Tiếng Việt | English

28/08/2022 - 11:30

Nỗ lực giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh thời gian qua chính là huy động được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, tiến đến xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Khám bệnh, phát thuốc cho gia đình chính sách, người nghèo

Điểm sáng giảm nghèo

Ngay sau khi đất nước được độc lập, tự do, Bác Hồ coi việc “diệt giặc đói”, giảm nghèo quan trọng và cấp bách như diệt giặc ngoại xâm. Theo đó, Người từng nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Thực hiện lời dạy của Bác, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững. Giảm nghèo vì thế cũng trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, một phong trào thi đua sôi nổi, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An - Nguyễn Hồng Mai khẳng định: “Những năm qua, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như cho vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ con giống; dạy nghề, giới thiệu việc làm; xây dựng, sửa chữa nhà tình thương; miễn giảm học phí, tiền điện,... Riêng hàng năm, tỉnh còn vận động xã hội hóa tặng quà, bảo hiểm y tế cho người nghèo nhân các dịp lễ, tết. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần “vì người nghèo” mang đậm tính nhân văn, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt thành tựu to lớn. Đến nay, tỉnh còn 6.234 hộ nghèo, chiếm 1,3%; 11.568 hộ cận nghèo, chiếm 2,42%”.

Huyện Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Tân Trụ và TP.Tân An là những địa phương tiêu biểu thực hiện tốt công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức - Phạm Tuấn Hải chia sẻ: “Hiện huyện còn 333 hộ nghèo, chiếm 0,61%; 572 hộ cận nghèo, chiếm 1,07%, trong đó nhiều xã xóa trắng hộ nghèo như Mỹ Yên, Thanh Phú, Thạnh Đức. Những năm sau ngày giải phóng, đời sống người dân huyện Bến Thủ (nay là huyện Bến Lức và Thủ Thừa) gặp nhiều khó khăn, chỉ mong đủ ăn, đủ mặc, thu nhập chủ yếu bằng nghề nông; đường sá đi lại khó khăn. Còn giờ đây, huyện phát triển theo hướng công nghiệp hóa, chất lượng cuộc sống người dân không ngừng nâng lên. Đối với những hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đều được các cá nhân, tổ chức, đoàn thể nhận đỡ đầu, hỗ trợ, không có chuyện thiếu ăn, thiếu mặc”.

Phát huy tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Dù không có “của ăn, của để” nhưng với bản tính cần cù, siêng năng, vợ chồng anh Thái Văn Minh, ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, vẫn có cuộc sống ổn định, không phải chịu cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Song, biến cố ập đến khi vợ chồng anh Minh sinh đứa con gái đầu lòng nhưng không may mắc bệnh hiểm nghèo. Vậy là bao nhiêu tiền dành dụm, vợ chồng anh lo chạy chữa thuốc men cho con. Sau đó, vợ anh Minh tiếp tục sinh thêm 2 người con, phải nghỉ việc ở nhà chăm lo gia đình, mọi chi phí sinh hoạt đều đè nặng lên vai anh.

Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn ấy, xã Thanh Phú xét gia đình anh Minh vào danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi, trợ giúp của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách về bảo hiểm y tế.

Anh Minh bộc bạch: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhà hảo tâm, cuộc sống gia đình đỡ vất vả, con gái lớn có điều kiện trị bệnh, 2 đứa con nhỏ được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Khi cuộc sống gia đình bớt khó khăn và muốn nhường lại sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những người khó khăn hơn, tôi quyết định xin ra khỏi hộ cận nghèo vào năm 2019. Dù xin ra khỏi hộ cận nghèo nhưng mỗi khi có nhà hảo tâm đến tặng quà, học bổng, UBND xã đều dành cho gia đình một phần. Sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhà hảo tâm đã tiếp thêm động lực, niềm tin giúp gia đình vượt qua mọi khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Tương tự trường hợp gia đình anh Minh, em Trần Khánh My, ngụ xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, cũng được các cấp, các ngành và nhà hảo tâm quan tâm chăm sóc, hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Mẹ Khánh My cho biết: “Mới sinh ra, My bị bệnh tim, sau đó không bao lâu, bác sĩ thông báo My bị bệnh thiếu máu, phải truyền máu hàng tháng, vì thế cuộc sống gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn. May mắn My được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ mổ tim; đồng thời, UBND xã xét đưa gia đình vào danh sách hộ nghèo để được giảm tiền khi thay máu hoặc tái khám. Nhờ được mổ tim và thay máu mỗi tháng, sức khỏe My ổn định và hiện là sinh viên năm nhất của một trường đại học ở TP.HCM”.

Nhờ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhà hảo tâm, gia đình anh Thái Văn Minh thoát nghèo và có điều kiện cho 2 con đi học

Bà Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và địa phương hiểu thực hiện công tác giảm nghèo là trách nhiệm không của riêng ai và xóa dần tâm lý trông chờ, ỷ lại của người nghèo vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước. đồng thời, huy động nhiều nguồn lực tham gia; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giảm nghèo; nêu gương các cá nhân tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ nghèo...”.

Xóa đói, giảm nghèo những năm sau giải phóng hay ở thời điểm hiện tại đều có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Mỗi thời điểm, mỗi chính sách khác nhau, song với tinh thần “tương thân, tương ái” và thực hiện theo lời Bác Hồ dạy, Long An nói riêng, cả nước nói chung đã không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau hay đơn độc trong hành trình giảm nghèo./.

Xóa đói, giảm nghèo những năm sau giải phóng hay ở thời điểm hiện tại đều có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Mỗi thời điểm, mỗi chính sách khác nhau, song với tinh thần “tương thân, tương ái” và thực hiện theo lời Bác Hồ dạy, Long An nói riêng, cả nước nói chung đã không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau hay đơn độc trong hành trình giảm nghèo.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết