Tiếng Việt | English

05/05/2021 - 18:45

Người lưu giữ những điều xưa, cũ

Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian (VNDG) Phan Văn Phấn năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông bắt đầu viết và xuất bản sách từ 15 năm trước với hơn 10 tác phẩm được xuất bản thuộc các lĩnh vực: VNDG và văn học. Đa số các tác phẩm của ông thuộc lĩnh vực VNDG, viết về những nét văn hóa trong đời sống, nghề nghiệp của người Nam bộ xưa.

Trong giới nghiên cứu văn nghệ dân gian của tỉnh nhà, có lẽ ông Phan Văn Phấn là một trong số ít cây viết chủ lực, có nhiều tác phẩm biên khảo và sưu khảo có giá trị văn hóa, được bạn đọc đón nhận

Trong giới nghiên cứu văn nghệ dân gian của tỉnh nhà, có lẽ ông Phan Văn Phấn là một trong số ít cây viết chủ lực, có nhiều tác phẩm biên khảo và sưu khảo có giá trị văn hóa, được bạn đọc đón nhận

70 tuổi mới bắt đầu nghiệp viết 

Nhà nghiên cứu Phan Văn Phấn bảo rằng, ông yêu nghiệp viết lách từ khi còn trẻ lại thích quan sát, tìm hiểu những điều mới lạ nên vốn tư liệu sống dồi dào. Cuộc sống vất vả khiến ông phải tạm gác đam mê để chăm sóc gia đình. Đến độ tuổi nghỉ ngơi, ông chợt nhớ mình vẫn còn say mê viết lách. Ông bắt tay vào viết năm 70 tuổi. 4 tác phẩm VNDG lần lượt ra đời: Nông ngư cụ Nam bộ với ca dao tục ngữ, Trò chơi dân gian Nam bộ, Nghề thủ công chế tác kim hoàn ở Nam bộ xưa và nay, Trương Chi Mị Nương, trong đó có 1 tác phẩm đoạt giải A, 1 tác phẩm đoạt giải B của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Tất cả tác phẩm đều được viết bằng kinh nghiệm sống, những gì ông đã quan sát, học hỏi, tích lũy được trong suốt cuộc đời mình. Mỗi ngày một chút, ông ngồi vào bàn viết, với mong muốn truyền giữ lại những điều tốt đẹp cho thế hệ sau. Ông bảo rằng, do lớn tuổi nên ông không thể ngồi lâu, mắt cũng kém và tai cũng lãng nhiều nhưng không viết thì ông tiếc quá! Ông tiếc những gì mình đã nghe, đã biết, đã thấy, đã tích góp trong cả cuộc đời. Những câu chuyện, nghề nghiệp của 100 năm trước đang dần bị lãng quên giữa cuộc sống xô bồ. Ông muốn ghi chép lại, lưu giữ lại như một niềm trân quý dành cho cuộc đời này. Ông viết với tất cả sự nghiêm túc và say mê, không mưu cầu bất kỳ điều gì khác. Viết xong, ông tự mình chụp ảnh hoặc vẽ tranh minh họa cho tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm hoàn thành có biết bao công sức của ông trong đó.

Đọc sách của nhà nghiên cứu VNDG Phan Văn Phấn, chúng tôi thấy văn phong gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu, chân thành và bình dị như cách kể chuyện thường ngày của ông bà mình. Không cần phải xem hình minh họa, cách ông viết đã khiến độc giả có thể tưởng tượng ra trước mắt hình ảnh vô cùng cụ thể về những điều bình dị của quê hương, ít nhiều từng hiện hữu trong tuổi thơ hoặc đời sống của mỗi người.

Thêm một tác phẩm sắp ra đời

Khi chúng tôi tìm đến gặp ông cũng là thời điểm nhà nghiên cứu vừa hoàn thành thêm 1 tác phẩm biên khảo khác về cây dừa và nghề làm xà bông từ dầu dừa. Ngoài bản thảo ra, ông còn chuẩn bị bản vẽ các hình ảnh minh họa cho sách của mình. Tất cả đều do ông tỉ mỉ tự mình làm lấy. Quyển Sản phẩm đa dạng của nghề thủ công gắn bó với cây dừa Nam bộ được ông ấp ủ từ trước nhưng mãi đến nay mới hoàn thành bản thảo. Chúng tôi may mắn được tiếp cận tập bản thảo và chợt nhận ra rằng, từng trang ký ức của mình được nhà nghiên cứu gợi dậy một cách sinh động và đầy tình cảm. Những vật dụng quen thuộc: Chiếc vỏ ấm trà bằng trái dừa, cái gáo dừa múc nước, chiếc gàu lá dừa hay cái chùi nồi bằng xơ dừa,... lần lượt được gọi tên và mô tả kỹ lưỡng, chân thật. Nếu những điều quen thuộc bình dị ấy không được ghi chép lại, có lẽ sẽ trôi mãi theo dòng thời gian. Các bạn trẻ lớn lên sẽ thiếu mất một mảnh ghép trong bức tranh sinh động về đời sống thôn quê vùng Nam bộ nhiều năm về trước.

Nhà nghiên cứu VNDG Võ Trường Kỳ đã giới thiệu về tác phẩm mới của nhà nghiên cứu Phan Văn Phấn như sau: “Từ góc nhìn về sự bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét dân tộc của đất và người Nam bộ xưa, mặc dù những hình thức tổ chức sản xuất ra những sản phẩm thủ công bằng nguyên liệu cây dừa như đã nói trên hiện nay chỉ còn lại trong ký ức của những người cao tuổi, thì tác phẩm sưu khảo của tác giả Phan văn Phấn vẫn mang giá trị lịch sử văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ Nam bộ”.

Trong giới nghiên cứu VNDG của tỉnh nhà, có lẽ ông Phan Văn Phấn là một trong số ít cây viết chủ lực, có nhiều tác phẩm biên khảo và sưu khảo có giá trị văn hóa, được bạn đọc đón nhận. Giờ đây, ở độ tuổi ngoài 80, hàng ngày, ông vẫn dành thời gian ngồi vào máy tính. Từng dòng chữ hiện ra theo dòng ký ức. Ông nói rằng, dù mệt nhiều khi viết nhưng để ngừng viết thì có lẽ là không thể. Ông vẫn ấp ủ cho riêng mình những tác phẩm còn dang dở. Hành trình 15 năm không quá dài, nhưng đủ gian nan và đủ để trở thành một tấm gương cho biết bao người khác. Sẽ không bao giờ là quá trễ để bắt đầu, chỉ cần bạn có đủ đam mê và kiên nhẫn. Đó là điều lớn nhất mà nhà nghiên cứu văn hóa, VNDG Phan Văn Phấn đã dạy chúng tôi trong lần gặp gỡ này./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết