Tiếng Việt | English

11/09/2015 - 10:02

Nợ công Việt Nam có thể tăng 20.000 tỷ đồng sau tăng tỷ giá

Theo VDSC, nghĩa vụ trả nợ gốc tính theo nội tệ có thể tăng thêm 15.000-20.000 tỷ đồng sau đợt biến động tỷ giá vừa qua.

Theo báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố, tác động của phá giá tiền đồng lên lạm phát của Việt Nam năm nay là không đáng kể nhưng có thể ảnh hưởng đến chính sách điều hành lãi suất của NHNN và đẩy nợ công tăng.

Có thể tăng lãi suất cho vay

Cụ thể, VDSC phân tích: Việc phá giá tiền đồng trước mắt không ảnh hưởng đến lạm phát và lạm phát kỳ vọng nhưng có thể ảnh hưởng đến chính sách điều hành của NHNN đối với lãi suất. Vì theo báo cáo mới nhất của NHNN, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm bằng VND đang ổn định ở mức 6,4-7,2%/năm, trong khi đó, lãi suất huy động bằng USD đối với tổ chức là 0,25%/năm và đối với dân cư là 0,75%/năm. Với mức mất giá của tiền đồng từ đầu năm đến nay, người gửi tiền bằng USD và VND thực chất có mức lợi suất gần như tương đương.

Tỷ giá tăng có thể đẩy tăng lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực (Ảnh minh họa: KT)

Như vậy, “chính sách tỷ giá một phần đã gây áp lực lên khả năng điều hành và định hướng chính sách tiền tệ”. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay ở mức khá (+9,54% so với đầu năm và là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm) cũng tạo nên áp lực đảm bảo thanh khoản để đáp ứng nhu cầu cho vay từ nay đến cuối năm. Trên thị trường trái phiếu sơ cấp, nhu cầu mua TPCP giảm mạnh trong nửa cuối tháng 8/2015 dù lợi suất được chào cao hơn.

Đầu tháng 9/2015, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,1-0,3%/năm. Với xu hướng tín dụng thường tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích nhẹ, điều này đồng nghĩa với khả năng lãi suất cho vay không giảm thêm.

Tựu chung lại, VDSC cho rằng NHNN sẽ không điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên, cân đối cung-cầu vốn cộng với áp lực xử lý nợ xấu sẽ khiến các NHTM điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các đối tượng khác.

Rủi ro về nợ công đến sớm hơn 1 năm

Theo World Bank, tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam ước tính khoảng 110 tỷ USD, tương đương với 59,6% GDP. Trong cơ cấu vay nợ, nợ nước ngoài của Chính phủ ổn định khoảng 27-28%GDP, chiếm khoảng ½ tổng nợ công của Việt Nam. Trong những năm gần đây, tốc độ nợ vay trong nước tăng khá nhanh nhưng tốc độ tăng nợ vay nước ngoài chậm lại ở mức bình quân 5%.

Theo ước tính của chúng tôi, nợ vay bằng đồng USD chiếm khoảng 30-35% cơ cấu nợ vay nước ngoài, nợ vay bằng JPY cũng chiếm một tỷ lệ tương tương nợ vay bằng USD và nợ vay bằng EUR chiếm 6-7% tổng cơ cấu nợ vay. Dựa trên diễn biến của các cặp tỷ giá từ đầu năm đến nay, nghĩa vụ trả nợ gốc tính theo nội tệ có thể tăng thêm 15.000-20.000 tỷ đồng sau đợt biến động tỷ giá vừa qua, tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ được phân bổ theo thời gian dựa trên kỳ hạn trả nợ.

Trong ngắn hạn, năm 2015, Việt Nam sẽ phải chi trả khoảng 1,5 tỷ USD để trả nợ gốc và lãi vay đối với nợ nước ngoài, ước tính tương đối cho thấy chi trả nợ có thể sẽ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng sau đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua. Năm 2016, chi trả nợ và nợ gốc khoảng 2,5 tỷ USD, rủi ro về tỷ giá tiếp tục tạo ra áp lực lớn hơn đối với ngân sách trong năm sau nếu như không có biện pháp tìm nguồn tài trợ thêm.

Dựa theo kết quả nghiên cứu từ báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và UNDP về Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam, chúng tôi chọn mức thâm hụt ngân sách cơ bản/GDP trong năm 2015 ước tính là 2%, trong kịch bản tốt thì nợ công của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng giới hạn 65% vào năm 2019. Mô phỏng tỷ lệ nợ công theo tỷ giá cho thấy cứ 1% mất giá của đồng nội tệ sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công thêm 0,8%.

Như vậy, “sau đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua, rủi ro khủng hoảng nợ công có thể đến sớm hơn 1 năm”./.

Xuân Thân/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết