Nghệ sĩ Tám Vân và soạn giả Nhị Kiều. Ảnh: Internet
Tôi không thể nào quên câu chuyện dù đã mười mấy năm trôi qua. Buổi trưa hôm đó, tôi đứng trước Bưu điện thị trấn Lái Thiêu chờ một cậu thanh niên (cháu ngoại cố soạn giả Nhị Kiều) dẫn đường đến thăm bà và nghệ sĩ (NS) Tám Vân tại Thuận An, Bình Dương. Gặp tôi, bà hỏi: "Anh Ngọc Linh và anh Huy Trường khỏe hả cháu? Bút danh Nhị Kiều của tôi là do anh Ngọc Linh đặt cho đó", rồi bà kể tiếp... "Tên thật của tôi là Quản Thị Minh Nguyệt, sinh ra ở Mỏ Cày, Bến Tre. Tuy là nữ nhưng được gia đình cho ăn học cũng khá, nên sau này mới theo nghiệp "cầm viết". Sau năm 1954, tôi lên Sài Gòn, đầu tiên sống bằng nghề viết báo, truyện ngắn và tiểu thuyết rồi làm thợ may và dạy nữ công. Sau đó được cô Bảy Phùng Há giới thiệu vào Đoàn Thanh Nga phụ việc cho NS Tám Vân (1958-1959). Thời gian này, tôi viết kịch nói cho các nhóm: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Lam Phương,... với các vở: Cô thợ may, Người nữ cứu thương, Tình thiên thu,... với bút danh Cô Nguyệt và bắt đầu làm quen với các thể điệu cải lương, sau đó "thọ giáo" NS Tám Vân học một số bài bản, hiểu và yêu thương nhau, chúng tôi thành vợ chồng...”.
Năm 1960, bà bắt đầu sáng tác kịch bản cải lương. Kịch bản đầu tay viết chung với soạn giả Hoa Phượng - Tấm lòng của biển, dựng cho đoàn Thanh Nga và bà vẫn lấy bút danh Cô Nguyệt. Đây là vở “ăn khách” rất lâu, sau này, nhiều hãng băng đĩa thu lại và phát hành. Kế đó, bà phóng tác hai kịch bản theo tiểu thuyết của nhà văn Ngọc Linh: Nắng sớm mưa chiều và Mái tóc ngày trước, từ đây, nhà văn Ngọc Linh đặt cho bà bút danh mới là Nhị Kiều.
Có một thời gian, soạn giả Nhị Kiều và NS Tám Vân lập đoàn hát, bà vừa là soạn giả thường trực, vừa là giám đốc kỹ thuật: Đoàn cải lương Dạ Quan Châu và Tiếng Hát Dân Tộc với nhiều NS tài danh như Thành Được, Út Bạch Lan, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Út Hiền,... với vở chủ lực Thoại Ba công chúa, bà viết một mình và do NS Tám Vân thiết kế bài bản. Bên cạnh đó là vở Giấc mộng đêm xuân, bà phóng tác theo truyện ngắn của Tô Yến Châu.
Sau năm 1975, soạn giả Nhị Kiều vẫn ở Đoàn cải lương Thanh Nga và sáng tác đều đặn. Trong khoảng thời gian này, bà còn kiêm thêm nghề đạo diễn, dàn dựng cho một số đoàn hát ở các tỉnh: Sông Bé, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang,... Sau năm 1980, bà được ông bầu Xuân mời về cộng tác cho Đoàn cải lương Dạ Lý Hương. Tại đây, soạn giả Nhị Kiều lại gặp soạn giả Thế Châu, thế là hai người liên danh “Nhị Kiều - Thế Châu” - “Thế Châu - Nhị Kiều”, có nghĩa là có kịch bản thì bút danh Thế Châu đứng trước và ngược lại. Ở Đoàn cải lương Dạ Lý Hương, liên danh này có ba kịch bản nổi tiếng, đó là Bạch Trân Nương (Thanh xà - Bạch xà), Qua cầu đắng cay và Hoa tím Bằng lăng. Liên danh “Nhị Kiều - Thế Châu” còn có kịch bản khá ăn khách lúc bấy giờ cho Nhà hát Trần Hữu Trang là Vợ tạm chồng hờ...
Khi sân khấu cải lương sàn diễn thưa vắng khán giả, Nhị Kiều - Thế Châu được hãng băng Vafaco ký hợp đồng sáng tác mỗi tuần một vở. Vở đầu của liên danh này là An Lộc Sơn. Có thể nói, lúc này tên tuổi của liên danh Nhị Kiều - Thế Châu nở rộ ở phương tiện băng cassette. Chính từ đây, bà Nhị Kiều nâng đỡ nhiều NS: Linh Tâm, Cẩm Thu, Ngân Vương, Thành Tài, Bảo Trang, Cẩm Tiên,...
Lúc sinh thời, soạn giả Thế Châu tâm sự, ông vốn là nhà giáo, còn soạn giả Nhị Kiều vốn là nhà văn, hai nhà gặp nhau rất tâm đầu ý hợp nên cùng liên danh. Nhị Kiều thì lo cốt truyện kịch và ngôn từ cho nhân vật, Thế Châu thì “nhuận sắc” cải lương (lo phần âm nhạc, xây dựng ca từ cho nhân vật). Nên hầu hết các tác phẩm của liên danh này, không chỉ ngôn từ được trau chuốt về tính văn học kịch mà ca từ rất mượt mà gợi cảm,...
Đến năm 1990, liên danh “Nhị Kiều - Thế Châu” tách ra do Thế Châu bận việc biên tập cho Hãng băng Việt Nam (của cô Sáu Liên). Cũng là lúc phong trào video cải lương đang “bùng nổ”, soạn giả Nhị Kiều sáng tác riêng một mình và nhờ “sư phụ” là NS Tám Vân viết bài ca.
Là một nữ văn sĩ từng viết truyện ngắn, tiểu thuyết tình cảm của thập niên 50 với bút danh Cô Nguyệt nên khi sáng tác kịch bản cải lương, soạn giả Nhị Kiều rất thuận lợi trong thủ pháp cấu trúc kịch bản và xây dựng tâm lý nhân vật, cùng với văn phong trau chuốt. Thông thường, bà xây dựng tâm lý nhân vật rất sắc sảo, số phận các nhân vật của bà gần gũi với cuộc sống đời thường của nhiều người. Đó cũng là nét riêng của soạn giả Nhị Kiều, nên bà được một số xí nghiệp băng mời công tác liên tục nhiều năm.
Từ năm 1992, bà về Lái Thiêu, Thuận An an dưỡng và viết kịch bản cải lương cho video đến cuối đời (năm 2010). Về đây, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn sáng tác đều tay, khi bệnh thì ngưng, khỏe lại viết với hàng trăm kịch bản: Nỗi oan Thị Kính, Giọt mưa thu, Kỷ niệm đêm Giáng sinh, Thân phận má hồng, Lỡ chuyến đò thương, Huyền thoại một tình yêu, Vết thương kỷ niệm, Vị đắng lá sầu đâu, Đầu đường xó chợ, Những mảnh đời, Tố Tâm, Tắt đèn, Những đứa trẻ lạc loài, Yêu muộn,... Bà viết nhiều đề tài, nhưng tâm lý xã hội có lẽ “mặn” hơn hết với các vở: Nắng sớm mưa chiều, Giọt mưa thu, Thân phận má hồng, Tình như sóng biển,... lấy tích xưa chuyện cũ để gởi hàm ý về hiện tại; lấy chuyện dã sử để gởi gắm tư tưởng triết lý về thế thái nhân tình như Thanh xà - Bạch xà, Khói sóng tiêu tương, Nỗi oan Thị Kính,...
Được biết, cố soạn giả Nhị Kiều còn bảo tồn nhiều kịch bản có giá trị qua nhiều giai đoạn. Trong nhà của bà là một kho kịch bản sân khấu (cả kịch nói và cải lương). Ngoài ra, bà còn lưu giữ khá nhiều kịch bản của nhiều tác giả khác qua nhiều thế hệ. Chúng tôi đếm thử trong nhà có khoảng 5-7 cái rương và 4 cái tủ đựng kịch bản. Đó cũng là một nét riêng của soạn giả Nhị Kiều mà không phải ai cũng có được.
Trước năm 1975, trong làng soạn giả cải lương thì chỉ có soạn giả Nhị Kiều duy nhất là nữ. Sau năm 1975, tuy có khá nhiều nữ tác giả viết kịch bản kịch nói và cải lương nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định trong giới. Vậy, qua nhiều thế hệ, Nhị Kiều là nữ soạn giả rất xứng đáng để hậu thế tôn tặng là “Đệ nhất nữ soạn giả cải lương Nam bộ”./.
Đỗ Dũng