Dù là tết xưa hay tết nay vẫn không thể thiếu những sắc hoa
Hồi nhỏ, mỗi lần đến tết là những đứa trẻ thôn quê như chúng tôi đều nôn nao chờ má sắm cho áo mới. Cảm giác chờ má về sau những ngày đi chợ cuối năm thật khó diễn tả. Thoáng thấy dáng má thấp thoáng từ xa là chị em chúng tôi đã nhảy cẫng lên vì sắp có đồ mới.
Mọi người rủ nhau gói bánh ngày tết
Từ tháng Chạp, má bắt đầu chuẩn bị ‘‘lỉnh kỉnh’’ đồ tết. Thường vào những ngày này, mỗi dòng họ sẽ có một ngày cúng gọi là Chạp mã. Khi ấy, con cháu dù đi làm ở đâu xa, cũng đều ngược xuôi về dự để tham gia tảo mộ cho ông bà, tổ tiên.
Từ lâu, ngày Chạp mã đã trở thành nét đẹp truyền thống của vùng núi Quế và được người dân nơi đây lưu giữ cho đến tận ngày nay. Ngày ấy, tôi còn nhớ nhà nhà đều tất bật lo sắm tết, đông vui như mở hội.
Má chuẩn bị gạo nếp để gói bánh tét, bánh ít, bánh rò, còn lại chia cho chị em chúng tôi đi máy bột làm bánh in, bánh thuẫn (giống bánh bông lan trong miền Nam). Ba không quên gieo trồng rau, các loại hoa như hoa hồng, hoa thược dược, hoa nứt nẻ,... ở hai bên đường dẫn từ ngõ vào nhà.
Theo người miền Trung quan niệm, mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở và cũng là mùa ấm áp, đem lại thanh bình nhất cho vùng quê hay chịu bão lụt nên vào ngày tết, nhà nhà, người người thi nhau trồng rau, trồng hoa tết để khoe sắc.
Cực nhất vẫn là công đoạn làm bánh in, bánh thuẫn. Thời ấy, hầu hết ở nơi đây chưa có máy đánh bột, nhà nào cũng phải làm bằng tay. Mấy chị em tôi thi nhau nghiền bột, đánh trứng hòa quyện cho thật đều, thật nhuyễn. Hì hục mãi đến mồ hôi nhễ nhại chị em tôi mới xong các công đoạn rồi ba đem đổ bánh, nướng bánh.
Dù mệt lả người, tay đỏ cả lên nhưng chỉ cần nghe mùi bánh ba nướng là chị em tôi đã quên hết những nhọc nhằn trước đó. Lần nào cũng vậy, mỗi khi đổ bánh xong ba vẫn không quên lấy 2 dĩa thắp nhang cúng ông bà rồi mới thưởng cho 4 đứa con nhỏ.
Bàn thờ ngày tết cũng được má trang trí bắt mắt. Trước hết là các loại trái cây, hoa dùng để chưng. Người miền quê nên cái gì cũng mang tính dân dã. Các loại quả như dừa, bưởi, đu đủ,... đặc biệt chuối mốc (chuối sứ) một loại trái cây không thể thiếu trên bàn thờ của người xứ Quảng. Nó đã trở thành một loại trái ‘‘độc tôn’’ để cúng dịp tết của vùng nơi đây. Bởi vậy, vào những ngày gần tết, loại chuối này thường bán chạy và giá rất đắt.
Tuy nhiên, nhiều người ở xóm núi thường không mất tiền mua vì hầu như nhà nhà đều có trồng loại chuối này, không chỉ để chưng mà còn kiếm thêm thu nhập vào dịp tết.
Ảnh minh hoạ
Vui nhất của tụi nhỏ trong xóm vẫn là đêm giao thừa. Khi ấy, chị em tôi cùng mấy đứa nhỏ tụ tập từng nhóm, đem củi đốt thành đống lửa trên những mảnh ruộng còn thơm mùi rạ trước nhà. Cả nhóm được ba má tôi cho một dĩa bánh trái, kẹo, hạt dưa,... nhà đứa nào khá ở trong xóm ‘‘rinh’’ thêm một cái máy cassette mở nhạc hát thâu đêm. Chúng tôi cứ say sưa vui chơi, hò hét trước khi đồng hồ điểm 12 giờ khuya mới giải tán về nhà. Thời khắc giao thừa, nhà nhà đều bật điện thật sáng. Chị em tôi quây quần bên mâm cơm, rượu thịt ba má chuẩn bị sẵn.
Như thông lệ, dù đêm giao thừa có thức khuya cỡ nào thì sáng mùng 1 tết, cả nhà cũng dậy thật sớm để làm mâm cơm cúng đầu năm. Không ai bảo ai, sáng mùng 1 được xem là ngày ‘‘linh’’ nhất năm nên cả nhà ai cũng vui cười để công việc làm ăn được may mắn, suôn sẻ.
Ba má phát bao lì xì cho từng đứa và không quên dặn dò ‘‘năm mới phải ngoan, chăm lo học giỏi’’. Sau đó, mấy chị em mặc quần áo thật đẹp, được phân công đem rượu, bánh, nem đi mừng tuổi ngoại, các cô, cậu và mấy ông trong xóm.
Trong 3 ngày tết, người dân quê tôi thường thắp điện suốt đêm và nấu đồ cúng trong cả 3 ngày. Vì họ quan niệm rằng, những ngày tết đến, ông bà, những vị tổ tiên thường về sum họp với gia đình và phù hộ cho con cháu sang năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát tài. Đồ cúng tùy mỗi gia đình lựa chọn nhưng dù nhà giàu hay nghèo, nhất thiết phải có gà giò (tức gà trống mới lớn) mới đúng tập tục. Hết 3 ngày tết, cả xóm lại lên núi. Trước khi đi rừng, họ không quên họp lại cúng lân để tạ ơn núi rừng và cầu may cho năm sau làm ăn khấm khá, thuận lợi.
Tôi bây giờ khôn lớn, trưởng thành và lập nghiệp ở tận miền Tây. Về vùng Đồng Tháp Mười đón tết, mẹ kể với tôi rằng, tết ở miền quê rất dân dã và nghĩa tình. Ngày xưa đêm giao thừa, mẹ lúc nào cũng nấu một nồi bánh tét lớn, anh chị em rủ mấy đứa bạn con nhà nghèo trong xóm cùng nhau chờ bánh chín đón giao thừa, nướng mấy cái bánh phồng ăn lai rai.
Ngày nay, tụi nhỏ khôn lớn, đứa lập gia đình, đứa đi làm ăn xa, nồi bánh mẹ vẫn nấu nhưng hiếm khi đón giao thừa đông vui như ngày xưa nữa. Bây giờ tân tiến lắm rồi! Tết đến, bánh trái không tự làm nhiều như xưa nữa, muốn cúng tết có thể ghé chợ mua về. Đám con nít cũng ít khi tụ tập. Tuy nhiên, nhà nhà vẫn giữ tục ‘‘xông đất đầu năm’’, chúc tết họ hàng.
Mọi người lưu giữ tục lì xì ngày tết
Nếu như trước đây, tết đến thường rất xôm tụ thì ngày nay tết có phần phai nhạt hơn. Nếp quê xưa chỉ còn phảng phất ở những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, riêng những gia đình trẻ, họ ăn tết giống người thành phố. Con cháu đến chúc tết chỉ dăm câu chuyện là về chứ không ở lâu như trước đây nữa. Tụi nhỏ ở quê bây giờ lém lỉnh lắm. Khi được cho phong bì lì xì, không biết tụi nó bắt chước theo ai mà liền mở ngay ra xem, khiến người lớn không khỏi ngại ngùng, khó xử.
Tôi cảm nhận mỗi nơi đều có phong tục, tập quán đón tết khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều không nằm ngoài những nét đẹp, giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Ở quê, tết không chỉ đơn giản là một ngày nghỉ, mà nó còn là một thời khắc quan trọng của năm, nó như là một sự chuyển giao của mùa, là một dấu mốc cho sự lớn lên.
Ngày tết là dịp để mọi người quây quần, tụ họp và trang trí cho ngôi nhà của mình những đoá hoa rực rỡ
Mỗi năm tết đến, cả má và mẹ đều không thôi nấu những nồi bánh. Bên bếp lửa hồng, ba vẫn cặm cụi nướng từng chiếc bánh dù năm nay tóc ba đã bạc. Ba đã quên rằng, các con bây giờ khôn lớn đâu có đứa nào ‘‘thèm thuồng’’ như ngày xưa nữa. Ừ thì ba cứ ngỡ, tụi nó vẫn còn là những đứa trẻ. Dù muốn hay không, điều này đã trở thành một thói quen, tập tục mà có lẽ đến suốt đời người miền quê vẫn còn lưu giữ./.
Nguyệt Nhi