Tiếng Việt | English

20/06/2020 - 17:05

Phải biến những thách thức từ hạn mặn thành cơ hội mới

Chúng ta phải ý thức được, chủ động thích ứng, coi đây là điều hiển nhiên, bắt buộc phải thích ứng. Tất cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, người dân cùng vào cuộc trong phòng, chống hạn mặn. Có như vậy mới biến những thách thức từ hạn mặn thành cơ hội mới.

Ngày 20/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, nghành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Trần Văn Cần và đại diện lãnh đạo, các sở, ngành của 13 tỉnh vùng ĐBSCL.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mùa mưa năm 2019, trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, tổng thời gian mưa ngắn, lượng mưa thấp dẫn đến tổng lượng dòng chảy năm về ĐBSCL ở mức thấp. Tình trạng này dẫn đến xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020 xuất hiện sớm, kéo dài, mức độ gay gắt và liên tục duy trì ở mức cao trong cả mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Qua theo dõi, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 có một số đặc điểm khác với quy luật nhiều năm như xuất hiện sớm, sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 3 tháng, sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016 gần 1 tháng; thời gian xâm nhập mặn kéo dài từ 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016, độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt tháng 2 đến tháng 5 và hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.

Xâm nhập mặn năm 2019-2020 ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL. Phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g/l là 1.688.600 ha chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so với năm 2016 cao hơn 50.376ha.

Hàng ngàn ha lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi hạn mặn

Số liệu thống kê cho thấy ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, hạn hán khiến ngành Nông nghiệp bị thiệt hại nặng. Đối với sản xuất lúa, vụ mùa 2019 thiệt hại 16.500ha lúa trên đất tôm, chủ yếu tại tỉnh Cà Mau, trong đó diện tích mất trắng là 14.000ha. Vụ Đông Xuân bị ảnh hưởng khoảng 41.900ha, trong đó mất trắng là 26.000ha.

Đối với cây ăn quả, diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 6.650ha, tập trung tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng, trong đó thiệt hại mất trắng trên 70% khoảng 355ha. Riêng đối với cây rau màu, diện tích bị ảnh hưởng chỉ vào khoảng 1.240ha.

Người dân cứu lúa trong những ngày cao điểm hạn mặn

Ngoài ảnh hưởng đến trồng trọt, về nuôi trồng thủy sản cũng bị tác động với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 8.715,5ha, gồm nuôi cá truyền thống 1.234,5ha, nuôi tôm nước lợ 4.811ha, nuôi cá da trơn 136ha, nuôi nhuyễn thế 201ha và nuôi ngao 2.324ha.

Tại tỉnh Long An, mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện giữa tháng 11/2019, sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ năm 2018-2019 và sớm hơn nửa tháng so với hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 và diễn ra gay gắt, phức tạp, khó lường. Mặc dù nhận định sớm tình hình và chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhưng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp vẫn không thể tránh khỏi. Theo thống kê, tỉnh Long An có khoảng 860ha lúa bị mất trắng, 1.900ha giảm năng suất từ 30-70%, cùng với đó, nhiều diện tích trồng chanh tại các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An bị thiệt hại do phèn, mặn và sốc nhiệt. Ước tổng kinh phí thiệt hại do hạn mặn năm 2019-2020 tại Long An là 55 tỉ đồng, giảm sâu so với thiệt hại năm hạn mặn lịch sử 2015-2016 là 194 tỉ đồng.

Đồng thời, hạn hán, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân và kéo theo tình trạng sạt lở. Theo thống kê từ các địa phương, mức độ thiếu nước sinh hoạt lúc cao nhất trong tháng 3/2020 khiến khoảng 96.000 hộ dân với khoảng 430.000 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù, phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt đã giảm khoảng 114.000 hộ, tương đương 54% so với năm 2015-2016. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã tác động gây ra hàng trăm vụ sạt lở tại các tỉnh ĐBSCL. Điển hình như tại vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang xảy ra 112 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 16km; tỉnh Cà Mau sụp lún 9 điểm đường cấp tỉnh, sụp lún tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc – Kênh Mới với chiều dài 240m, nguy cơ sụp trên 4,2km và sụp lún khoảng gần 25km đường giao thông nông thôn,…

Nhiều tuyến kênh rạch cạn trơ đáy trong mùa hạn mặn

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Kết quả đó cho thấy Bộ NN&PTNT cùng các địa phương phát huy được những hiệu quả, chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các địa phương, nhà khoa học cùng thảo luận nhiều giải pháp, bài học từ công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cũng như đề xuất các giải pháp thiết thực để chủ động phòng, chống, ứng phó trong thời gian tới trong việc phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 diễn ra khốc liệt hơn nạn mặn lịch sử năm 2015-2016 về cả thời gian diễn ra hạn mặn khi chịu tổn thương trong 6 tháng, ranh mặn leo sâu hơn từ 10-15% căn cứ vào lưu vực từng sông và tác động đến đất canh tác kể cả trong sản xuất lúa, cây ăn trái và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bằng các nhóm giải pháp tổng thể, năm nay, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương thực hiện rất sớm, kể cả việc nhận dạng sớm, dự báo sớm để đưa ra các nhóm giải pháp đồng bộ về giải pháp công trình và các nhóm giải pháp về tổ chức lại sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

“Đến giờ phút này có thể đánh giá, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Qua đây, chúng tôi có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Thứ nhất, chúng ta đã nhận dạng, dự báo rất sớm, ngay từ tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai hội nghị đến lãnh đạo 13 tỉnh vùng ĐBSCL để bàn những nhóm giải pháp để chủ động ứng phó ngay từ thời điểm cuối năm 2019. Vì vậy khi xảy ra, chúng ta đã rất chủ động ứng phó, thích ứng trong năm 2020. Thứ hai, chúng ta đồng bộ các nhóm giải pháp, nhất là các giải pháp công trình để khống chế ngọt, mặn liên vùng đưa vào sử dụng trong năm nay. Thứ ba, chúng ta đã áp dụng các giải pháp sinh học như đẩy sớm thời vụ lúa Đông Xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng hạn khốc liệt. Nhưng quan trọng nhất chúng tôi cho rằng đó là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhân dân đã có ý thức, rút kinh nghiệm từ hạn mặn năm 2015-2016, tuân thủ các khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, tới đây, tác động, thách thức từ biến đổi khí hậu, yếu tố tác động từ thượng nguồn và một số yếu tố khác sẽ tiếp tục tác động tổn thương đến sản xuất, đời sống dân sinh.

“Thậm chí Bộ NN&PTNT cũng xác định kịch bản nhiều yếu tố cực đoan hơn chứ không phải mốc lịch sử hạn mặn năm 2019-2020 đã là mốc lịch sử cuối cùng. Do đó, chúng ta phải ý thức được, chủ động thích ứng, coi đây là điều hiển nhiên, bắt buộc chúng ta phải thích ứng và không còn con đường nào khác. Từ đó, chúng ta phải đồng lòng, tất cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, người dân cùng vào cuộc, từng địa phương, ngành huyện và vùng phải có từng giải pháp thiết thực, cụ thể trong phòng chống hạn mặn. Có như vậy mới biến những thách thức từ hạn mặn thành cơ hội mới. Đó là tìm ra những đối tượng sản xuất, phương thức sản xuất phù hợp nhất để không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực mà chúng ta còn khai thác được những lợi thế, nâng được giá trị do thay đổi được trục sản xuất, cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng như phát triển nhóm cây ăn quả, thủy sản, gắn với đầu tư các thiết chế hạ tầng phục vụ, công tác chế biến và tổ chức thị trường để bảo đảm hiệu quả vền vững. Đây mới là mục tiêu cuối cùng chúng tôi muốn hướng đến trong phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết