Tiếng Việt | English

27/07/2022 - 15:54

Những người có công tiêu biểu cống hiến tuổi xuân cho cách mạng

Trong những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm nhiều gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, được nghe kể về "hồi ức chinh chiến" một thời của những người lính Cụ Hồ năm xưa.

Tham gia cách mạng năm 16 tuổi

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1964, ông Nguyễn Tấn Đức (SN 1948, ngụ khu phố 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) xin vào lực lượng bộ đội địa phương khi đang học dang dở chương trình đệ tứ tại trường trung học. Trong quá trình tham gia cách mạng, ông bị bắt trong trận càn tại huyện Bến Lức.

“Năm 1969, tôi bị giặc bắt và đưa về xã Bình Đức để lấy hồ sơ, sau đó, đưa ra nhà tù Phú Quốc. Trong tù, tôi bị tra tấn đục 2 cái răng, có lần cả tháng không thể đi lại được, một người đồng đội phải cõng tôi mỗi khi đi vệ sinh. Năm 1973, sau Hiệp định Paris được ký kết, giặc tiến hành trao trả tù binh. Sau 3 năm 9 tháng, tôi được trao trả tại miền Bắc, sau 1 năm an dưỡng thì trở về miền Nam” - ông Đức nhớ lại.

Ông Nguyễn Tấn Đức tìm được niềm vui từ việc trồng cây, hoa màu

Tháng 3/1974, ông trở về miền Nam hoạt động cách mạng và được bổ sung vào Tiểu đoàn 45. Cuối năm 1975, ông về công tác tại Huyện đội Bến Thủ (nay được tách ra thành huyện Bến Lức và Thủ Thừa) với vai trò Huyện đội trưởng và về hưu năm 2004. Năm 2005, ông đảm nhận Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện. Năm 2015, ông xin nghỉ vì bệnh nặng.

Ông Đức là bệnh binh bị mất sức lao động 71%. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2, Dũng sĩ quyết thắng cấp ưu tú, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba,…

Vẹn nguyên ký ức về đồng đội

Ông Bạch Văn Hữu (SN 1947, ngụ xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) là 1 trong 5 cá nhân tiêu biểu của tỉnh dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Là thương binh hạng 4/4, ông từng được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Ông Bạch Văn Hữu bên vợ và cháu

Năm 1966, ông công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh Kiến Tường (năm 1976, toàn bộ tỉnh Kiến Tường cũ trở thành huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An). Công tác tại Nhà in Đồng Tháp, nhiệm vụ của ông là in truyền đơn, áp phích, thỉnh thoảng in các sáng tác văn nghệ nhân dịp tết, in Báo Tiến Lên,...

Theo lời kể của ông, bộ dụng cụ in ấn nặng trên 50kg nên việc vận chuyển gặp không ít khó khăn. “Thời điểm mùa nước thì vận chuyển bằng xuồng nên đỡ vất vả hơn, mùa khô vận chuyển bằng xe thồ. Nhiều lúc trên đường đi bị giặc tấn công phải giấu dụng cụ rồi lẩn trốn và đợi đến khi địch đi nơi khác thì quay lại tìm và tiếp tục vận chuyển. Nhớ thời điểm khi đơn vị còn đóng quân trên đất Campuchia, địch sử dụng bù nóc để rà quân ta rồi ném đạn. Năm 1971, địch tấn công, tôi trực tiếp chứng kiến đồng đội hy sinh, đó là nỗi mất mát không gì tả được” - ông Hữu tâm sự.

Năm 1973, ông cùng đồng đội chuyển dụng cụ in ấn từ xã Vĩnh Lợi (thuộc Vùng 8, nay thuộc huyện Tân Hưng) đến xã Tân Ninh (thuộc Vùng 4, nay thuộc huyện Tân Thạnh) bằng đường thủy thì bị giặc tấn công bất ngờ. Đồng đội đi cùng bị thủ tiêu tại chỗ, ông may mắn sống sót. Ông lẩn trốn ở đồng cỏ mồm và mất 2 ngày tìm đường trở lại căn cứ. Sau đó, ông quay lại địa điểm bị địch tấn công để tìm thi thể đồng đội nhưng đã không còn.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục công tác tại đơn vị đến năm 1977 thì xin nghỉ. Ông Hữu trở về quê hương, tích cực tham gia lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và tham gia một số hoạt động tại địa phương. Từ năm 2017 đến nay, ông đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp Nước Trong, xã Thủy Đông. Hiện chân phải và ngực trái vẫn còn mảnh kim khí, mỗi khi "trái gió trở trời", vết thương ở chân lại sưng, đau nhức, đi lại khó khăn nhưng ông khẳng định “còn sức khỏe là còn làm”.

Những năm tháng không quên

Ông Đinh Tiến Bé (SN 1947, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) tham gia cách mạng tại xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa (lúc bấy giờ là xã Hòa Khánh) từ tháng 02/1966. Ngày 25/5/1967, khi đang trên đường vận chuyển gạo phục vụ chiến đấu, ông gặp tai nạn bị thương ở đùi, được điều trị tại K72. Đầu năm 1968, ông chuyển về công tác tại Đoàn 86 Cục Hậu cần. Thời điểm đó, trung đội của ông phụ trách quản lý kho gạo. Theo lời ông Bé kể, từ tháng 7 đến 10-1969, Mỹ tấn công đơn vị bằng B52 tổng cộng 18 đợt. Đơn vị của ông có khoảng 20 người, bị đánh 5 lần, 4 người mất mạng, trong đó có Trung đội trưởng. Sau đợt tấn công, lực lượng ta bị hao tổn, đợi tình hình ổn, mọi người vận chuyển kho ra khu vực khác.

Niềm hạnh phúc, sum vầy của gia đình ông Đinh Tiến Bé

Thời gian sau, ông ra miền Bắc an dưỡng và học văn hóa. “Năm 1974, quân ta ráo riết chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mặc dù chân trái bị thương nặng, đi khập khiễng nhưng tôi vẫn làm đơn xin đi kháng chiến và được cấp trên đồng ý. Tôi được phân về công tác ở đơn vị A93 thuộc Ban Kinh tài Khu 8. Ngày 30/4/1975, tôi cùng đơn vị tiếp quản TP.Mỹ Tho. Tháng 02/1976, Khu 8 giải thể, tôi trở về công tác tại Công ty Bách hóa Vải sợi Long An” - ông Bé cho biết.

Tháng 4/1985, ông nghỉ do mất sức lao động. Sau khi về hưu, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương: Vận động mạnh thường quân, người dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, riêng gia đình ông gương mẫu hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường.

Là thương binh hạng 3/4, ông Bé từng được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Kỷ niệm chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận,... cùng nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương. Ông Bé cũng là 1 trong 5 cá nhân tiêu biểu của tỉnh dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết