Nông nghiệp phát triển
Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp nên việc tập trung phát triển lĩnh vực này luôn được quan tâm thực hiện và có sự chuyển biến tích cực. Như cây lúa, năm 2017, diện tích gieo sạ 526.718ha (tăng hơn 70.400ha so với năm 2008), năng suất bình quân đạt 50,3 tạ/ha (tăng 2,63 tạ/ha so với năm 2008), sản lượng đạt 2,64 triệu tấn. Trong đó, lúa chất lượng cao đạt 1,2 triệu tấn, chiếm 45,5% tổng sản lượng lúa.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng đạt nhiều kết quả Ảnh: Duy Bằng
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ khi có trên 23.500ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, rau màu, nuôi thủy sản.
Năm 2017, rau màu có diện tích gần 13.600ha (tăng gần 5.100ha so với năm 2008); cây thanh long gần 9.300ha (tăng 7.100ha so với năm 2008) và cây chanh gần 8.400ha (tăng hơn 6.500ha so với năm 2008). Đối với thủy sản, năm 2017 tăng lên 4,21% (giai đoạn 2008-2010 bị âm 1,78%).
“Sự chuyển dịch này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Phan Văn Liêm nhận định.
Thời gian qua, tỉnh quy hoạch sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, rau màu, thanh long, chăn nuôi bò, bước đầu đạt hiệu quả.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn, theo quy hoạch, đến năm 2020, huyện có 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao nhưng đến nay đã thực hiện được gần 1.100ha.
Còn Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Theo quy hoạch, đến năm 2020, Cần Đước có 700ha rau màu ứng dụng công nghệ cao, đến nay đã thực hiện được 300ha, trong đó có 100ha xây dựng nhà lưới, kết hợp tưới tự động”.
Hay như huyện Tân Hưng, quy hoạch đến năm 2020 có 4.500ha lúa công nghệ cao (khu vực Đồng Tháp Mười 20.000ha) nhưng đến nay, huyện thực hiện được 7 mô hình điểm với diện tích 300ha, các mô hình tiếp tục được nhân rộng thêm được 1.600ha.
Nông thôn đổi mới
Long An có 192 xã, phường, thị trấn, trong đó có 166 xã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Bắt đầu thực hiện chương trình với điểm xuất phát thấp nhưng đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có 67 xã đạt chuẩn NTM (chiếm trên 40%), số tiêu chí đạt bình quân 14,2, tăng 8,2 tiêu chí so với thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình vào năm 2010.
Hiện nay, kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh thay đổi rất nhiều, trong đó có thể điểm qua một số kết quả nổi bật như hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng trên 90% yêu cầu tưới, tiêu, ngăn mặn và 60% yêu cầu chống lũ sớm. Hệ thống giao thông nông thôn những năm qua có sự thay đổi mạnh mẽ.
Đến nay, toàn tỉnh có 7.365,8km đường giao thông nông thôn (tăng 2.822,4km so với năm 2008); trong đó có những huyện, đa số các tuyến đường được trải nhựa hoặc bêtông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa,...
Hệ thống giao thông nông thôn những năm qua có nhiều thay đổi
Ngoài ra, tính đến cuối năm 2017, 99,8% hộ dân có điện sử dụng điện; 165/166 xã đạt tiêu chí thông tin, truyền thông; 153/166 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 292 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 43,6%). Mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các trung tâm y tế vùng, các cơ sở y tế chuyên sâu cũng phát triển không ngừng ở các địa bàn,...
Huyện Châu Thành là địa phương điển hình thực hiện chương trình XDNTM. Hiện nay, 12/12 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trong đó có 11/12 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM. “Với những kết quả đã đạt, huyện đang phấn đấu là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM trong năm 2019” - Trưởng phòng NN&PTNT - Võ Văn Vấn cho biết.
Đời sống nông dân được nâng lên
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn,...” Theo đó, khi sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch hiệu quả, kết cấu hạ tầng được đầu tư... thì đời sống nông dân được nâng lên.
Ngoài ra, tỉnh luôn chú trọng tập trung nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững và xã hội hóa, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
10 năm qua, toàn tỉnh đào tạo nghề cho hơn 64.000 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là 89,7%. Từ nhiều chính sách, sự hỗ trợ nên tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; nếu như năm 2008, hộ nghèo chiếm 10,5% nay chỉ còn 2,92%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn cũng nâng lên nhiều, nếu như năm 2008 là 12 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2017 là 39 triệu đồng/người/năm.
Những năm qua, thanh long mang lại giá trị kinh tế cao
Không chỉ về vật chất mà việc học tập, đời sống tinh thần, văn hóa, chăm sóc sức khỏe của người dân cũng gặt hái nhiều kết quả nổi trội.
Hiện nay, 15/15 đơn vị cấp huyện đạt phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 192/192 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; có hơn 1.000 ấp, khu phố được công nhận văn hóa (chiếm 98%) và hơn 378.800 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm 95,5%); tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 100%.
Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 1.500 công trình cấp nước nông thôn tập trung đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,4%, trong đó nước sạch là 24,8%. Đặc biệt, từ sự đầu tư này, các xã vùng hạ cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng xảy ra nhiều năm qua.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Phan Văn Liêm đánh giá: “Trong thực hiện Nghị quyết 26, người dân nhận thức được vị trí, trách nhiệm, phát huy vai trò chủ thể của mình nên chủ động đóng góp, tham gia hiến kế, bàn bạc trong thực hiện nhiều công trình vì sự phát triển của địa phương. Ngoài ra, chính quyền phát huy tốt dân chủ, giải quyết kịp thời những bức xúc trong đời sống nên tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Theo đó, phát huy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền làm chủ theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân chọn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng; đồng thời nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động, thực hiện nhiệm vụ luôn được xem là hai trong nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra”./.
"Bên cạnh những kết quả đã đạt, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở tỉnh vẫn còn những hạn chế: Nông nghiệp tăng trưởng chưa bền vững, chưa ổn định; khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp; tình trạng được mùa - rớt giá vẫn diễn ra; kinh tế trang trại, kinh tế tập thể chậm phát triển; khả năng liên kết sản xuất với thị trường còn nhiều hạn chế; khoảng cách chênh lệch thu nhập giữ thành thị và nông thôn còn cao; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn có xu hướng tăng; tệ nạn xã hội ở một số khu vực nông thôn vẫn diễn biến phức tạp...”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm nhìn nhận.
|
Vũ Quang