Ông Trần Huyện, ngụ ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An:
Tôi là người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam, 1 lần chết hụt và 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Cả cuộc đời hoạt động kháng chiến và trở về với quê hương sau ngày hòa bình lập lại được tôi lược kể trong cuốn Hồi ký ‘‘Những năm tháng, một cuộc đời’’. Tôi rất tự hào vì được sinh ra và lớn lên vào thập niên 20 của thế kỷ XIX. Trong bối cảnh lịch sử đất nước Việt Nam bị 2 tầng áp bức của chế độ đế quốc thực dân, phong kiến,... trong đó, quê hương xã Phước Lâm - nơi tôi sinh ra, vốn giàu truyền thống cách mạng, có Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời vào những tháng đầu của năm 1930,... Tôi đã chọn cho mình một con đường, đó là con đường đi theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng,...
Cách mạng Tháng Tám thành công để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, trong đó, phải kể đến bài học dựa vào sức dân và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi mong những cán bộ lãnh đạo, những người trẻ tuổi viết tiếp trang sử vẻ vang, dựa vào sức dân để chung tay xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Ông Nguyễn Hữu Tường, ngụ ấp Bảy Ngàn, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh:
Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra khi tôi khoảng 5 tuổi nhưng tôi vẫn nhớ về sự kiện này qua người thân trong gia đình kể lại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thành quả của khát vọng lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày nay, chúng ta được sống trong hòa bình, mọi người cần quý trọng nền hòa bình, độc lập này.
Bí thư Thành đoàn Tân An - Lê Văn Nhâm:
Như thành thông lệ, hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9, Đoàn cơ sở trực thuộc Thành đoàn đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động chào mừng. Trong đó, nổi bật là giao lưu bóng đá, hội thi hái hoa dân chủ, văn nghệ, tặng quà người dân khó khăn, các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng,... Các hoạt động ấy ngoài mục đích lập thành tích thi đua còn hướng đến giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc trong lực lượng đoàn viên, thanh, thiếu nhi thành phố.
Bảo Dứt, ngỵ ấp Tân Quang 2, XÃ Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc:
Ngày 2-9 trở thành mốc lịch sử trọng đại của đất nước, thành quả đó được đánh đổi bằng biết bao máu xương của ông cha ta. Để xứng đáng với công ơn của các bậc tiền nhân, là thế hệ trẻ, tôi luôn cố gắng học tập, trau dồi, nâng cao tri thức, nhân phẩm, chung sức xây dựng và bảo vệ quê hương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Qua đó, góp phần xây dựng quê hương Cần Giuộc nói riêng và Long An nói chung ngày càng giàu đẹp và phát triển trong tương lai.
Phan Thị Ngọc Ánh, ngụ ấp 2, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành:
Dù 73 năm trôi qua nhưng thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình còn sống mãi trong tâm trí của mỗi người Việt Nam. Tự hào với truyền thống của đất nước và của quê hương Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, tôi nguyện ra sức học tập thật giỏi, trở thành công dân có ích cho xã hội, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.
Ông Tống Minh Nghĩa, ngụ ấp Huỳnh Hớn, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh:
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Nhơn Hòa Lập là một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề do chiến tranh nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, bộ mặt nông thôn của xã không ngừng đổi mới. Hiện nay, đường sá trải dài về tận các xóm, ấp, người dân có thể đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Từ lúa 1 vụ năng suất thấp, nay người dân có thể sản xuất lúa 2 vụ ăn chắc với năng suất 8-9 tấn/ha vụ Đông Xuân và 6-7 tấn/ha vụ Hè Thu. Thu nhập nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, nhà cửa khang trang mọc lên ngày càng nhiều, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tự hào với những thành quả đó, đồng thời tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương, bản thân tôi cùng gia đình luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động, giáo dục con cháu cố gắng chăm chỉ học hành, đóng góp xứng đáng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bí thư Đảng ủy xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng - Đoàn Văn Bí:
Những công trình điện, đường, trường, trạm, nhà cửa khang trang mang đến cho làng quê diện mạo mới, sức sống mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt,... Có được những kết quả này là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên và sự nỗ lực, phấn đấu, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ và nhân dân. Mọi công việc của địa phương đều được thực hiện công khai, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.
Ông Trần Văn Bon, ngụ xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh:
Trước đây, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh còn hoang hóa, chỉ canh tác 1 vụ lúa/năm với năng suất thấp. Đất rộng, người thưa, trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Không ngờ rằng, vùng sình lầy, bưng trấp ngày nào giờ trở thành những khu đô thị sầm uất; đời sống người dân không ngừng được cải thiện; chợ đông người mua, người bán; có khu dân cư tập trung; điện, đường, trường, trạm được đầu tư,... Đặc biệt, năng suất lúa có nơi đạt 7-8 tấn/ha/vụ; bình quân vụ Đông Xuân đạt 6-7 tấn/ha, vụ Hè Thu đạt 5-6 tấn/ha.
Ông Nguyễn Chí Trãi, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng:
Phát huy vai trò đảng viên, tôi luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tích cực tham gia đóng góp công sức cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Tôi mong đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy vai trò, tiên phong, gương mẫu trong công tác, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, góp phần đưa quê hương ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày thêm nâng cao.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên Đồn biên phòng Sông Trăng:
Chúng tôi luôn ghi nhớ và trân quý sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước. Phát huy truyền thống ấy, chúng tôi xác định bản lĩnh chính trị vững vàng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc, coi việc xây dựng “thế trận lòng dân” là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bí thư Đoàn khối Các cơ quan tỉnh - Nguyễn Công Tiếp:
Thế hệ cha ông ta trải qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh để có được hòa bình như ngày nay. Vì vậy, thế hệ trẻ phải giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu đó. Là thủ lĩnh Đoàn, tôi chú trọng tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên về những giá trị, bài học, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng như truyền thống đấu tranh của dân tộc. Qua đó, giúp thế hệ trẻ xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc - Trần Thị Hồng Thủy:
Là thế hệ thanh niên Việt Nam sinh ra, lớn lên trong hòa bình, tôi luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tôi nghĩ rằng, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt trên vai thế hệ trẻ. Vì vậy, tuổi trẻ phải xung kích đi đầu, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Thành Trung:
Tôi luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của các thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, tôi nguyện tiếp bước cha ông, cùng tuổi trẻ cả nước lao động, sáng tạo và cống hiến, góp sức xây dựng nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
V. Đát - P. Nhã - T. Nga - K.Nam (ghi)