Có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo
Thông tin từ UBND tỉnh, qua đánh giá trữ lượng, khả năng cung cấp năng lượng, tỉnh được đánh giá là địa bàn có tiềm năng kỹ thuật lớn để phát triển NLTT, đặc biệt là điện mặt trời với số giờ nắng trung bình từ 2.350-2.900 giờ, cường độ bức xạ mặt trời từ 4,9-5,1kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện mặt trời. Đối với điện mặt trời áp mái, mặc dù dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tính toán tỉnh Long An chỉ có tiềm năng kỹ thuật khoảng 1.178MW, song mức tính này thấp hơn nhiều so với tiềm năng của tỉnh. Trong đó, diện tích các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch sau khi rà soát khoảng 15.000ha. Do đó, tiềm năng kỹ thuật về điện mặt trời áp mái của tỉnh dự kiến khoảng 10.000MW. Hiện tại, Công ty (Cty) Điện lực Long An ký hợp đồng mua bán điện với 2.582 khách hàng đấu nối lưới điện trung, hạ áp với tổng công suất 510,799MWp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Nguyễn Thanh Hải (bên phải) trao đổi với Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng BCG - Băng Dương - Phạm Đăng Khoa tại dự án nhà máy điện mặt trời
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh, hiện tỉnh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh 9 dự án (DA) điện mặt trời với tổng công suất 489,1MWp. Trong đó, 2 DA được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất 149,5MWp và 7 DA được Bộ Công Thương chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh với tổng công suất 339,6MWp. Đến nay, có 8 DA nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện thương mại và 1 DA đang trong quá trình triển khai, thực hiện. Ngoài ra, tỉnh còn 10 DA với tổng công suất 1.180,4MWp đã được Bộ Công Thương thẩm định nhưng chưa phê duyệt quy hoạch.
Hiện nay, huyện Đức Huệ là địa bàn tập trung nhiều NMĐMT nhất với 7 nhà máy. Tổng Giám đốc Cty TNHH Hoàn Cầu Long An - Nguyễn Ngọc Nhật cho biết, trước đây, xã Bình Hòa Nam thường xuyên ngập nước, khó phát triển sản xuất ngoài việc trồng tràm. Tuy nhiên, từ việc đầu tư 4 DA NMĐMT Solar Park 01, 02, 03, 04, từng bước mang lại diện mạo mới cho vùng đất này, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Nguồn thu từ 4 nhà máy đóng góp vào ngân sách địa phương trung bình trên 40 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 200 người, phần lớn là lao động địa phương. Ngoài ra, việc chuyển đổi từ DA trồng cây lâm nghiệp trên vùng đất nhiễm phèn nặng, hiệu quả kinh tế kém sang đầu tư DA NMĐMT còn góp phần tận dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát trung tâm điều hành tập trung của 4 dự án nhà máy điện mặt trời Solar Park, huyện Đức Huệ
Giám đốc Cty Điện lực Long An - Lê Hoàng Oanh cho rằng, việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh góp phần rất lớn bảo đảm cung cấp điện, nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp và hạn chế thấp nhất việc thiếu điện trên địa bàn tỉnh, nhất là trong cao điểm mùa khô hàng năm.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển năng lượng tái tạo
Mặc dù phát triển nguồn NLTT có nhiều lợi thế thế, song hiện nay, cơ chế, chính sách dành cho phát triển NLTT, nhất là điện mặt trời còn không ít khó khăn, bất cập. Theo ông Nguyễn Ngọc Nhật, điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất điện không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác.
“Hiện nay, tại nhiều khu vực của tỉnh vẫn còn các vùng đất bị nhiễm phèn nặng hoặc thường xuyên bị ngập nước với diện tích lớn, nhiều vùng kinh tế của tỉnh còn khó khăn, khả năng kết nối hạ tầng giao thông, tiện ích chưa đầy đủ. Do đó, việc kêu gọi đầu tư vào các DA NMĐMT vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh phát triển NLTT của tỉnh, vừa đóng góp cho ngân sách địa phương. Đồng thời, phát triển NLTT trong giai đoạn này còn có thể tận dụng được nguồn phụ tải lớn từ TP.HCM và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trong tương lai. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư là theo quy định hiện hành, để đầu tư DA phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý, nhất là thủ tục đất đai. Việc đưa DA vào hoạt động phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành Điện, quy hoạch sử dụng đất; trong khi đó, các quy hoạch này phải đồng bộ thì DA mới đủ điều kiện cấp phép đầu tư, dẫn đến những khó khăn đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời” - ông Nguyễn Ngọc Nhật thông tin.
Tổng sản lượng điện của 8 nhà máy điện mặt trời đang vận hành trong năm 2022 đạt trên 602 triệu kWh
Một số chủ đầu tư các DA NMĐMT cũng cho rằng, hiện nay, lãi suất ngân hàng tăng đột biến khiến nhiều chủ đầu tư phải chịu áp lực tài chính trong khi các cơ quan chức năng chưa đổi mới chính sách hay có thêm các gói hỗ trợ tài chính dành cho phát triển NLTT cũng như các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể về quản lý, xử lý đối với pin năng lượng mặt trời đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII có định hướng phát triển điện mặt trời áp mái nhưng do chưa được phê duyệt dẫn đến các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư điện mặt trời áp mái. Từ việc chậm phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm ảnh hưởng đến cơ hội cũng như việc thực hiện trình tự, thủ tục trong công tác đầu tư. Ngoài ra, việc phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái cũng tồn tại những bất cập do còn nhiều trường hợp hệ thống năng lượng mặt trời áp mái khách hàng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về an toàn xây dựng và phòng cháy, chữa cháy. Thống kê của ngành Điện lực, toàn tỉnh hiện còn 66 hệ thống chưa hoàn tất thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức 30 trường hợp, Đức Hòa 28 trường hợp.
Trước khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển NLTT, đặc biệt là năng lượng mặt trời, trong tháng 3/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh. Ngoài trực tiếp khảo sát một số DA NMĐMT tại các địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng làm việc với một số ngành liên quan. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Nguyễn Thanh Hải, từ thực tế của cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thủ tục đối với các DA điện mặt trời, nhất là điện mặt trời áp mái như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ tài chính nhằm phát huy hiệu quả bền vững nguồn NLTT phục vụ tốt cho phát triển KT-XH./.
Phấn đấu đến năm 2025 xóa thêm 9.290 điện kế tổ
Theo thống kê của Cty Điện lực Long An, năm 2016, toàn tỉnh có 44.917 điện kế tổ với 96.148 hộ dùng chung. Giai đoạn 2016-2022, Cty huy động nhiều nguồn lực đầu tư lưới điện với mục tiêu xóa hộ câu phụ, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện. Giai đoạn 2016-2020, ngành Điện lực đã đầu tư trên 542 tỉ đồng, xóa được 20.981 điện kế tổ, tách được 52.908 hộ câu phụ. Riêng 2 năm 2021 và 2022, ngành tiếp tục đầu tư trên 138 tỉ đồng, xóa thêm được 2.681 điện kế tổ, tách được 6.009 hộ câu phụ. Hiện toàn tỉnh còn 21.255 điện kế tổ với 37.231 hộ dùng chung, trong đó, có 1.020 điện kế tổ có từ 6 hộ dùng chung trở lên.
Theo Giám đốc Cty Điện lực Long An - Lê Hoàng Oanh, để tiếp tục xóa hộ câu phụ, Cty triển khai đề án đầu tư lưới điện xóa hộ câu phụ giai đoạn 2022-2025. Trong đó, năm 2023, Cty đầu tư khoảng 220 tỉ đồng, dự kiến xóa được 2.715 điện kế tổ, tách 4.758 hộ dùng chung; năm 2024, đầu tư khoảng 180 tỉ đồng, dự kiến xóa được 1.850 điện kế tổ, tách 3.472 hộ dùng chung và năm 2025, đầu tư khoảng 141 tỉ đồng, dự kiến xóa được 1.253 điện kế tổ, tách 2.235 hộ dùng chung.
|
Kiên Định