh. Trong đó, giá mua điện bình quân của thủy điện là 847,5 đồng/KWh, nhiệt điện than 1.286 đồng/KWh, tuabin khí là 1.065,2 đồng/KWh. Tuy nhiên, giá điện mà EVN bán ra thị trường ở mức bình quân cao hơn nhiều, 1.622,05 đồng/KWh, được áp dụng từ ngày 16-3-2015.
Sau thị trường phát điện cạnh tranh, từ năm 2016, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành. Đến lúc đó, người dân sẽ được chọn nhà cung cấp điện cho mình thay vì phải mua qua EVN (đang nắm giữ 70% nguồn phát điện) như hiện nay. Đây cũng là lý do mà nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ phá được thế độc quyền của EVN.
Người dân được lợi Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các doanh nghiệp phải giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Do đó, người dân sẽ được hưởng lợi, được mua điện với giá tốt. “Việc vận hành thị trường là chủ trương nhất quán của nhà nước. Các doanh nghiệp càng tích cực và chủ động thì việc chuyển từ độc quyền sang cơ chế thị trường càng tốt” - ông nhìn nhận. |
Nguồn: Thùy Dương/Người lao động