Tiếng Việt | English

17/12/2024 - 07:58

Người khiếm thị vươn lên làm chủ công nghệ

Sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, đôi mắt không còn khả năng nhìn thấy nhưng anh Nguyễn Thành Hữu (SN 1994) - Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và anh Phạm Nhựt Duy (SN 1994) - Chủ tịch Hội Người mù TP.Tân An, đã vượt qua mọi thử thách để khẳng định bản thân và trở thành những tấm gương sáng về nghị lực sống. Hành trình của các anh là minh chứng cho sự kiên cường và ý chí vươn lên của người khiếm thị trong xã hội hiện đại.

Anh Nguyễn Thành Hữu - Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thủ Thừa, sử dụng Zalo liên hệ, kết nối với người thân

1. Anh Nguyễn Thành Hữu chia sẻ, khi còn bé, anh sinh non phải nằm trong lồng hấp nên mắt bị ảnh hưởng, sau đó mất hoàn toàn thị lực. Từ ngày đó, thay vì chấp nhận số phận, anh không ngừng nỗ lực để hòa nhập với cộng đồng. Anh học cách sinh hoạt, làm việc và học tập một cách tự lập, không cần sự trợ giúp quá nhiều từ người khác. Đặc biệt, anh có thể sử dụng điện thoại cảm ứng và máy tính để phục vụ công việc, học tập cũng như giải trí - điều mà nhiều người khiếm thị không dám nghĩ tới.

Con đường học vấn bắt đầu từ năm 2005 khi anh được đi học tại trường dành cho trẻ em khuyết tật. Tại đây, anh hoàn thành bậc tiểu học với sự nỗ lực vượt bậc. Đến năm 2010, Hội Người mù tỉnh mở khóa học tin học, anh Hữu tham gia và nhanh chóng tiếp thu kiến thức về công nghệ thông tin. Vốn yêu thích máy tính và công nghệ, anh học rất nhanh và áp dụng vào công việc, học tập; đồng thời, sử dụng công nghệ để giải trí. Sau khi học xong, anh còn truyền đạt kiến thức cho những người khiếm thị khác, giúp họ có thêm cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một trong những cột mốc đáng nhớ trong hành trình của anh là vào năm 2014, khi smartphone, điện thoại cảm ứng bắt đầu trở nên phổ biến. Đối với người bình thường, việc sử dụng điện thoại cảm ứng khá đơn giản nhưng với người khiếm thị, đây là một thử thách lớn. Tuy nhiên, với sự đam mê và kiên trì, anh Hữu chỉ mất 1 tuần để làm quen và sử dụng cơ bản điện thoại cảm ứng. Anh chia sẻ, hầu hết các dòng điện thoại hiện nay dù là hệ điều hành Android hay iOS đều tích hợp phần mềm đọc màn hình (screen reader), giúp người khiếm thị có thể sử dụng điện thoại một cách dễ dàng. Khi sử dụng, anh chỉ cần dùng một ngón tay rà đến ứng dụng cần dùng và điện thoại sẽ phát ra âm thanh chỉ dẫn. Khi tìm thấy ứng dụng mong muốn, anh chỉ cần chạm 2 lần để mở ứng dụng đó.

Hiện nay, anh Hữu sử dụng điện thoại cảm ứng thành thục để phục vụ nhiều nhu cầu trong cuộc sống. Anh có thể dễ dàng đọc tin tức, liên lạc với bạn bè, người thân và thậm chí giải trí qua các ứng dụng âm nhạc, video. Đặc biệt, anh còn có thể sử dụng điện thoại để đặt đồ ăn qua các ứng dụng trực tuyến hoặc đặt xe để di chuyển. Điều này đã mở ra một thế giới mới, giúp anh có thể tham gia các hoạt động trong xã hội mà không gặp phải nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, anh Hữu cũng cho biết, việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến (Internet Banking) còn là một thử thách đối với anh. Hiện nay, nhiều ứng dụng ngân hàng yêu cầu sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt hoặc quét mống mắt để xác minh tài khoản, điều này gây khó khăn cho anh vì anh không thể sử dụng những tính năng này. Mặc dù vậy, anh vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục tìm kiếm cách để cải thiện.

Từ câu chuyện của anh Nguyễn Thành Hữu, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống do khiếm thị nhưng với nghị lực, niềm đam mê và sự kiên trì, anh đã chứng minh rằng người khiếm thị hoàn toàn có thể hòa nhập xã hội hiện đại. Anh không chỉ vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống mà còn hỗ trợ những người khiếm thị khác, giúp họ có thêm cơ hội để học hỏi và phát triển.

2. Anh Phạm Nhựt Duy cũng là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, khẳng định rằng khiếm khuyết về cơ thể không thể cản trở con đường chinh phục tri thức và sống tự lập. Từ khi còn nhỏ, anh Duy đối mặt với căn bệnh cườm mắt nặng khiến thị lực ngày càng giảm sút. Do phát hiện bệnh muộn và y học thời bấy giờ chưa phát triển, anh đã trải qua 6 lần phẫu thuật mắt nhưng không thể cứu chữa hoàn toàn. Một bên mắt không thể hồi phục, bên mắt còn lại ngày càng mờ dần. Đến khi vào học cấp 3, thị lực của anh đã giảm nghiêm trọng.

Anh Phạm Nhựt Duy - Chủ tịch Hội Người mù TP.Tân An, sử dụng máy tính để giải trí, nghiên cứu tài liệu

Những năm tháng đó thực sự là giai đoạn khó khăn đối với anh Duy. Anh không chỉ gặp khó khăn trong việc học hành mà còn trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, không bỏ cuộc và nhờ sự động viên từ gia đình, bạn bè, anh được giới thiệu đến Hội Người mù tỉnh và được Hội tạo điều kiện tham gia khóa học bồi dưỡng vi tính cho người mù tại Trường Đại học Văn Lang.

Khóa học bồi dưỡng kéo dài 6 tháng giúp anh Duy trang bị nhiều kỹ năng công nghệ, đặc biệt là sử dụng máy tính, một công cụ quan trọng giúp anh không chỉ tìm kiếm thông tin mà còn học hỏi thêm nhiều kiến thức mới. Sau khi hoàn thành khóa học, anh Duy không chỉ áp dụng kiến thức vào công việc mà còn chia sẻ lại cho những bạn bè có hoàn cảnh giống mình, giúp họ hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống.

Hiện tại, anh Duy là thành viên Ban Lao động Sức khỏe của Hội Người mù tỉnh. Nhờ vào khả năng sử dụng máy tính, anh có thể tự học thêm kiến thức về massage bấm huyệt, nâng cao tay nghề và cải thiện chất lượng công việc. Anh Duy sử dụng các ứng dụng như podcast, sách nói và truy cập vào trang web của Hội Người mù Việt Nam để tìm hiểu thêm các bài học, từ đó làm tốt hơn công việc của mình.

Một điểm đặc biệt ở anh Duy là khả năng sử dụng điện thoại cảm ứng thành thạo. Cũng như anh Hữu, anh Duy đã vượt qua những khó khăn để làm chủ công nghệ hiện đại. Anh sử dụng điện thoại để thực hiện các giao dịch ngân hàng một cách dễ dàng mà không phụ thuộc vào ai. Việc sử dụng công nghệ đã giúp anh hòa nhập với cuộc sống xã hội. Trước đây, anh chỉ có thể nghe radio nhưng giờ đây, anh có thể sử dụng các ứng dụng, duy trì liên lạc với bạn bè, gia đình và thực hiện các giao dịch trực tuyến như bao người bình thường khác.

Vừa qua, anh Duy còn mở lớp tập huấn “Người mù với công nghệ smartphone” tại Hội Người mù TP.Tân An. Lớp học thu hút 20 người tham gia và tất cả đều được học cách sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt là các ứng dụng ngân hàng.

Anh Duy quan niệm rằng dù cơ thể có khiếm khuyết nhưng điều quan trọng là nỗ lực làm tốt, xây dựng cuộc sống tốt hơn mỗi ngày. Anh không cho phép mình ngừng lại vì những khó khăn mà luôn tìm cách vượt qua chúng, không chỉ để tự lập mà còn góp phần giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh.

Anh Hữu và anh Duy là những tấm gương sáng về tinh thần vươn lên trong khó khăn và kiên trì theo đuổi ước mơ. Câu chuyện của các anh không chỉ truyền cảm hứng, động lực cho những người khiếm thị mà còn minh chứng rằng chỉ cần có nghị lực và quyết tâm thì mọi việc đều có thể thực hiện dễ dàng, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết


mua bán sim ngũ quý 55555 tại khosim.comNơi thuê vps giá rẻỐng kính Fujifilm 16mm f1.4 Nơi mua proxy xoay giá tốtcập nhật tin tức AI cập nhật nhanhdịch vụ in decal giá rẻ hcm Thuê máy photocopy HCM Yellow Screen