Tiếng Việt | English

17/06/2020 - 11:20

Những “cây đại thụ” báo chí trước Cách mạng Tháng Tám

Long An ngày nay xưa kia là tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn - từ ngày thành lập Đảng đến kháng chiến chống Pháp, nơi đây có nhiều nhà cách mạng tiêu biểu là những “cây đại thụ” của báo chí Việt Nam có tầm ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn.

Nhà báo," nhà yêu nước vĩ đại" - Nguyễn An Ninh 

Ông có tên khai sinh là Nguyễn Văn Ninh, sau đổi gọi Nguyễn An Ninh, sinh ngày 15/9/1900 tại làng Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn; là con trai của nhà yêu nước, chí sĩ Nguyễn An Khương. Từ 20 tuổi, khi tham gia Hội Liên hiệp thuộc địa ở nước Pháp do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ông đã viết cho các tờ Le Paria, L’Europe, L’Humanité,… mục đích tuyên truyền tư tưởng dân chủ, nhân quyền và chủ nghĩa xã hội. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, khi nhắc lại sự kiện năm 1922: “Từ Pháp, Nguyễn An Ninh đem về hai hình thức cổ động mới đối với Sài Gòn và cả Đông Dương: Làm báo đối lập với chính phủ thực dân và diễn thuyết trước đông đảo công chúng”(1). Ngày 25/01/1923, Nguyễn An Ninh thuyết trình tại Hội Khuyến học Nam kỳ bằng tiếng Pháp Une culture pour les Annamites (Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam) gây tiếng vang lớn, được báo Nông cổ mín đàm tường thuật gây xôn xao cả Nam kỳ. Sau diễn thuyết lần thứ hai, ngày 15/10/1923, với đề tài Lý tưởng của thanh niên An Nam (L’Idéal de la jeunesse Annamites) thì ông bị Thống đốc Nam kỳ cấm hẳn việc diễn thuyết, vì tội công kích thực dân “khai hóa” ở thuộc địa. Để thức tỉnh đồng bào và chế nhạo lại Thống đốc Cognacq, Nguyễn An Ninh cùng Phan Văn Trường sáng lập báo tiếng Pháp lấy tên là La Cloche Fêlée (Chuông Rè), trụ sở tại số 29 đường Pièrre Fladin (nay là Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM), số đầu ra ngày 10/12/1923. Đây là tờ báo đầu tiên ở Sài Gòn tấn công trực diện vào chủ nghĩa thực dân, cũng là tờ báo đầu tiên đăng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Mác và Ăng-ghen viết năm 1848 giới thiệu đến công chúng Việt Nam. Việc diễn thuyết và ra báo La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh được ví như những quả bom chính trị, mở đầu một hình thức đấu tranh mới, công khai trực diện vào chính quyền thuộc địa, thức tỉnh mạnh mẽ lòng yêu nước của các tầng lớp đồng bào. Văn của Ninh hùng hồn, “chữ viết như vật phơi dưới ánh sáng mặt trời” (Trần Văn Giàu), khiến ông được thanh niên và nông dân đương thời xem như thần tượng. Nhà cách mạng Hà Huy Giáp nhận xét: “Tờ Le Paria của Nguyễn Ái Quốc và tờ báo La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh giống như hai anh em sinh đôi gieo mầm yêu nước cho quần chúng”(2). Ngày 21/4/1924, La Cloche Fêlée bị chính quyền thực dân đình bản, đến ngày 26/11/1925 lại tục bản do Phan Văn Trường làm chủ nhiệm; ngày 24/3/1926 Nguyễn An Ninh bị bắt. Ra tù, ông vẫn viết tiếp trên La Cloche Fêlée, kịch liệt đả kích thực dân, lên án các công ty tư bản độc quyền khai thác tài nguyên và bóc lột sức lao động của nhân dân An Nam, tẩy chay chủ nghĩa “Pháp Việt đề huề” của Toàn quyền Đông Dương và nhóm đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long. Đan xen giữa những sách La France en Indochine (Nước Pháp ở Đông Dương), Tôn giáo, Phê bình Phật giáo, tuồng Hai Bà Trưng,… Nguyễn An Ninh viết nhiều bài trên tờ Trung Lập, La Lutte (Tranh đấu), L’Avant Garde (Tiên phong), Công Luận, Dân Chúng,… Năm 1932, trên tờ Trung Lập, ông giới thiệu nhiều nhà văn Nga như L.Tolstoi, F.Dostoievsky, Tourgenev, Pouchkine,…Trên tờ Donnai của Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh viết bài bênh vực chủ nghĩa Mác. Chính ông đã ra tờ La Lutte đầu tiên để cổ động cho các đảng viên cộng sản ra tranh cử Hội đồng thành phố, đồng thời kêu gọi “Tiến tới Đại hội Đông Dương” (số ra ngày 29/7/1936). Cuối năm 1936, Nguyễn An Ninh cùng Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn ra báo L’Avant Garde do Hà Huy Tập (Tổng Bí thư của Đảng) trực tiếp chỉ đạo.

4 lần đi Pháp, 5 lần bị bắt, liên tục hoạt động, Đảng Thanh niên Cao vọng của Nguyễn An Ninh - theo mật thám Pháp báo cáo, có tới 7.000 đảng viên; ngày 14-8-1943 ông qua đời do chế độ hà khắc của nhà tù thực dân ở Côn Đảo; ông không chỉ là nhà báo lớn mà còn là nhà văn hóa, nhà lý luận tiêu biểu của miền Nam và cả nước trước Cách mạng Tháng Tám. Giáo sư sử học Trần Văn Giàu từng viết: “Chí sĩ Nguyễn An Ninh là một người cách mạng, xứng đáng được lưu danh bằng bia đá tượng đồng”; nguyên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - trong di bút ngày 09-8-1993, viết: “Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước vĩ đại”!

Nhà báo, người Việt Nam duy nhất là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp - Nguyễn Văn Tạo

Nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Văn Tạo. Ông sinh ngày 20/5/1908 ở Gò Đen, làng Phước Lợi, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Lúc nhỏ, ông đã học ở Trường Chasseloup-Laubat, Sài Gòn (nay là Trường Lê Quý Đôn); học giỏi, nhưng sớm tham gia bãi công và bị nhà trường ghi vào học bạ chữ “meneur” (cầm đầu); từ đó ông tìm cách xuất dương, du học Pháp.

18 tuổi, Nguyễn Văn Tạo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp, 20 tuổi đã công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ở Paris, là người sáng lập và là chủ bút báo Lao Nông (sau đổi là Vô Sản); ông thường viết bài cho tờ L’Humanité (Nhân Đạo, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp) với bút danh “Chợ Mới”, “An”. Bám sát thực tiễn và phát huy môi trường công tác tốt, ngòi bút trẻ của Nguyễn Văn Tạo sớm trở nên sắc sảo, luôn sục sôi hướng về Tổ quốc và căm giận chế độ thực dân Pháp. Nguyễn Văn Tạo có nhiều bài viết ký tên AN đăng trên tạp chí của Quốc tế Cộng sản Inprekorr (Thư tín quốc tế, xuất bản bằng 5 thứ tiếng Đức, Pháp, Anh, Tiệp, Ý) góp phần vạch trần chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương và kêu gọi Quốc tế Cộng sản giúp đỡ cách mạng Đông Dương, như các bài: Sự khủng bố ở Đông Dương và phong trào cách mạng; Hãy giúp đỡ những người cách mạng Đông Dương; Làn sóng đang lên của phong trào cách mạng Đông Dương; Tình hình Đông Dương; Cuộc khủng bố ở Đông Dương; Kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Bái;… Đặc biệt, bài tham luận của ông tại Đại hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản (tháng 8-1928) về tình hình Đông Dương và cách mạng Đông Dương được đại hội nhiệt liệt hoan nghênh và được học viên Đại học Phương Đông (Liên Xô) bấy giờ đánh giá là “có kiến thức xuất sắc về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa bao quát cho toàn Đông Dương”. Sau tham luận này, năm 1929, ông được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, phụ trách vấn đề thuộc địa; và trở thành người Việt Nam duy nhất là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 5-1930, với bài viết Cuộc đấu tranh anh hùng của những người cách mạng Đông Dương đăng trên Tập san Inprecorr của Quốc tế Cộng sản bằng 7 thứ tiếng các nước, Nguyễn Văn Tạo được xem là người thứ hai (sau Nguyễn Ái Quốc) viết lịch sử Đảng ta(3). Ngày 01/5/1931, Nguyễn Văn Tạo bị mật thám Pháp bắt và trục xuất về nước. Ở Sài Gòn, bị mật thám theo dõi gắt gao, ông vẫn hợp tác viết báo Trung Lập (do Trần Thiện Quý làm chủ báo) với nhiều bài bình luận, phân tích sắc sảo và ký tên thật với mục đích sẽ hoạt động công khai để bênh vực quyền lợi của thợ thuyền, tố cáo chế độ thực dân. Từ ngày 01/7/1932 đến 30/5/1933, Nguyễn Văn Tạo có 161 bài đăng báo Trung Lập, dù nhiều đoạn bị kiểm duyệt cắt bỏ, vẫn toát lên nhiệt huyết của người cầm bút. Là nhà báo cộng sản, Nguyễn Văn Tạo từng tuyên ngôn qua bài Giá trị của nghề làm báo: “… Viết báo vì tư tưởng, vì chủ nghĩa. Nếu đạt đến mục đích tốt, mà rủi bị thiệt hại đến tính mạng cũng cam” (Báo Trung Lập, ngày 30/9/1932). Tư tưởng chủ đạo qua ngòi bút đầy tính chiến đấu của Nguyễn Văn Tạo là bênh vực, bảo vệ quần chúng lao khổ, luôn đau xót và kịch liệt phản bác chiến tranh. Với trí tuệ mẫn tiệp của một chiến sĩ cộng sản quốc tế, từ giữa năm 1932, nhà báo Nguyễn Văn Tạo từng dự cảm chính xác trước 9 năm về sự kiện phát-xít Đức sẽ tấn công Liên Xô (xem Báo Trung Lập, 21/7/1932). Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Nguyễn Văn Tạo thuộc nhóm hoạt động công khai, ngoài đấu tranh nghị trường, viết sách, khi bị Pháp bắt giam vào nhà lao, ông vẫn viết bài gửi đăng báo Đuốc Nhà Nam ở Sài Gòn. Báo La Lutte, với sự góp mặt của Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn An Ninh,… thường xuyên có những bài bình luận được đánh giá là hay nhất Đông Dương. La Lutte là kênh vận động quần chúng hiệu quả, đã mở ra thời kỳ đấu tranh chính trị công khai với chính quyền thuộc địa khiến Thống đốc Nam kỳ bấy giờ phải thừa nhận là bị động đối phó và Bộ trưởng đảng cấp tiến J.Godart cũng xác nhận: “… đó là những tờ báo chiến đấu do những người trẻ đầy nhiệt huyết làm ra… các bản báo cáo chung về kinh tế và xã hội mà họ thảo ra và trao cho tôi đều xuất sắc. Chính quyền tìm đủ mọi cách cấm đoán Le Travail và La Lutte, nhưng điều này không thủ tiêu được những sự kiện mà họ phát hiện”. 

Nhà sử học, người cùng thời, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Trần Văn Giàu, tự nhận “thuộc lớp đàn em” đã đánh giá về hoạt động của Nguyễn Văn Tạo thời kỳ trước cách mạng tháng Tám: “Lý luận khá, viết báo giỏi, diễn thuyết cũng giỏi”(4). Nguyễn Văn Tạo về sau còn nhiều đóng góp trong hoạt động báo chí; ông là đại biểu Quốc hội khóa I, II và là Bộ trưởng Bộ Lao động đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong 20 năm (1946-1965); ông mất ngày 16-8-1970 tại Hà Nội; năm 2001 được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Nhà báo, Bí thư Xứ ủy "Cây đại thụ sử học" Việt Nam - Trần Văn Giàu 

Ông Trần Văn Giàu sinh ngày 06/9/1911, tên lúc nhỏ là Ký, có bút danh sớm nhất là Hồ Nam, bí danh Ngô Hà, quê gốc ở làng An Lục Long, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay thuộc Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Nhà giàu, chí lớn, sự nghiệp ông đeo đuổi là làm cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng về sau ông vừa làm lãnh đạo, quản lý, vừa là nhà khoa học tên tuổi hàng đầu của đất nước, được giới khoa học thừa nhận “chưa có người nào viết nhiều đến thế”(5); với ông, báo chí là phương tiện tất yếu trên đường làm cách mạng.

Trần Văn Giàu làm quen với báo chí từ năm 17 tuổi khi đang học Đại học Tuludơ - một thành phố ở miền Nam nước Pháp, cách Paris 681km. Khi đó Hội Ái hữu của sinh viên ra báo Journal des étudiants Annamites, Trần Văn Giàu được lớp đàn anh hướng dẫn, đã tham gia viết bài và chuyển biến ý thức, từ yêu nước sang tiếp nhận chủ nghĩa cộng sản; vì vậy 18 tuổi, ông vào Đảng Cộng sản Pháp (5/1929). Khởi đầu bước chân vào làng báo, ông viết bài cho tờ Cờ Đỏ - tờ báo tiếng Việt của Đảng Cộng sản Pháp nhằm vận động binh lính người Việt; ông cũng dịch bài của các đồng chí Pháp ra chữ Việt để đăng báo. Tháng 5/1930 Trần Văn Giàu bị cảnh sát Pháp trục xuất vì hăng hái đấu tranh phản đối vụ thực dân Pháp đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa Yên Bái; ông về Sài Gòn, dạy học và gia nhập Đảng Cộng sản. Năm 1931, ông được Đảng cử đi Liên Xô học tập theo đường bí mật qua Pháp. Lần đầu tiên lấy bút danh Hồ Nam, ông viết bài Tình hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương và nhiệm vụ trước mắt của Đảng Cộng sản Đông Dương, đề viết từ Hải Phòng ngày 10/02/1931, đây là bài có tính nghiên cứu lịch sử và lý luận, được đăng trên Báo Cahiers du bolchévisme - tạp chí lý luận của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 3-1932, Hồ Nam có bài Hai năm tồn tại của Đảng Cộng sản Đông Dương được đăng trên Tập san Inpekorr của Quốc tế Cộng sản (bản tiếng Pháp). Hai bài báo trên cho thấy thiên hướng tư duy nghiên cứu sâu và Trần Văn Giàu được xem là một trong ba người đầu tiên viết lịch sử Đảng ta (chỉ sau Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Tạo). Thời gian học ở Đại học Phương Đông, Liên Xô (1931-1932), Trần Văn Giàu có bài viết Nghệ An đỏ, Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương; ông cùng Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập dịch một số tác phẩm của Lênin, cùng Nguyễn Khánh Toàn dịch “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Liên Xô”. Đầu năm 1933 về Sài Gòn, ông liên lạc được Trương Văn Bang, Phan Vân,… tổ chức lại Liên địa phương bộ Nam Đông Dương và xuất bản Tạp chí Cộng Sản - cơ quan của Liên Chấp ủy địa phương Nam Đông Dương (số 1 ra ngày 01-6/1933; số cuối ra ngày 19/6/1935), đồng thời xuất bản báo Cờ Vô sản (số 1 ra ngày 11/2/1934; số 6 ra ngày 15/3/1935). Cả báo và tạp chí đều do Trần Văn Giàu làm Tổng Biên tập. Theo Nhà nghiên cứu lịch sử báo chí Nguyễn Thành thì Trần Văn Giàu “viết gần hết các bài, từ xã luận, bình luận chính trị, giải thích đường lối theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương, phân tích các khái niệm của lý luận Mác-Lênin, phê phán chủ nghĩa Tơrốtxkít ở Đông Dương,… đến đưa tin trong nước và thế giới”(6). Trong điều kiện Đảng ta bị thực dân truy nã, cơ quan Xứ ủy nhiều lần tan vỡ, đến tháng 4-1934, bộ tham mưu của Đảng ở nước ngoài mới thành lập được để chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao (đến giữa năm 1936 mới chuyển về trong nước), thì với việc độc lập tác chiến như trên - đủ cho thấy Trần Văn Giàu thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và ý chí tiến công của một người cộng sản đầy năng lực, nhiệt huyết - tài liệu mật thám Pháp ghi: “… hắn đi đến đâu, phong trào cộng sản mọc lên đến đó”. Bất chấp gian nan, kể cả mấy lần bị bắt, “Trần Văn Giàu còn là Tổng Biên tập của Phổ thông cộng sản tổng thể và là tác giả của trên 10 cuốn sách lý luận viết dưới dạng phổ thông, dùng cho đảng viên và quần chúng cách mạng học tập. Tất cả sách và báo chí đều in khổ 13cm x 19cm, viết bút thép trên giấy sáp để in”(7). Tháng 4/1935, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo, Trần Văn Giàu tiếp tục làm Tổng Biên tập Tạp chí Ý Kiến Chung - một dạng cơ quan lý luận của chi bộ nhà tù (thuộc Banh 1); vừa giảng các lớp lý luận và ra tạp chí, Trần Văn Giàu lôi cuốn được cả số trí thức trung thực của Việt Nam Quốc dân đảng trong tù. Tháng 6/1936, 2.000 tù chính trị được trở về đất liền, Ý Kiến Chung ngừng xuất bản. Tháng 10-1943, Trần Văn Giàu được cử làm Bí thư Xứ ủy. Chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, tháng 5/1945, ông cùng Xứ ủy lập ra tổ chức Thanh niên Tiền phong và xuất bản Báo Tiền Phong, do ông làm cây bút chủ yếu. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946-1947, Trần Văn Giàu là Phân xã trưởng của Thông tấn xã Việt Nam ở Băng Cốc. Phân xã có tờ báo in litô khổ nhỏ 260x190cm; các bài của ông trên báo này, sau được tập hợp in thành sách Lịch sử Việt Nam, bút danh Ngô Hà. Ngày 04-3-1950, Trần Văn Giàu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam. Từ đây, bên cạnh nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động ngành, làm tổng biên tập các loại tờ thông tin, ông còn viết bài đăng báo Sự Thật và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 1954, Trần Văn Giàu là Trưởng khoa Văn của Đại học Sư phạm (sau tách thành hai trường Sư phạm và Tổng hợp), ông là Ủy viên Thường trực Hội đồng Biên tập Tập san Đại học Sư phạm. Những năm về sau, Trần Văn Giàu có nhiều bài viết cho Báo Nhân Dân, các tạp chí: Văn học, Triết học, Nghiên cứu lịch sử, Học tập, Tổ quốc, Khoa học Xã hội,… đề cập nhiều vấn đề về lịch sử, triết học, văn hóa, xã hội, chính trị, thời sự,…

Gần 80 năm cầm bút viết hàng trăm bài báo, mang nhiều bút danh như Hồ Nam, Ngô Hà, Trần Văn Giàu, Tầm Vu, Thảo Giang, Gió Nồm, MN,... với năng khiếu rèn luyện và thiên phú, nhà báo Trần Văn Giàu đã tạo ra phong cách “không lẫn với ai”, văn bút đi thẳng vào lòng người. Ông có phương pháp trình bày dễ hiểu, văn phong giản dị, sâu sắc, hấp dẫn, giàu tính phát hiện thông minh và giải pháp táo bạo. Theo Nhà nghiên cứu lịch sử báo chí Nguyễn Thành: Trần Văn Giàu viết rất nhiều, song tổng hợp tất cả bài báo cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng số sách ông đã viết và xuất bản.

Nhìn từ góc độ sự nghiệp cá nhân, có ý kiến cho rằng, Trần Văn Giàu không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng thực tế đến nay, chưa ai thống kê đủ số lượng các bài báo của ông. Thực tiễn, ông không chỉ làm báo mà trên hết, trước hết - là nhà cách mạng chuyên nghiệp, người Cộng sản lãnh đạo, Giáo sư sử học, Nhà giáo Nhân dân. Trần Văn Giàu được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1; ông qua đời ở TP.HCM, ngày 16/12/2010./.

Long Thái

(1) Báo Nhân Dân, số ra ngày 13/8/1993.
(2) Bán nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay, Tạp chí Văn, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8/1993, bài của GSTS.Nguyễn An Vĩnh, trang 6.
(3) Tạp chí Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số tháng 8/2006.
(4) Tạp chí Xưa và Nay - cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 128, tháng 11/2002, trang 20.
(5), (6), (7) Tạp chí Người Làm Báo, cơ quan của Hội Nhà Báo Việt Nam, số tháng 4/1996, trang 7.

Chia sẻ bài viết