Tiếng Việt | English

03/09/2015 - 11:45

Người trẻ nghĩ gì, làm gì vào những ngày mùa thu lịch sử?

Những thước phim tài liệu về chiến thắng vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám và toàn cảnh Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945 được phát sóng trên hầu hết các đài truyền hình, truyền thanh cả nước. Qua đó, mặc dù đã 70 năm, các thế hệ con cháu vẫn nghe được giọng nói ấm áp, truyền cảm nhưng hết sức mạnh mẽ, kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.


Ảnh: Nguồn internet

Tôi thấy trên khắp các trang báo, tạp chí, rất nhiều những bài viết giới thiệu thành tích việc kế thừa, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Tháng Tám và ý nghĩa lịch sử ngày Quốc khánh 2-9; đồng thời, kêu gọi, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tôi thử hỏi, để góp phần làm nên điều đó, có phải là quá lớn đối với cá nhân tôi - một người trẻ tuổi, bình thường trong vô số những người trẻ tuổi, bình thường khác của đất nước?

Lúc này, tôi chợt nhớ đến “Lòng yêu nước” của nhà văn Ilya Ehrenburg, có đoạn: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh… Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc…”.

Nếu quan điểm của nhà văn Ilya Ehrenburg thật sự đúng, vậy thì chắc cũng sẽ đúng với quan điểm của tôi về sự phấn đấu của một người trẻ, đó là tìm được một công việc, làm thật tốt công việc đó, sống đoàn kết, chân tình với đồng nghiệp, bạn bè, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ và anh em, chung thủy, yêu thương và trách nhiệm với vợ chồng, con cháu, nỗ lực làm giàu cho bản thân.

Có nghĩa là mỗi cá nhân chỉ cần làm tốt công việc thường ngày, sống tốt, vui vẻ, lành mạnh thì coi như đã hoàn thành sứ mệnh góp phần vào công cuộc đổi mới, làm cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Dẫu đơn giản là vậy, nhưng không phải ai cũng làm được và làm tốt.

Ngày bé, tôi thích nhất được nghe mẹ kể về thời chiến tranh, kể về chính mẹ, các cậu, dì, chú, bác của dòng họ trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng. Lớn lên, đến trường, học lịch sử, nghe thầy cô kể về các Anh hùng dân tộc như anh Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót,…

Tôi còn thấy qua phim ảnh về ngục tù, tra khảo vô cùng tàn bạo. Tôi hỏi mẹ, hỏi thầy cô là làm sao tôi có thể làm được như thế, sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh?

Câu trả lời đơn giản lắm: “Khi con tận mắt chứng kiến cảnh người thân quen của mình bị quân xâm lược sát hại và chính con trải qua sự áp bức, bóc lột, sự nghèo đói, cùng cực, con sẽ biết thế nào là đau thương, là lòng căm phẫn, khi đó, consẽ trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn bao giờ hết để sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh”.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại được làm nên không phải bởi thánh nhân, cũng không phải hoàn toàn bởi những tài năng kiệt xuất, mà còn bởi những người dân rất đỗi bình thường - nhưng họ có khát vọng sống, khát vọng độc lập, tự do và lòng yêu nước nồng nàn - trong số đó, có những người rất trẻ, trẻ hơn tuổi 30 của tôi bây giờ.

Năm 2007, sinh viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đi thực tế bằng một hành trình xuyên Việt về lại chiến trường xưa. Hà Nội lần đầu tiên đón chúng tôi bằng đợt gió rét, mưa phùn quá sức chịu đựng. Thế mà, tại Quảng trường Ba Đình hôm ấy, gần 100 sinh viên chúng tôi và rất nhiều đoàn du khách từ nhiều miền khác nhau của đất nước đã đến; tôi tin chắc ai cũng như tôi, xúc động, bồi hồi và nôn nao khi đứng xếp hàng vào Lăng Bác.

Vào lăng, tôi lặng lẽ bước theo dòng người và dừng lại vài phút. Bác nằm đó, trong giấc ngủ yên bình nhưng khuôn mặt vẫn ngời sáng, hiền từ; và câu thơ của Tố Hữu bỗng vang lên trong tôi: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.

Có người dân nào của nước Việt Nam lại không ước mong được một lần vào Lăng Bác? Riêng tôi, ước mong ấy xuất hiện rất sớm, từ những câu chuyện đầu tiên được nghe kể về Bác. Chính vì thế, mùa đông của ngày hôm đó đối với tôi đã trở nên ấm áp, hạnh phúc và có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.

Hôm nay, những người trẻ chúng tôi đang hăng hái, sôi nổi tìm cho mình những việc làm hữu ích, ý nghĩa hơn thường ngày. Chúng tôi tham gia vào các hoạt động Về nguồn, các phong trào đền ơn đáp nghĩa với trọn vẹn tấm lòng và sự tri ân sâu sắc những thế hệ cha anh đi trước đã “vì nước quên mình”.

Khí thế hào hùng của những ngày mùa thu lịch sử lan tỏa khắp nơi, những người trẻ hôm nay suy nghĩ nhiều hơn, làm được nhiều việc hơn; những người trẻ đang vững bước dưới cờ Đảng và sẵn sàng tiến lên./.

An Bang

Chia sẻ bài viết