Ông Nguyễn Thanh Bình (bìa trái) giới thiệu với đồng đội về mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao của gia đình
Nghị lực của người lính
Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Tân Thạnh, chúng tôi đến ấp Đông Nam, xã Tân Hòa để gặp ông Nguyễn Thanh Bình - thương binh hạng 1/4, cũng là một nông dân sản xuất giỏi, hội viên cựu chiến binh có nhiều thành tích tiêu biểu của địa phương. Được biết, sau khi ra quân, ông Bình về Long An sinh sống từ năm 1991. Trải qua hơn 30 năm cần cù lao động, sản xuất, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, 2 người con của ông đều được học hành đến nơi, đến chốn.
Theo lời kể của ông Bình, ông quê ở Thanh Hóa, được điều vào chi viện cho chiến trường Campuchia năm 1984. Là công binh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông bị thương không ít lần nhưng nặng nhất là vào năm 1987. Một vụ nổ mìn đã khiến ông bị cụt gần hết 2 bàn tay, chỉ còn 2 ngón nguyên vẹn. 2 chân cũng bị nhiều mảnh mìn vỡ găm sâu vào da thịt, đến nay vẫn chưa thể phẫu thuật lấy ra hết được. Mỗi lúc trái gió trở trời, ông lại bị cơn đau hành hạ.
Hồi tưởng những chuyện đã qua, ông Bình bộc bạch: “Lúc đầu, phát hiện mình bị mất đi một phần thân thể, phải chịu thương tật suốt đời, tôi cũng bi quan lắm nhưng khi nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, tôi thấy mình còn rất may mắn”. Vượt qua nỗi đau thể xác, ông nỗ lực làm kinh tế, chăm lo cho gia đình, giữ vững khí tiết người lính Cụ Hồ.
Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, những năm đầu khi mới về Tân Thạnh, ông bắt tay cải tạo 0,6ha ruộng của người dì cho; đồng thời, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nên việc sản xuất rất thuận lợi. Hiện tại, gia đình có 5ha đất trồng lúa ứng dụng công nghệ cao với thu nhập 40-45 triệu đồng/ha/năm, một phần diện tích ông trồng thêm cây mít để cải thiện thu nhập cho gia đình.
Là Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa, ông Bình thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất cho nông dân, trong đó có hội viên cựu chiến binh, giúp nhau cùng vươn lên, giảm nghèo, tăng thu nhập hiệu quả. Ngoài ra, ông còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Đông Nam, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em, tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội,... Trong vai trò nào, ông cũng cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.
Luôn vượt khó vươn lên
Ở ấp Nhựt Tân, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, nhiều người biết đến tấm gương thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Dữ. Dù bị cưa bỏ gần hết một chân cùng nhiều vết thương do chiến tranh để lại, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn nhưng ông luôn phấn đấu vươn lên, trở thành gia đình cách mạng gương mẫu. Trong cuộc sống, ông thường nhắc nhở con cháu phải tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.
Nhớ lại quá trình chiến đấu, bị thương của mình, ông Dữ cho hay, ông đi bộ đội rồi tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia năm 1983. Là lính trinh sát nên ông đương đầu với nhiều hiểm nguy. Trong một lần tấn công vào nơi đóng quân của địch, ông bị mìn nổ khiến chân phải bị thương rất nặng. Dù được các y, bác sĩ cấp cứu kịp thời nhưng chân phải của ông vẫn phải cưa bỏ. Sau khi tỉnh lại với cơ thể không còn nguyên vẹn, đã có lúc ông tuyệt vọng vô cùng nhưng nhớ đến vợ con đang chờ ở nhà giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua.
Dù cơ thể không còn nguyên vẹn nhưng ông Nguyễn Văn Dữ nỗ lực vươn lên, trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất
Năm 1987, sau khi phục viên về quê, ông tích cực sản xuất với gần 0,5ha đất lúa cha mẹ cho lúc ra riêng. Dành dụm được ít tiền, vợ chồng ông mua thêm vịt về nuôi để tăng thu nhập. Hiện tại, gia đình ông nuôi gần 500 con vịt lấy trứng, thu nhập bình quân mỗi tháng trên 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, tận dụng những diện tích quanh nhà, vợ chồng ông còn trồng thêm cây ăn trái, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc hơn.
Kinh tế khấm khá giúp ông xây được cơ ngơi khang trang. Hiện tại, 2 người con của ông đều có gia đình và cuộc sống ổn định. Bản thân ông tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, nhất là trong xây dựng đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng xã nông thôn mới. Nhiều năm nay, các thế hệ cựu chiến binh luôn nhắc đến ông như là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó. Gia đình ông cũng được đánh giá là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương.
Với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, những người lính năm xưa không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp đỡ, động viên nhau cùng vươn lên, chung sức xây dựng quê hương, làm đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ./.
Kỳ Nam