Tiếng Việt | English

13/08/2019 - 09:04

Những đồng vốn nghĩa tình

Hỗ trợ phương tiện sinh kế, vật nuôi, cây trồng, vốn,... là trao “cần câu” cho hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh Long An, giúp họ có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

1. Qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Đề, ngụ ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An. Nhìn cuộc sống đầm ấm của anh chị hiện nay, ít ai biết được cả hai từng trải qua những ngày tháng gian khó. 

Là một hộ nghèo ở địa phương, từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân, anh Trần Văn Đề (ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) vươn lên trở thành Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp thành phố (Trong ảnh: Anh Đề trồng cỏ nuôi bò sữa)

Nhấp chén trà, người đàn ông ở độ tuổi trung niên kể, sau vài năm làm công nhân ở huyện Bến Lức, vợ chồng anh quyết định nghỉ việc, về quê sinh sống. Anh chị bàn với nhau dùng số tiền tiết kiệm và vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua bò sữa về nuôi. Những ngày đầu, anh học hỏi kinh nghiệm nuôi bò từ những người quen và nhờ giới thiệu mua bò giống. “Lúc đó, do mới chuyển nghề nên vợ chồng gặp khó khăn về vốn. Ngoài ra, tôi phải bỏ công đi tìm hiểu và liên hệ với Công ty Sữa Vinamilk,… để tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau thời gian chăn nuôi ổn định, vợ chồng tôi vay thêm 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa. Nhờ những đồng vốn này, gia đình tôi trang trải được phần nào trong lúc khó khăn. Căn nhà nhỏ ngày trước giờ được xây dựng khang trang hơn” - anh Đề phấn khởi nói.

Nhờ cần cù, chịu khó, từ một hộ nghèo của địa phương, vợ chồng anh vươn lên trở thành hộ khá giả. Riêng anh Đề được công nhận là Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp thành phố. Đến nay, vợ chồng anh có 17 con bò sữa và thuê 5.000m2 đất để trồng cỏ chăn nuôi. Hơn 2 năm qua, anh chị chuyển 0,5ha đất của gia đình sang trồng thanh long ruột đỏ, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Theo Hội Nông dân tỉnh, đến nay, dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh qua Hội Nông dân các cấp trên 995,5 tỉ đồng với 15 chương trình cho vay và vay khác. Bên cạnh đó, tổng số dư nợ cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do hội quản lý trên 1.400 tỉ đồng, có 277 tổ vay vốn với hơn 6.800 hội viên vay. Ngoài ra, tổng nguồn vốn giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh là 36,6 tỉ đồng, hỗ trợ hơn 1.900 hộ nông dân,... Từ những nguồn vốn này, nhiều lượt nông dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững. 

2. Nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thạnh Hóa, cuộc sống gia đình anh Huỳnh Bá Lê, ngụ ấp 2, xã Thủy Tây đỡ vất vả hơn. 

Anh Huỳnh Bá Lê sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế gia đình

Cách đây vài năm, anh Lê học nghề mộc từ người quen trong huyện và quyết tâm mở xưởng tại nhà. Ngày ấy, với số tiền dành dụm ít ỏi và một phần hỗ trợ từ gia đình, anh Lê khởi nghiệp với cơ sở mộc nhỏ. Do thiếu vốn nên xưởng mộc của anh ít khách. Qua sự giới thiệu của Đoàn Thanh niên xã, anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện xét cho vay 25 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Từ số tiền này, anh mua nguyên liệu, dụng cụ nghề mộc. Cứ đến kỳ trả nợ vay, anh đáo hạn vay trở lại và hiện nay được xét vay lên đến 45 triệu đồng.

Những ngày đầu, bên cạnh nghề mộc, anh Lê cùng gia đình chuyển đổi phần lớn diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai mỡ, thế nhưng giá cả cũng bấp bênh nên cuộc sống gia đình không mấy dư dả. Không nản lòng, anh Lê lại sử dụng nguồn vốn vay và một phần tiền tiết kiệm của gia đình, tiếp tục cải tạo đất, lên liếp trồng hoa màu. Băng qua một con rạch, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy ruộng bí xanh mướt của gia đình anh đang cho thu hoạch và hiệu quả khá cao. Anh dự định trồng thêm một số loại hoa màu khác để cải thiện cuộc sống gia đình.

Anh chia sẻ: “Những lúc túng thiếu, vợ bệnh, hai con còn nhỏ, ba mẹ lớn tuổi, tôi không biết xoay sở thế nào để có thêm vốn làm ăn. Những đồng vốn vay giúp tôi vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình”.

Theo Đoàn xã Thủy Tây, anh Lê là một trong những số ít đoàn viên được xét vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Nhờ chí thú làm ăn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, cuộc sống gia đình được cải thiện. 

3. Từ một hộ nghèo không có đất sản xuất, với sự trợ vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cần Đước, bà Trần Thị Hây, ngụ ấp 4, xã Long Cang, vươn lên thoát nghèo. 

Bà Trần Thị Hây sử dụng vốn vay để trồng, thu mua lác, cải thiện cuộc sống gia đình

Vừa nhanh tay cuốn vội những bó lác, bà Hây nhớ lại những ngày gian khổ. Chồng mất khi tuổi đời còn khá trẻ, gần 30 năm qua, bà tảo tần nuôi 6 người con bằng nghề đan lát dệt chiếu. Thấy cuộc sống gia đình bà khó khăn, địa phương hỗ trợ một số tiền xây dựng nhà tình thương. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã giới thiệu cho bà vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền lúc đầu khoảng 10 triệu đồng. Từ số tiền này, bà mua nguyên liệu dệt chiếu. Sau này, khi các con lập gia đình, bà vay thêm 30 triệu đồng để mướn 5.000m2 đất trồng lác dệt chiếu. Hiện nay, bà vừa dệt chiếu, vừa trồng lác, bán và thu mua lác của những hộ dân lân cận để có thêm nguồn thu nhập. 

Bà bộc bạch: “Tôi lớn tuổi, không thể đi làm trong các công ty, xí nghiệp nên “bám trụ” với nghề dệt chiếu. Nhờ sự giới thiệu, hỗ trợ về vốn của chính quyền địa phương và ngân hàng, bây giờ, cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn xưa”.

Chủ tịch Hội LHPNVN xã Long Cang - Nguyễn Thị Thủy thông tin, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, nhiều hội viên, PN nghèo, khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Hội cũng làm tốt công tác quản lý nguồn vốn, các hộ vay sử dụng đúng mục đích”.

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Nguyễn Thị Hồng Phúc, thực hiện khâu đột phá “Giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo”, các cấp hội huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ PN tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ trên 1.300 tỉ đồng; 9,915 tỉ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nguồn vốn từ mô hình tiết kiệm tín dụng 81 tỉ đồng,… nhiều hội viên, PN có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Giai đoạn 2016-2018, các cấp hội giúp hơn 2.200 hộ nghèo do PN làm chủ vươn lên thoát nghèo./.

Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh vận động được trên 82 tỉ đồng Quỹ “Vì người nghèo”; kết nối các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp người nghèo trên 30 tỉ đồng; xây dựng và sửa chữa trên 2.400 căn nhà Đại đoàn kết; khám bệnh, tặng quà hơn 51.000 lượt người nghèo; giúp hơn 22.000 học sinh con gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; vận động trên 500.000 phần quà tặng hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn; giúp vốn cho nhiều lượt người sản xuất, kinh doanh. 

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, tổng dư nợ hiện tại trên 3.100 tỉ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Riêng năm 2018, tổng doanh số cho vay trên 984 tỉ đồng. Qua đó, giúp trên 3.600 hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện còn 2,22%.

 Thanh Nga

Chia sẻ bài viết