Tiếng Việt | English

18/05/2023 - 08:35

Người trẻ và hành trình khẳng định bản thân

Mỗi người đều có cho riêng mình những ước mơ, hoài bão. Tuy nhiên, để ước mơ thành sự thật cần có sự nỗ lực và bản lĩnh mà không phải ai cũng đủ khả năng và can đảm để hoàn thành.

1. Nhiều người biết tới anh Hồ Quý Trọng (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) là người điều hành cơ sở sản xuất tượng thạch cao với doanh thu hàng tháng khoảng 250 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 nhân công địa phương. Tuy nhiên, ít người biết anh hiện vẫn là sinh viên và thành công đang có là kết quả quá trình nỗ lực, tự rèn luyện trong suốt thời gian dài. Anh Trọng kể: “Do chủ động trong việc học nên đến năm thứ 3 thì tôi hoàn thành chương trình đại học. Nhờ vậy, tôi có nhiều thời gian rảnh để hỗ trợ công việc tại xưởng sản xuất tượng”.

Nhân viên xưởng làm tượng thạch cao của anh Hồ Quý Trọng đang đóng gói hàng hóa chuẩn bị giao

Khi anh Trọng tiếp nhận, cơ sở sản xuất tượng thạch cao đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động do không tìm được đầu ra. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, cơ sở có được nguồn khách hàng ổn định từ Tây Nguyên đến miền Tây Nam bộ và dần mở rộng kinh doanh. Ngoài kênh tiếp thị truyền thống, anh tập trung tìm kiếm khách hàng thông qua Internet. Anh Trọng chia sẻ: “Tôi có 1 nhóm nhân viên chuyên phụ trách chụp ảnh sản phẩm, thiết kế và đăng bài quảng bá cũng như cập nhật “trend” (xu hướng) để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Việc chuyên môn hóa các khâu giúp nâng cao hiệu quả công việc nên tôi tuyển dụng theo từng vị trí khác nhau: Đổ tượng, đóng hàng, giao hàng, quảng bá trên Internet,…”. Anh Trọng nói, việc điều hành sản xuất tại cơ sở của gia đình thuận lợi phần lớn nhờ vào những kiến thức, kinh nghiệm anh thu thập được trong suốt quá trình học.

Anh Hồ Quý Trọng kiểm tra sản phẩm tại cơ sở của mình

Từ khi còn học THPT, anh Trọng là một học sinh năng nổ, từng đoạt giải Ba cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo do Tỉnh Đoàn tổ chức. Vào đại học, anh vừa học, vừa tích cực tham gia các hoạt động phong trào, các cuộc thi trong và ngoài nhà trường. Trong suốt thời gian là sinh viên, anh là lớp trưởng, Trưởng ban Nhân sự Câu lạc bộ Khởi nghiệp của trường, cùng các bạn tham gia và giành nhiều giải thưởng khác nhau về nghiên cứu, khởi nghiệp,... Anh Trọng cho biết: “Từ khi còn học THPT, tôi đã yêu thích kinh doanh và luôn ấp ủ những ý tưởng mới. Vào đại học, tôi cố gắng học thật tốt, tham gia hoạt động phong trào để có cả kiến thức và kinh nghiệm. Cho tới hiện tại, tôi thấy điều đó thực sự có ích cho mình”.

2. Cũng là một người trẻ, anh Lê Hoàng Thái (TP.Tân An) lại khẳng định bản thân bằng một hành trình rất khác. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ sớm, anh Thái cùng chị đã phải “lao vào cuộc mưu sinh”, cùng nhau gánh vác gia đình. Anh trải qua nhiều nghề khác nhau như gia công sản phẩm thời trang, công nhân, giao hàng,... Không nề hà công việc khó khăn, anh Thái luôn chịu khó làm việc để giúp đỡ gia đình và nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Anh Lê Hoàng Thái tại góc làm việc nhỏ của mình

Anh Thái kể: “Trước đây, trong suốt quá trình học việc liên quan đến thời trang, tôi nhận ra mình yêu thích và cũng rất thích hợp với công việc may vá, thêu thùa nên luôn ước ao có thể sống được với đam mê của mình. Khi điều kiện chưa cho phép, tôi làm công việc khác để trang trải cuộc sống. Không lúc nào tôi thôi nghĩ về công việc mơ ước ấy, mong mỏi được tự do sáng tạo, làm điều mình thích và sống được với nghề. Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu về các địa chỉ bán nguyên vật liệu, giá thành sản phẩm,... để biết được cần chuẩn bị những gì cho bước chuyển của bản thân”. Khi cảm nhận đã đủ điều kiện, anh Thái quyết định chuyển hẳn sang công việc mình yêu thích và nỗ lực để có thể nuôi sống được bản thân từ niềm đam mê. Từ đó, thương hiệu Tahi handmade ra đời.

Một sản phẩm túi, ví của Tahi handmade

Tahi handmade cung cấp cho khách hàng các sản phẩm handmade từ vật liệu chính là vải, được điểm trang bằng những họa tiết thêu tay tinh tế và xinh đẹp. Từ những chiếc túi xách lớn, ví nhỏ xinh đến chặn sách, lót ly, khăn tay thêu,... đều do anh Thái tự tay làm bằng sự sáng tạo và niềm đam mê. Các sản phẩm của anh có một đặc điểm chung là sự phá cách và sáng tạo. “Mỗi mẫu chỉ có một cái duy nhất” bởi lẽ việc lặp lại mẫu cũ với anh là điều rất khó khăn và có phần… nhàm chán.

Mỗi ngày, anh tỉ mỉ cắt, may, thêu, vẽ từ sáng sớm đến tận khuya và định giá sản phẩm dựa vào thời gian lao động của bản thân. Mức giá cho mỗi sản phẩm thường dao động từ 15.000 đến khoảng 300.000 đồng. Một mức giá hết sức bình dân dành cho các sản phẩm handmade. Anh Thái kể thêm: “Tôi vốn say mê các sản phẩm handmade nhưng hầu hết sản phẩm trên thị trường đều có giá khá cao, tôi ít khi có đủ điều kiện để mua. Đó là lý do vì sao tôi bán sản phẩm của mình ở mức vừa phải. Vì tôi hy vọng sẽ có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ có thể tiếp cận với sản phẩm handmade”.

Chiếc túi được anh Lê Hoàng Thái tái chế từ chân váy cũ của khách hàng

Anh Thái nói rằng, mục tiêu lớn nhất mà anh và Tahi handmade hướng tới chính là mang tới niềm vui cho người sử dụng. Anh hy vọng các sản phẩm ghép vải của mình có thể giúp khách hàng nhớ lại một chút khung trời bình yên bên những gối, mền ghép vải của bà, của mẹ. Ngoài ra, anh còn muốn giúp khách hàng “níu giữ” những ký ức tươi đẹp thông qua việc tái chế sản phẩm, làm túi vải từ quần áo cũ của chính khách hàng. Anh Thái chia sẻ: “Mỗi người chúng ta ai cũng có những kỷ niệm đáng trân trọng và những kỷ vật luôn muốn giữ bên người. Nếu khách hàng có chiếc quần, áo nào đó rất yêu thích nhưng không sử dụng được nữa, tôi có thể dùng vải đó để may thành túi, ví hoặc bọc vào sổ để mở ra một vòng đời mới cho sản phẩm và giúp khách hàng giữ được thứ mà mình yêu thích một cách hữu dụng hơn”.

Mỗi ngày, anh tỉ mẩn với những mảnh vải và hàng loạt chỉ màu. Trong căn phòng trọ nhỏ xinh xắn, chàng trai trẻ vừa chăm chú thêu, may và tận hưởng niềm hạnh phúc được làm điều mình yêu thích. “Tôi bắt đầu cùng Tahi handmade không lâu nên chưa thể gọi là thành công. Tuy nhiên, tôi có thể sống được với con đường mình đã chọn và tôi hạnh phúc với công việc của mình!” - anh Thái vui vẻ nói.

Anh Hồ Quý Trọng và anh Lê Hoàng Thái có hướng đi, hoàn cảnh khác nhau. Sự thành công mà họ có được cũng hoàn toàn khác. Nhưng cả 2 đều có 1 điểm chung là kiên trì, nỗ lực để biến ước mơ của mình thành hiện thực./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết