Bài đọc “Kho báu” với câu văn sai “khi đã lặn mặt trời”.
Chị Lê Thị Hồng, giáo viên dạy ngữ văn tại Hà Nội: Sách tham khảo viết sai cả tên một vị tướng nổi tiếng
Theo đánh giá của giáo viên chúng tôi, thì sách giáo khoa do là một văn bản mang tính chính thống, nên cũng ít sai sót hơn; nhưng sách tham khảo thì sai sót quá nhiều. Như trong cuốn sách tham khảo “Bồi dưỡng ngữ văn lớp 8” tôi mới xem gần đây, tên một vị tướng khá nổi tiếng của Việt Nam, hầu như ai cũng biết, đã bị viết sai. Chưa kể sách tham khảo ngay trong lĩnh vực ngữ văn cũng có rất nhiều nguồn, chưa được quy chuẩn, dẫn đến đôi khi các em rất khó khi phân định đâu mới là kiến thức ngữ pháp đúng, đâu là kiến thức sai. Theo tôi, nên có một quy chuẩn ngay với cả sách tham khảo, để đảm bảo kiến thức thống nhất, giúp cho việc dạy và học ngữ pháp được chuẩn xác hơn, đảm bảo được sự trong sáng cho tiếng Việt. Chứ như tình trạng hiện nay, các em học sinh tôi dạy, có rất nhiều em viết sai, nói sai; xuất phát cũng từ việc nắm ngữ pháp không chuẩn.
Cũng có một thực tế nữa là hiện nay các em thích học viết văn, mà không thích học ngữ pháp, nắm ngữ pháp hầu hết không chắc, nên dẫn tới viết sai, nói sai nhiều.
Chị Nguyễn Thị Hà, phụ huynh học sinh lớp 1 (Hà Nội): Phải quy chuẩn ngay từ đầu
Thời gian qua, các phụ huynh có phản ánh nhiều về tình trạng không viết hoa, không chấm câu trong sách tiếng Việt lớp 1, tập 1. Sau đó, nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngành giáo dục đã lên tiếng giải thích là vì các con lúc đó chưa học chữ hoa, chưa học dấu câu nên chưa sử dụng chữ viết hoa, dấu câu trong các bài tập đọc này. Cũng có những phụ huynh cho rằng thế là đúng. Tuy nhiên, tôi và rất nhiều phụ huynh trong lớp con tôi phản đối việc này.
Đã là quy chuẩn thì phải đúng ngay từ đầu, không thể nói trẻ chưa biết nên chưa làm. Quy định của ngữ pháp tiếng Việt là đầu câu viết hoa, cuối câu có dấu chấm, tên người viết hoa… vậy thì chúng ta phải làm đúng ngay từ đầu. Chứ sau này, khi đến những bài sau, học chữ hoa, dấu câu; rồi có ai quay lại bảo các con là những bài đầu là sai không? Mà nếu như thế, các con sẽ còn loạn hơn nữa, không biết đường nào mà lần. Đừng nghĩ trẻ con chưa biết thì muốn dạy thế nào cũng được. Nên cho các con quy chuẩn ngay. Nhất là trẻ con hiện nay, các con chưa đi học, nhưng đã biết sử dụng máy tinh, ipad, biết vào mạng xem thông tin, thì các con đã có khả năng phân biệt chữ hoa hay không hoa rồi. Cần sớm thay đổi tư duy làm sách, để đảm bảo cho các con có một nhận dạng chuẩn với ngữ pháp tiếng Việt.
Còn một điều nữa tôi cũng muốn phản ánh, hình minh họa trong sách cũng cần chính xác. Trong sách tiếng Việt lớp 1 có hình minh họa cây ổi mà quả lại giống y như quả thị, quả cam. Chỉ sợ mai sau trẻ nó nhìn cây cam gọi là cây ổi, thì lại đổ cho bố mẹ có thế mà cũng không chỉ được cho con.
Anh Trần Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Sao có thể đưa văn phong nước ngoài vào sách tiếng Việt lớp 2
Vợ chồng tôi thật sự sốc khi xem sách giáo khoa Tiếng Việt của con trai đang học lớp 2. Bài tập đọc của tuần thứ 28 là câu truyện “Kho báu”, trong có câu văn: “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời”. Rõ ràng, cụm từ “ khi đã lặn mặt trời” không phải là văn phong, ngữ pháp của Việt Nam, nếu đúng theo ngữ pháp Việt Nam thì phải là “khi mặt trời đã lặn”. Đây hoàn toàn là văn phong nước ngoài. Như vậy có phù hợp không với sách giáo khoa dành cho trẻ lớp 2, khi các con đang bắt đầu học về ngữ pháp Việt Nam.
Điều khiến tôi bức xúc hơn, đây chính là bài học về tìm trạng ngữ, vậy thì sẽ vô hình chung khiến các con hiểu sai về ngữ pháp Việt Nam, dẫn tới sẽ viết sai. Đã là sách giáo khoa, lại là sách tiếng Việt, sách dạy về ngữ pháp cho các con, thì hơn bất cứ ấn phẩm nào, cần phải chuẩn mực, chính xác. Nếu không, sẽ dẫn tới cả một thế hệ hiểu sai, viết sai ngữ pháp. Cứ bảo làm sao tiếng Việt đang dần mất đi sự trong sáng mà cha ông ta đã dầy công xây dựng./.
P.V/Tin tức