Cải thiện điểm số các chỉ số thành phần
Năm 2023, PGI của tỉnh Long An đạt 23,07 điểm, xếp hạng 12 trong bảng xếp hạng PGI của cả nước (tăng 16 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2022) và đứng vị trí thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Số điểm cụ thể 4 chỉ số thành phần của PGI tỉnh đều tăng: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đạt 7,15 điểm, xếp hạng 22/30 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 1; bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 6,02 điểm, xếp hạng 29/30 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 2; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường (BVMT) đạt 4,06 điểm, xếp hạng 26/30 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 3 và chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp BVMT đạt 5,84 điểm, xếp hạng 3/30 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất trong chỉ số thành phần 4.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, triển khai hiệu quả công tác phân loại chất thải tại nguồn để góp phần nâng cao PGI
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn, kết quả này là sự quan tâm, kịp thời lồng ghép, đưa vào danh mục nhiệm vụ hàng năm của ngành, địa phương để làm cơ sở triển khai, thực hiện kế hoạch của tỉnh về PGI. Các đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ trong tiếp nhận đầu tư, triển khai, thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu, rộng, hướng đến mọi đối tượng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tỉnh nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ BVMT,...
"Đặc biệt, giai đoạn 2024-2025, tỉnh ưu tiên tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sáng tạo, sát thực tiễn để cải thiện điểm số và thứ hạng của 4 chỉ số thành phần thuộc PGI" - ông Nguyễn Tân Thuấn nhấn mạnh.
"Cùng với tỉnh nâng cao PGI, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc công tác BVMT tại khu như đầu tư hạ tầng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, lắp đặt trạm quan trắc tự động, tạo mảng xanh, thu gom chất thải,... khu còn phối hợp tuyên truyền những chủ trương, định hướng trong công tác BVMT, hướng đến sản xuất xanh, thân thiện và ưu tiên thu hút đầu tư vào khu những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường".
Ông Dương Văn Nam - đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Thuận Đạo (huyện Bến Lức)
"Chúng tôi vinh dự được chọn tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đây là cơ hội lớn, mở ra hướng phát triển mới cho hợp tác xã cũng như các thành viên. Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác, quyết tâm hoàn thành thật tốt Đề án, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tạo thu nhập ổn định, tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm lúa gạo của tỉnh và hướng đến sản xuất phát triển bền vững".
Ông Võ Vũ Linh - thành viên Hợp tác xã Gò Gòn (huyện Tân Hưng)
|
Nỗ lực đưa PGI vào tốp 10 cả nước
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tiến tới thăng hạng trong bảng xếp hạng PGI của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, UBND tỉnh triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao PGI giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn.
Mục tiêu là nâng cao nhận thức và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; triển khai xây dựng, hoạch định các chính sách góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, tăng cường thu hút các nhà đầu tư có ý thức BVMT và các dự án xanh, chất lượng cho tỉnh.
Tỉnh ưu tiên tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng của 4 chỉ số thành phần và phấn đấu trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh đứng trong tốp 10 trên bảng xếp hạng PGI cả nước.
Ông Nguyễn Tân Thuấn cho biết: Để PGI của tỉnh tiếp tục được cải thiện, Sở TN&MT tham mưu công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, triển khai hiệu quả công tác phân loại chất thải tại nguồn; giám sát chặt chẽ hoạt động xả nước thải của các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp có lưu lượng xả khí thải, nước thải lớn ra môi trường; doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để kịp thời phát hiện, có giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm và xử lý phù hợp.
Sở đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng đất đai, các giải pháp ngăn chặn tiến trình thoái hóa đất, cải tạo, phục hồi và khai thác, sử dụng đất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường khai thác, sử dụng nước mặt thay cho khai thác;...
Cùng với tỉnh nâng cao PGI, ngành Nông nghiệp tập trung nguồn lực tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tăng cường công tác truyền thông, tổ chức hội thảo, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách trên lĩnh vực TN&MT; triển khai hiệu quả các kế hoạch phối hợp liên tịch về BVMT với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp các ngành, địa phương và tổ chức có liên quan điều tra, xác định tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh làm cơ sở tham gia thị trường tín chỉ carbon; theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của tỉnh về cải thiện, nâng cao PGI, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kịp thời đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Để góp phần nâng cao PGI, ngành Nông nghiệp phối hợp tăng cường kiểm tra, gia cố đê điều, phòng, chống thiên tai, sạt lở; thực hiện nạo vét khai thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch bồi lắng; tăng cường công tác trồng rừng, cây xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững; chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu để kịp thời triển khai các giải pháp giảm nhẹ, khắc phục hậu quả khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung nguồn lực tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường./.
Châu Sơn