Viết hoa hay không hoa?
Thông tin mới đây được một ca sĩ nổi tiếng đưa lên trang facebook cá nhân về những điều mà chị cho là sai sót trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, lại một lần nữa khiến dư luận quan tâm. “Ôi giữa trưa nóng mà cơn giận của em nó bốc ngược lên đỉnh đầu, khi sờ đến bộ sách giáo khoa lớp 1 của con em. Chuẩn bị cho con vào lớp Một, em mua bộ sách giáo khoa tham khảo trước, để có thể sẵn sàng học cùng con ít nhất một thời gian bỡ ngỡ Đại học chữ to. Lướt qua quyển đầu tiên “Tiếng Việt” tập 1, em tá hỏa: 2 ảnh đầu: chị "kha", bé "nga", bé "hà", bé "lê"... Toàn bộ tên riêng của người viết thường, trong khi lẽ ra đều phải viết hoa. 2 ảnh tiếp: "Chào Mào" và "Bói Cá" là tên 2 con vật thì lại được long trọng viết hoa cả 2 âm tiết. Ơ thế nhưng mà ảnh tiếp theo thì sao? "Cừu" được viết hoa, "hươu nai" viết thường (hay là tác giả thích con cừu ghét con nai?)”.
Quá nhiều lỗi sai được phát hiện trong sách giáo khoa.
Ngay sau khi thông tin được đưa ra, đã có tới hàng vài trăm “tin nhắn” qua lại để thể hiện sự bức xúc với những “hạt sạn” này. Nhưng cũng có những bậc phụ huynh “tỉnh táo” và “sáng suốt” hơn nhờ có kinh nghiệm khi cho con học lớp 1 (và cũng đã đưa ra những thắc mắc tương tự với giáo viên, các cán bộ ngành giáo dục), thì cho biết: Việc không viết hoa, không có dấu chấm câu… là bởi các con khi vào lớp 1 chưa học ngữ pháp, chưa biết gì về chữ hoa, chữ thường, nên nếu viết hoa sẽ khiến các con hoang mang, không phân biệt được. Còn những bài sau đó, khi con đã học chữ hoa, chữ thường, học dấu câu, thì mới bắt đầu có chữ viết hoa, mới có dấu cuối câu.
“Mua phải hàng hóa chất lượng thấp đã có Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, vậy em mua sách giáo khoa viết sai bét thì ai bảo vệ quyền lợi cho con em và hàng triệu đứa trẻ Việt Nam đây?”- một phụ huynh chia sẻ. |
Qua lời giải thích này, cũng đã rất nhiều bà mẹ, ông bố “vỡ vạc” ra vì hành trình “chập chững” của con mình khi vào lớp 1. Tuy nhiên, cũng rất nhiều bậc phụ huynh tiếp tục có những băn khoăn, rằng nếu như vậy, tại sao không có những giải thích mang tính chính thức cho các bậc phụ huynh về cách thức làm sách giáo khoa, thay vì mỗi một lần các phụ huynh lên tiếng thì ngành giáo dục mới… diễn giải; hoặc là các phụ huynh hướng dẫn lẫn nhau theo con đường “truyền miệng”.
“Hơn nữa, tôi cũng rất băn khoăn về việc liệu có nên quy củ hóa ngay từ đầu không, chứ với cách viết lúc hoa, lúc không hoa thế này, với các con chưa nắm vững ngữ pháp, chắc chắn sẽ dễ dẫn tới sai sót do nhớ từ bài học này sang bài học kia, chưa kể việc sau này khi lên các lớp trên, cũng có những con tiếp tục mắc lỗi về viết hoa, viết không hoa, chấm câu…”, một phụ huynh học sinh trường Giảng Võ chia sẻ.
“Hiện tại trong xã hội, tình trạng viết hoa “không theo quy luật nào” diễn ra rất phổ biến. Có những bản tin mà người viết sẵn sàng viết hoa tất cả các chữ trong một câu, không thể kết luận là do sách giáo khoa lớp 1, thế thì quá khiên cưỡng, tuy nhiên cũng không thể nói là không có khả năng, do việc không phân biệt nổi đâu là chữ cần viết hoa, đâu là chữ không viết hoa. Cần có quy củ hơn trong việc này”, chị Lê Thị Hường, một phụ huynh học sinh của Hải Phòng, cho biết.
Bàng hoàng với khả năng… sai
Những vấn đề “hoa” hay “không hoa” như đề cập ở trên thì tạm coi là vấn đề còn tranh cãi, tuy nhiên, cũng trong sách giáo khoa, đặc biệt là hệ thống sách tham khảo, có những sai sót mà các bậc phụ huynh đưa ra khiến người đọc không khỏi cảm thấy “sao lại có thể sai được nhỉ?”.
Cuốn “Chuẩn bị cho bé vào lớp một - Làm quen với chữ cái” của Nhà xuất bản Mỹ thuật đã từng được các bậc phụ huynh nhặt lỗi với quá nhiều lỗi sai nghiêm trọng như viết "con ngựa" thành "quả ngựa", "thùng rác" thành "thùng giác".
Còn trong sách Tiếng Việt lớp 2, tập 2, bài thơ “Lượm” nổi tiếng của Tố Hữu đã được thản nhiên thay dấu hỏi bằng dấu ngã trong từ “trổ” của câu thơ “Lúa trổ đòng đòng” (sách in là “Lúa trỗ đòng đòng”). Đặc biệt, là câu thơ này thuộc phần minh họa cho bài học về dấu hỏi, ngã!
“Không chỉ gặp những lỗi chính tả, mà sách còn vấp lỗi sai nội dung. Hai cuốn sách “Hướng dẫn học Tiếng Việt” và “Tiếng Việt lớp 5” có đoạn văn “bất thường” về sự tích Thánh Gióng “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...”.
Theo các chuyên gia, mọi sai sót trong sách giáo khoa, có một phần do trong quy định của Luật Xuất bản hiện hành không có quy định riêng về sách giáo khoa, mà chỉ có quy định chung cho các xuất bản phẩm. Trong khi sách giáo khoa lẽ ra phải có những quy định về thực hiện vô cùng nghiêm ngặt trong nội dung, phải có hội đồng biên soạn, kiểm soát từng khâu, thật chi tiết, bởi dù cũng là một xuất bản phẩm, nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp tới cả một thế hệ tương lai. “Việc bất cập, lỏng lẻo trong khâu quản lý về bản thảo, cấp phép xuất bản được cho là nguyên nhân chính của những sai phạm trên. Tình trạng lỗi sai trong công tác biên tập của các nhà xuất bản diễn ra ngày càng tràn lan. Dù lỗi ở khâu nào đi nữa, vấn đề là những cuốn sách đó đã được phát hành rộng rãi trên thị trường, tới tay hàng ngàn học sinh - những trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, hình thành và hoàn thiện nhân cách. Chịu hậu quả về những “hạt sạn” đó không ai khác chính là các em”, một chuyên gia chia sẻ./.
DH/Tin tức