Tiếng Việt | English

07/07/2024 - 10:32

Nuộc lạt mái nhà

Tháng bảy mưa đổ trắng trời, mưa làm man mác tâm can, mưa làm xốn xang nỗi nhớ. Đã bao lâu rồi ta chưa ngắm trọn vẹn một cơn mưa? Đã bao lâu rồi ta chưa đắm chìm tâm hồn trong giọt nước? Để mà buồn hiu hiu, để mà cười tí tách.

Ảnh minh họa (Báo SGGP)

Xưa, nhà tôi lợp bằng lá dừa nước. Ba đốn tàu lá tốt, xé làm đôi, phơi cho dốt rồi lợp. Những tàu lá được cố định bằng lạt dừa. Người ta chặt bập dừa tốt, chẻ lấy phần vỏ có dính ít ruột rồi phơi khô. Lạt dừa vừa dẻo, vừa dai, xưa cột lúa cũng xài lạt dừa chứ không cột bằng dây nylon như giờ. Ca dao có câu:

Ngó lên nuộc lạt mái nhà

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu

Thật vậy, bởi ngày xưa, việc chẻ lạt thường là người lớn làm. Ai ở miền Tây chắc cũng hay thấy ông bà mình chẻ lạt. Hình ảnh ấy mới thân thương làm sao! Đó là thứ mà dù có vất vả ngược xuôi, dù có rất nhiều tiền cũng chưa chắc tìm thấy được.

Ngày xưa, dòng họ, lối xóm làm vần công cho nhau. Nay tui làm phụ anh, mai anh làm phụ lại tui. Giả tỉ người này làm ít hay nhiều hơn cũng không thành vấn đề, chẳng ai tính toán thiệt hơn. Làm cái nhà lá coi vậy chứ cũng cần đông người. Chú, bác có kinh nghiệm thì xách thước đo, chỉ tụi nhỏ làm. Ai còn trẻ có sức thì dựng cột, đóng xiên tấp, xiên ngang. Ai khéo tay thì lên lợp lá. Hồi xưa, người lợp nhà đẹp rất "có giá", thế nào mấy ông già bà cả cũng kèo móc, mai mối cho.

Ở nhà lá rất mát, hồi trước nó là của người nghèo, chứ bây giờ ai có cái chòi lá thì thuộc hàng khá giả bởi người ta làm để hóng mát là chủ yếu chứ không phải để ở. Người miền Nam làm nhà có hàng ba rộng, tối tối trải chiếu ngoài đó ngồi nói chuyện, ban ngày mắc võng ầu ơ kẽo kẹt.

Với tôi, không có gì thú vị bằng nghe tiếng mưa rớt xuống nóc nhà lộp độp. Nghe như tiếng ấu thơ từ ngày xưa vọng lại, nghe như bản nhạc thiên nhiên vô tận đồng bằng. Nước mưa hứng từ nhà lợp lá có mùi đặc trưng, rất thơm, rất mát. Hồi nhỏ, tôi hay ngồi ngắm cơn mưa như thế. Lúc đó không có ly cà phê kế bên, không có miếng mứt gừng ấm bụng. Tôi chỉ ngồi nhìn nó, nhìn bong bóng nước từ lúc hình thành cho tới lúc tan ra, nhìn mưa rơi đến giọt cuối cùng.

Thiên nhiên cho con người những tiện nghi vừa đủ để trú ngụ sinh nhai. Những thứ ấy nhiều kỷ niệm hơn khi chính tay ta làm ra nó chứ không dùng tiền thuê mướn. Ta ngó nuộc lạt mà nhớ ông bà, bởi nó có hình bóng, năng lượng của ông bà trong đó. Ngôi nhà mái lá, vách lá, nền đất lông chông mà sao nhiều kỷ niệm quá chừng, sao mà tình nghĩa quá chừng, sao mà chòm xóm thân thiết quá chừng.

Liệu có phải cái vừa đủ làm người ta thương nhau hơn, chân thật với nhau hơn, nghĩa tình với nhau hơn? Bây giờ làm gì còn cảnh ngày tết xuống bếp nhà hàng xóm bới cơm ăn như nhà mình, làm gì còn cảnh đi từ cửa trước ra cửa sau nhà người ta mà không tiếng hét la, chỉ ngoảnh cổ coi ai rồi... ngủ tiếp.

Lập lòe đom đóm tuổi thơ

Lập lòe đom đóm tuổi thơ 

Tôi về nhà bạn chơi đúng hôm cúp điện. Buổi tối, bạn rủ đi dạo quanh xóm cho mát, tôi chợt nhớ về những ngày lập lòe đom đóm tuổi thơ.

Có người cả đời đi tìm vật chất phù hoa, có người cả đời đi tìm danh thơm tiếng đẹp. Nhưng đa phần họ, khi nhìn lại vẫn rất thèm mái lá đơn sơ có khói tỏa ra pha vào nắng mặt trời mỗi sáng. Ở đó có bữa cơm với rau muống đồng nấu canh chua, nồi cá kho mặn mà tình cảm. Một bữa ăn chất lượng đâu phải ở chỗ ta ăn món nào mà là người nấu đã gửi gắm điều gì trong đó.

Chừng nào ta quay lại căn nhà lá đơn sơ có mưa rơi lộp độp? Chừng nào ta ngắm trọn vẹn một cơn mưa mà không bị đắm nhiễm bởi thế sự vô tình? Ta tự hỏi mình cần gì đây? Một tâm hồn bình an? Hay là hơn thế nữa?

Huỳnh Thông

Chia sẻ bài viết