Ứng dụng trang thiết bị vào sản xuất
Toàn tỉnh Long An có trên 10.000 doanh nghiệp cùng nhiều hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) với đủ các ngành nghề. Trong đó, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất đa phần đều có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động manh mún, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó khăn trong việc đổi mới, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, mở rộng sản xuất. Đây là đối tượng được chương trình khuyến công ưu tiên tập trung các chương trình, đề án hỗ trợ trong nhiều năm qua.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) - Phạm Văn Hường cho biết: “Năm 2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt kinh phí khuyến công địa phương với số tiền trên 955 triệu đồng. Nguồn kinh phí này đều được tập trung hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất, tham gia quảng bá, trưng bày các sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh”.
Anh Đinh Văn Phước thực hiện rèn lưỡi cày bằng máy cán thép
Anh Đinh Văn Phước, ngụ ấp 5, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, theo nghề rèn hơn 35 năm nay. Sản phẩm làm ra từ lò rèn của anh Phước rất đa dạng như lưỡi cày, lưỡi xới phục vụ máy nông nghiệp đến dao làm cỏ, xà beng thợ hồ. Hầu hết công việc dành cho nghề rèn anh đều làm thủ công. Sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng. Anh Phước chia sẻ: “Bình quân 1 ngày, lò rèn của tôi làm 400 răng xới, 50 dao, 200kg xà beng. Sản phẩm được khách hàng đến nhà mua, bỏ mối quanh các chợ hoặc vợ tôi đi bán quanh vùng”.
Tâm huyết với nghề là vậy nhưng nghề rèn không mang lại thu nhập cao, đôi lúc bấp bênh khiến anh Phước gặp nhiều khó khăn. Nhằm giúp anh Phước vượt qua khó khăn trong sản xuất, bám trụ với nghề, trung tâm phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hưng xây dựng Đề án khuyến công hỗ trợ 32,5 triệu đồng để anh đầu tư máy cán thép. Anh Phước phấn khởi: “Có máy cán thép, tôi sản xuất các loại nông cụ nhanh hơn gấp 10 lần so với trước đây và sản phẩm làm ra đồng đều hơn làm thủ công nhiều. Qua thời gian thử nghiệm, khách hàng rất vừa ý”.
Trang trí nội thất bằng gỗ hiện được người tiêu dùng chọn lựa nhưng nghề này đang rất hiếm lao động. Anh Nguyễn Văn Thắng - Chủ cơ sở Hiệp Lực (phường 3, thị xã Kiến Tường), chuyên sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất cũng gặp khó khăn trong thu hút lao động, nhất là ở khâu chà nhám gỗ. Để giải quyết khó khăn trong khâu đánh bóng, chà láng bề mặt gỗ thay thế máy cầm tay trước đây, trung tâm quyết định hỗ trợ anh Thắng 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để đầu tư máy chà nhám thùng. Anh Thắng chia sẻ: “Máy chà nhám thùng có thể thực hiện chà tấm gỗ có kích thước 0,3x2m trong 30 giây. Trong khi đó, nếu chà bằng máy cầm tay 1 tấm gỗ cùng kích thước mất 30 phút mới hoàn thành. Đồng thời, máy chà nhám thùng hạn chế đến mức thấp nhất bụi gỗ, bảo đảm sức khỏe cho người lao động”.
Tăng năng suất, chất lượng
Mới đây, trung tâm phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cần Giuộc, hộ kinh doanh Nguyễn Minh Vũ (ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc) trình diễn, nghiệm thu máy sản xuất bún tươi tự động. Đây là một trong những đề án sử dụng nguồn kinh phí khuyến công địa phương nhằm giúp cơ sở CNNT tăng năng suất và bảo đảm chất lượng hàng hóa phục vụ thị trường.
Có máy làm bún tự động, gia đình anh Nguyễn Minh Vũ rút ngắn thời gian làm bún, sản phẩm ngon hơn, tươi hơn khi đến với người tiêu dùng
Anh Nguyễn Minh Vũ phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi sản xuất bún theo kiểu bán thủ công phải qua nhiều công đoạn nên bún dễ hư, tổn thất nguyên liệu và thành phẩm nhiều. Sau thời gian thử nghiệm, máy cho hiệu quả khá tốt. Máy có công suất 400kg/giờ nên tiết kiệm thời gian, lao động trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, sản xuất bún bằng máy giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm hao hụt nguyên liệu, tăng lợi nhuận”.
Có máy làm bún tự động, gia đình anh Vũ rút ngắn thời gian làm bún, sản phẩm ngon hơn, tươi hơn khi đến với người tiêu dùng. Có máy làm bún, hiện bình quân mỗi ngày, gia đình anh sản xuất khoảng 1.000kg, tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn huyện. Những ngày cuối tuần, lượng bún tiêu thụ có thể tăng lên 50% so với ngày thường. Đặc biệt, sản xuất bún bằng máy, bún đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh thực phẩm và tiêu thụ tại một vài siêu thị tại TP.HCM thông qua doanh nghiệp khác.
Theo ông Phạm Văn Hường, những đề án được chuyển giao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thẩm định kỹ lưỡng, ưu tiên những đề án phù hợp với nhu cầu thực tế và có tính ứng dụng cao. Nhờ đó, đơn vị thụ hưởng sử dụng hiệu quả, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động./.
Mai Hương