Kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng UNESCO (Liên Hiệp Quốc) tại Paris (Pháp) vào tháng 11/2021, đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế, niên khóa 2022-2023. Ngoài việc ra quyết định, UNESCO cũng tổ chức vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất của hai danh nhân văn hóa này, và đầu tháng 7/2022 sẽ diễn ra sự kiện đáng tự hào trên.
1. Năm 1963, tại Thủ đô Hà Nội, trong lễ kỷ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Đình Chiểu là “những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu chúng đặt chân lên nước ta”; và “thơ văn ấy giống như những vì sao có ánh sáng khác thường; mắt chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng”.
2. Có lẽ, người Long An không mấy ai xa lạ với truyện Lục Vân Tiên và bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu ra đời trên quê hương của mình và Cần Giuộc, Long An có một phần đời Đồ Chiểu.
Cuộc đời cụ Đồ Chiểu từ một chàng trai khôi ngô, tráng kiện, ra Huế thi Hương với mộng công danh rạng rỡ, được một nhà giàu ở đất Gia Định hứa gả con gái rượu cho.
Nhưng rồi số phận éo le, chưa kịp thi Hương, Nguyễn Đình Chiểu hay tin mẹ mất, liền bỏ thi, quay về Gia Định chịu tang mẹ. Trên đường về, vì thương tiếc mẹ mà khóc đến nhuốm bệnh đau mắt, chạy chữa không hết, ông bị mù vĩnh viễn. Từ đây, bao đắng cay nghiệt ngã dồn vào tuổi 28 khi tình duyên bị bội ước, tay trắng phải nuôi dạy các em mồ côi của mình và chống chọi với cảnh nghèo khó. Để mưu sinh, Nguyễn Đình Chiểu đã mở trường dạy học và hốt thuốc cứu người là chính. Thương hoàn cảnh của thầy, trò Lê Tăng Quýnh về nhà ở làng Thanh Ba (Cần Giuộc), xin cha mẹ gả em Năm Điền cho thầy. Có được vợ hiền thảo chăm chút cho từng miếng ăn, giấc ngủ, thầy Đồ Chiểu vắt tim óc cho ra đời “đứa con tinh thần”đầu tiên là Lục Vân Tiên có số phận gần như tác giả. Ngay lập tức, Lục Vân Tiên lan ra khắp Nam kỳ lục tỉnh, đi vào đời sống dân gian.
Giặc Pháp đặt gót chân xâm lược lên đất Đồng Nai, lăm le nổ súng vào Gia Định, dội vào lòng thầy Đồ, ông viết: “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/ Một bàn cờ thế phút sa tay/ Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dác bay/ Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây/ Hỡi trang dẹp loạn! Rày đâu vắng?/ Nỡ để dân đen mắc nạn này!” (Chạy giặc). Thầy Đồ Chiểu cũng đưa cả gia đình chạy giặc về Thanh Ba quê vợ, và thầy ẩn trú cửa chùa Tôn Thạnh để vừa dạy học, vừa làm thuốc chữa bệnh cho dân và nghe ngóng diễn biến thời cuộc để kịp dùng ngòi bút chống giặc như nhà thơ đương thời ở cung đình Huế - Tùng Thiện Vương đã viết: “Chí cánh thư sinh không bút trận” (Thư sinh giết giặc bằng ngòi bút) để nói về Nguyễn Đình Chiểu.
Sau khi Pháp đánh chiếm Gia Định (năm 1860) trở đi, Nguyễn Đình Chiểu đã biến ngọn bút lông thành thép để “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ngòi bút của cụ Đồ Chiểu luôn hừng hực lửa đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Sự nghiệp thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu gắn bó máu thịt với thời cuộc qua từng sự kiện lịch sử. Sau trận Cần Giuộc thất bại (năm 1861) là ra đời bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - khắc họa chân dung nghĩa binh “Sống đánh giặc thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…” dù họ “vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo vòng lính ở diễn binh. Chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ…”, và “ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi. Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ”… Dù quen “việc cấy, việc cày, việc bừa,…” nhưng khi nước biến, bất chấp súng to súng nhỏ, xông vào với “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia. Gươm đao dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ”… Rồi 12 bài thơ và bài Văn tế Trương Định, cụ viết sau khi Bình Tây Đại nguyên soái chỉ huy đánh Pháp ở Gò Công bị trúng đạn gãy xương sống, rút gươm ra tuẫn tiết (năm 1864); rồi Mười bài thơ điếu Phan Tòng (năm 1867) sau khi vị lãnh tụ nghĩa quân này ở Ba Tri (Bến Tre - nơi cụ ở), hy sinh. Cụ đã dành cho Trương Định và Phan Tòng những câu thơ xứng đáng nhất: “Làm người trung nghĩa đáng bia son/ Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn/ Cơm áo đền bồi ơn đất nước (…) /Tinh thần hai chữ phao sương tuyết/ Khí phách ngàn thu rỡ núi non…”. Theo nghiên cứu của PGS.TS Phan Minh Tường, thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu từ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đến Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh và cuối cùng là Ngư tiều y thuật vấn đáp đã trải qua một chặng đường phát triển khá dài. Nói chung, từ trước đến sau, nhà thơ bao giờ cũng tha thiết với sự nghiệp giải phóng đất nước và căm thù giặc sâu sắc.
Ngày 24/5 năm Mậu Tý (tức ngày 3/8/1888), nhà thơ chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã trút hơi thở cuối cùng sau những năm tháng đau buồn về cảnh nước mất nhà tan, lại có bệnh nặng về tiêu hóa. Cụ để lại cho đời, về thơ lục bát Nôm có truyện Lục Vân Tiên gồm 2.082 câu; Dương Từ - Hà Mậu gồm 3.456 câu; Ngư Tiều y thuật vấn đáp gồm 3.641 câu kèm 21 bài thơ Đường luật và một số bài thuốc mà sinh thời cụ đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân.
3. Cố GS.Trần Văn Giàu, nhà cách mạng và nhà sử học lão thành của quê hương Long An từng viết: “… Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là một cuộc đời điển hình (sĩ phu yêu nước) trong một hoàn cảnh điển hình (đất nước bị xâm lăng). Con người Nguyễn Đình Chiểu không phải sống tùy thời (…) mà từ đầu chí cuối đứng sừng sững như cây dừa, rễ ăn sâu, thân đứng thẳng đương đầu bất khuất với thời cuộc mỗi lúc mỗi thêm bi đát, giữ được đến cùng cái chính khí bản nhiên, cái ý chí quang phục, cái nhân cách Việt Nam. Vừa bằng cuộc đời vừa bằng văn thơ, Nguyễn Đình Chiểu để lại cho chúng ta một đạo làm người nhất quán yêu nước thương dân, trọng nghĩa khinh tài, trong sạch, bất khuất, được đồng bào quý mến, còn kẻ thù thì kính nể”.
Nguyễn Đình Chiểu là “biểu tượng hào khí đất Đồng Nai, một nhà Nho tiết tháo kiên cường, một nhà giáo mẫu mực, một lương y giàu lòng nhân ái, một người con trung hiếu của Tổ quốc và là một “vì sao càng nhìn càng thấy sáng” như có người đã nhận xét./.
Cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài và được nhiều học giả nghiên cứu, phổ biến ở nước họ. Tuy nhiên, do bị mù mắt không tự viết được mà chỉ đọc cho học trò, người thân và người ái mộ nghe rồi truyền tụng mà thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu có nhiều bản di biệt và qua truyền miệng (kể cho nhau nghe) mà thơ cụ Đồ Chiểu thành một thể loại văn học dân gian. |
Quang Hảo
Nguồn: Tạp chí sử học Xưa&Nay số tháng 6-2022 (Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu)