Nâng cao nhận thức
RTN đang là hiểm họa môi trường toàn cầu, số lượng RTN, túi nylon thải ra tăng dần theo từng năm. Theo khảo sát của ngành chức năng, nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì ở Việt Nam, lượng chất thải loại này sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Đây là con số đáng lo ngại, đã, đang và sẽ là gánh nặng cho môi trường. Trong khi đó, thói quen sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần của người dân ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc xả rác thải ra môi trường, không phân loại chất thải nhựa, nhất là nylon với các loại chất thải khác khiến cho việc xử lý RTN ngày càng khó khăn và phức tạp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của RTN cho các hoạt động phát triển KT-XH.
Nhiều hành động, mô hình kêu gọi hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần được tỉnh thực hiện
Long An đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể. Trong đó, tại các cuộc họp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện bắt đầu thực hiện việc hạn chế sử dụng chai đựng nước uống bằng nhựa, thay bằng những chai thủy tinh để đựng nước. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa một lần,... Một số cửa hàng ăn uống, siêu thị,... cũng đã bắt đầu chuyển sang dùng ly giấy, ống hút bằng chất liệu bột để thay thế cho ly nhựa, ống hút nhựa thường dùng.
Bà Nguyễn Ngọc Vân, ngụ ấp Trung Thành, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Trước đây, gia đình chưa biết được những tác hại do loại chất thải này gây ra. Thời gian gần đây, được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã nhận thức được những tác hại của túi nylon nên hạn chế sử dụng, thay vào đó, gia đình dùng giỏ xách hay túi vải để đi chợ, sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Gia đình cũng mong muốn có nhiều hơn các dòng sản phẩm để thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày”.
Tương tự, bà Trần Thị Thanh, ngụ phường 5, TP.Tân An, cho biết: “Từ khi được chị em trong Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động, gia đình tôi hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhất là trong các hoạt động đi chợ, mua sắm hàng ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phân loại rác thải tại nguồn để việc thu gom, xử lý được dễ dàng hơn. Hy vọng những hoạt động nhỏ của gia đình sẽ chung tay cùng cộng đồng giảm thiểu các sản phẩm nhựa một lần, tăng cường xây dựng, bảo vệ môi trường”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng cuộc sống xanh, sạch, đẹp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, Hội duy trì và nhân rộng mô hình giảm thiểu chất thải nhựa, gây quỹ thu gom chất thải nhựa, phân loại rác thải,... Những mô hình này phát huy hiệu quả cao, nâng cao được nhận thức hội viên, từng bước thay đổi thói quen dùng sản phẩm nhựa trong gia đình. Thời gian tới, Hội tập trung tuyên truyền, duy trì các hoạt động, nâng chất lượng các mô hình, phát động các ý tưởng sáng tạo gắn với chương trình khởi nghiệp của phụ nữ trong việc tạo ra các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa một lần, phục vụ nhu cầu của đời sống, góp phần hạn chế RTN.
Các cuộc họp trên địa bàn đã “vắng” chai nhựa
Tăng cường thực hiện nhiều giải pháp
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa một lần còn rất phổ biến. Tuy nhiên, loại rác thải này mất rất nhiều thời gian để phân hủy, việc xử lý RTN đòi hỏi cả một quá trình và tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền của,...
Lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, chú trọng, kêu gọi cộng đồng chung tay chống RTN trên địa bàn. Một số hành động cụ thể như: Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần; thay thế chai nhựa đựng nước bằng chai thủy tinh; thay thế các túi nylon, túi nhựa bằng túi vải; trồng cây xanh; phân loại rác tại nguồn;... góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là trong việc chống RTN.
Phân loại rác tại nguồn, góp phần hạn chế rác thải nhựa
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường đề xuất các giải pháp quản lý, xử lý chất thải và phế liệu, trong đó tập trung vào chất thải nhựa; triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa đối với môi trường tự nhiên; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị có hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải và phế liệu, quản lý chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp tổ chức các hoạt động, kêu gọi cộng đồng “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh, mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nylon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư tập trung,... nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nylon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.
Mặt khác, Sở từng bước xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm. Đồng thời, Sở khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng; khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường./.
Châu Sơn