Nhiều ngư dân sống ở khu vực đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh An Giang cho biết nhiều khả năng đây là năm thứ hai liên tiếp họ không thể khai thác cá tự nhiên vì nước lũ không ngập đồng. Những người chuyên làm nghề đóng đáy hoặc đặt dớn cũng “rầu thúi ruột” vì lượng cá linh đầu mùa chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái.
Cạn kiệt mùa cá
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù đã bước sang giữa tháng 7 âm lịch nhưng mực nước trên sông Tiền, sông Hậu vẫn ở mức thấp so với nhiều năm trở lại đây. Ngay cả những cánh đồng rộng lớn thuộc các khu vực giáp biên giới Campuchia cũng đang chờ lũ về để rửa trôi mầm bệnh trong đất, diệt cỏ dại.
Ông Lê Văn Xíu (ngụ xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết vừa qua, con trai của ông đã sang Campuchia thuê 2 km2 mặt nước với giá 100 triệu đồng để khai thác cá. Thế nhưng, không hiểu vì lí do gì, đến nay mực nước vẫn rất thấp. Ngay tại kênh Vĩnh Tế, nước thấp hơn mặt ruộng cả mét.
“Tất cả đều đã được chuẩn bị sẵn sàng nhưng không thấy nước lên. Nếu năm nay không có lũ thì chắc chắn là tôi sẽ bỏ nghề làm cá, không thể chịu nổi cảnh phải bỏ ra hàng chục triệu đồng mua sắm ngư cụ để rồi để trên bờ cho chuột cắn phá” - ông Xíu rầu rĩ.
Lũ không về, xuồng đánh cá của nhiều người dân ĐBSCL nằm phơi trên bờ Ảnh: THỐT NỐT
Ngã ba Dung Thăng thuộc địa bàn xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang vốn là nơi đón nhận lượng nước và cá đầu tiên từ phía Campuchia qua sông Châu Đốc để hòa vào dòng sông Hậu. Ngư dân ở đây chủ yếu đóng đáy dưới lòng sông Châu Đốc hoặc đặt dớn cặp theo mé sông để bắt cá theo kiểu truyền thống. Ông Lê Văn Thanh, một ngư dân ở đây, cho biết khoảng 3 ngày nay, mực nước sông Châu Đốc chỉ nhích lên được khoảng 1 tấc (0,1 m). Mực nước này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1 m. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều cánh đồng lúa ở khu vực này chưa có nước tràn vào để cho các loài cá tự nhiên có nơi sinh sản hoặc tìm thức ăn.
“Năm vừa rồi, với 6 giàn dớn, mỗi ngày tôi có thể bắt được khoảng 30 kg cá các loại. Sau khi lựa ra thì cũng còn được khoảng 9 kg cá linh non để cân cho bạn hàng đem đi bán ở các chợ. Theo tôi biết, năm nào nước lũ kém thì năm đó có cá linh đầu mùa nhiều hơn nhưng năm nay thì hoàn toàn ngược lại. Bình quân hiện nay, mỗi ngày tôi chỉ bắt được 12 kg cá các loại, trong đó chỉ có hơn 1 kg cá linh non” - ông Thanh than vãn.
Là người có hơn 30 năm làm nghề vá lưới phục vụ việc đóng đáy, ông Nguyễn Văn Que - ở xã Vĩnh Hội Đông - cho biết chỉ riêng ở đoạn sông đi qua địa bàn xã này có đến 4 gian đáy. Ngư dân thường trúng thầu đối với gian đáy ở khu vực này là ông Bảy Phán. Chỉ riêng năm ngoái, có ngày ông Bảy Phán hứng từ 300 kg đến 1 tấn cá linh.
“Giờ đã qua rằm tháng 7 rồi mà chính quyền địa phương vẫn chưa cho các chủ đáy đấu thầu nên tôi cũng lo bị thất nghiệp” - ông Que lo lắng.
Hậu quả từ thủy điện
ThS Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho biết qua đo đạc từ trạm Chiang Saen - Thái Lan đến một số trạm ở Campuchia thì mực nước ở lưu vực sông Mê Kông thấp hơn năm 2015 từ vài tấc đến 1 m. Vì vậy, dự báo lũ về ĐBSCL thấp, thậm chí thấp hơn năm 2010 (đây là năm hạn, 80 năm mới xảy ra một lần).
“Việc lũ về thấp một phần do tác động từ các đập thủy điện ở thượng nguồn. Tuy nhiên, quan trọng hơn là từ năm vừa rồi đến nay, những cơn mưa lớn hay bão đều xuất hiện ở bờ biển chứ không phải trên lưu vực sông Mê Kông nên không có lượng mưa bổ sung cho con sông này. Hiện chưa hết mùa mưa nên chưa thể kết luận điều gì. Tuy nhiên, các tỉnh, thành ĐBSCL nên chuẩn bị tâm lý đối phó với hạn, mặn vào năm 2017 nếu như lũ năm nay về thấp” - ông Vinh cảnh báo.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, lũ ở ĐBSCL có xu thế thấp dần do yếu tố tự nhiên và đặc biệt là sự điều tiết của các hồ chứa ở thượng lưu. Sau các trận lũ lớn, từ năm 2002 trở đi, hơn 10 năm liền, ĐBSCL chỉ có lũ vừa và nhỏ.
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái ĐBSCL, băn khoăn: “Điều đáng lo ngại là trong tương lai, khi 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào và Campuchia được xây dựng thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Các con đập này không có hồ chứa lớn, tích nước và xả nước phát điện theo ngày trong mùa lũ. Nhưng sang mùa khô, từng đập này có khả năng lưu nước từ 3 ngày đến 3 tuần. Như vậy, chuỗi 11 đập hoàn toàn có khả năng làm đảo lộn thời gian nước về hạ lưu”.
Hơn nữa, 11 đập nêu trên do các nhà đầu tư vận hành riêng rẽ và khác nhau vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận phát điện chứ không phải vì lợi ích công cộng. Trong mùa khô, các đập sẽ tăng cường tích nước trong một giai đoạn, đủ thì xả ra. Khi đó, ở Campuchia và Việt Nam, lưu lượng nước dao động lớn, ranh giới mặn - ngọt ở ĐBSCL cũng sẽ biến đổi bất thường.
Bảo vệ cá non đầu mùa Ông Phạm Thành Tâm, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, cho biết nguyên nhân của việc chậm trễ đấu thầu đóng đáy trên sông Châu Đốc là vì nhiều khả năng nước lũ về kém so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Do đó, rất khó tính giá đấu thầu hợp lý để tránh trường hợp các chủ đáy kêu lỗ. Hơn nữa, UBND tỉnh An Giang đã có chỉ đạo về việc tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên để cho các chủ đáy khai thác các loại cá non đầu mùa là trái với quy định. Dự kiến đến giữa tháng 9-2016, huyện An Phú sẽ cho các chủ đáy đấu thầu khai thác cá. |
Thốt Nốt-Ca Linh/Người lao động