Tiếng Việt | English

30/07/2017 - 10:46

Nhà thơ Ngọc Anh: Vẫn sống cùng Bóng cây Kơ-nia

Trong nền văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX diễn ra một hiện tượng khá kỳ lạ, đó là một số nhà thơ khi công bố tác phẩm của mình không “thừa nhận” đứa con tinh thần chính thức mà lại ghi là “dịch”. Trong đó có nhà thơ - liệt sĩ Ngọc Anh, tác giả bài thơ nổi tiếng Bóng cây Kơ-nia được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc.

Gia đình nhà thơ Ngọc Anh

Từ những năm đất nước còn bị chia cắt, nếu như ở Việt Bắc có hiện tượng nhà thơ Cầm Giang khi công bố các bài thơ của mình lại ghi phía dưới là sưu tầm, dịch từ tiếng Thái ra tiếng Kinh, như Em tắm ký tên tác giả là Bạc Văn Ùi, Nhớ vợ với tên tác giả là Cầm Vĩnh Ui, thì ở Tây Nguyên, giữa khói lửa chiến tranh chống Mỹ, có nhà thơ Ngọc Anh luôn ghi dưới các bài thơ do mình sáng tác khi cho đăng tải trên báo chí là phỏng dịch như: Chiếc khăn thêu, Cheo Reo, Thương cụ Hồ thương Đảng,... và đặc biệt là Bóng cây Kơ-nia “phỏng dịch từ tiếng H’rê”.

“Buổi sáng em lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ-nia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ

Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ-nia
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc...”.

Giống như các nhà văn: Thu Bồn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung hay các nhạc sĩ Nhật Lai, Phan Huỳnh Điểu, Trương Đình Quang,... nhà thơ Ngọc Anh sớm gắn bó mật thiết với Tây Nguyên trong những năm tháng ác liệt để chiến đấu, sáng tác và ông cũng đã anh dũng ngã xuống thầm lặng trên mảnh đất này, ngay dưới chân núi thiêng Ngọc Linh. Nhà thơ Ngọc Anh trở thành một trong những văn nghệ sĩ tiêu biểu làm giàu thêm nền văn học, văn hóa Tây Nguyên bằng tài năng, tình yêu và sinh mệnh cuộc đời ngắn ngủi của mình. Không chỉ Bóng cây Kơ-nia mà nhiều bài thơ khác của Ngọc Anh cũng thể hiện điều ấy khi ông nhìn ra vẻ đẹp sâu thẳm của Tây Nguyên: “Cheo Reo quê mình/Có nhiều núi rừng/Có sông có suối/Có làng có rẫy/Nơi mẹ đi hái củi/Nơi cha xây làng” và giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình ấy, người dân sống yên vui với công việc thường ngày từ ngàn xưa:

“Trưa về ngồi kéo sợi
Dưới bóng mát nhà rông
Sợi dài hơn mây núi
Trắng ngỡ thác đầu buôn...”.

Nhà thơ Ngọc Anh họ Nguyễn, sinh ngày 03/3/1934, ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Từ thời kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập thiếu sinh quân, học trung học quân sự ở Khu V, lên Tây Nguyên làm phóng viên mặt trận kết hợp đánh giặc, sản xuất, xâm nhập vào buôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số làm công tác tuyên truyền dân vận. Thời gian này, Ngọc Anh cũng âm thầm tìm hiểu tư liệu về ông Mết, một chỉ huy du kích người Raglai có nhiều chiến tích nổi bật ở làng Xóp Dùi thuộc tỉnh Kon Tum, tương tự anh hùng Núp ở làng kháng chiến Stơr của tỉnh Gia Lai.

Miền Bắc giải phóng, nhà thơ Ngọc Anh tập kết ra Hà Nội cuối năm 1954. Nhờ vốn sống và hiểu biết về Tây Nguyên, ông được phân công về Ban Dân tộc Trung ương, rồi chuyển sang phụ trách mảng văn học miền núi của Viện Văn học. Đến năm 1964, ông trở vào chiến trường Tây Nguyên, xung phong chọn một nơi xa xôi, hẻo lánh là tỉnh Kon Tum để tiếp tục làm công tác văn hóa, sáng tác, nghiên cứu dân ca các dân tộc và huấn luyện văn công biểu diễn. Tình yêu của ông với Tây Nguyên luôn day dứt như lời thơ ông viết trong hoàn cảnh địch lùa người dân rời khỏi buôn làng vào các khu dồn để dễ bề kiểm soát. Nỗi nhớ rẫy, nhớ làng của bà con người dân tộc cũng chính là nỗi nhớ của Ngọc Anh khi rời xa:

“Đất ông bà
Ta nhớ ta thương
Nhớ rẫy cũ làng xưa
Nhớ mùa gặt mới
Nhớ tiếng trâu ngoài làng
Tiếng voi đằng xa
Và tiếng chim ăn hoa buổi sáng”.

Nhà thơ Ngọc Anh chọn Kon Tum hẻo lánh là còn mong muốn tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn về ông Mết và làng Xóp Dùi anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, nhằm hoàn tất tập truyện mà ông ấp ủ từ hơn mười năm trước. Thế nhưng, giấc mơ sáng tạo đầy tâm huyết ấy của nhà thơ Ngọc Anh không thành khi ông bất ngờ nằm xuống dưới bóng những cây Kơ-nia bên chân núi thiêng Ngọc Linh, mà theo nhà thơ Thanh Quế: “Bao giờ ông cũng muốn làm được một cái gì đó cho ra tấm ra món và thực chất là Tây Nguyên. Nhiều bạn bè quen biết ông ở Khu - lúc này đang chuẩn bị ra tờ tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Khu V - muốn xin ông về Khu công tác, ở căn cứ Khu an toàn hơn, có điều kiện bồi dưỡng sức khỏe và năng lực của ông hơn nhưng ông vẫn ở lại Tây Nguyên - nơi có những thảo nguyên mênh mông, có những cây Kơ-nia trùm bóng mát xuống buôn làng và Ngọc Anh lặng lẽ ngã xuống vào ngày 15/10/1965 bên những cây Kơ-nia mà ông yêu mến đó”.

Bây giờ thì hài cốt của nhà thơ Ngọc Anh được gia đình ông chuyển về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam quê hương nhưng có lẽ, linh hồn ông vẫn mãi quấn quýt với núi rừng mà ông gắn bó mật thiết. Mỗi lần có dịp lên Tây Nguyên, ngắm nhìn những cây Kơ-nia sừng sững và hòn Ngọc Linh hùng vĩ, tôi luôn nhớ đến nhà thơ Ngọc Anh, con người tài hoa tôn thêm vẻ đẹp và sự thiêng liêng cho loài cây và ngọn núi huyền thoại này. Và chính những câu chuyện ly kỳ, bi thương xoay quanh số phận nhà thơ Ngọc Anh cũng là những huyền thoại mãi còn lại với ngọn núi Ngọc Linh, với Tây Nguyên, đặc biệt với tư cách người “khai sinh” chính thức cây Kơ-nia bằng những vần thơ bất tử, biến loài cây bình thường ấy thành một huyền thoại. Đúng như lời thốt ra tận đáy lòng của người bạn thơ Thanh Quế của ông: “Cây Kơ-nia, cái cây còn có tên là cây Cầy, cây Cốc, cây đậu trướng vô danh kia được nhà thơ thổi tâm hồn mình vào thành một cây sừng sững của núi rừng Tây Nguyên yêu dấu ngàn đời, được nhân loại biết đến. Phải chăng, Ngọc Anh đã sinh ra cây Kơ-nia kia?”./.

Phan Hoàng

Chia sẻ bài viết