Mặc dù phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai rộng khắp, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt chuẩn cao, các xã, phường văn hóa được công nhận ngày càng nhiều nhưng có một thực tế buồn là tình trạng bạo lực gia đình luôn âm ỉ trong nhiều gia đình, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bạo lực gia đình (BLGĐ) để lại những hậu quả, di chứng rất lớn về mặt tâm lý, sức khỏe con người và đời sống xã hội, chẳng những của một cá nhân mà còn cả một gia đình, dòng họ. BLGĐ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các quyền và sự phát triển toàn diện của trẻ em, phụ nữ, ảnh hưởng đến việc xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa,...
Tuy nhiên, do nhiều lý do, nạn bạo hành này vẫn tồn tại, nhiều nạn nhân vẫn phải “chung sống” với nó. Có nơi, xem chuyện bạo hành là việc “đèn nhà ai nấy rạng” - chưa được cộng đồng, đoàn thể quan tâm. Ngay cả những nạn nhân bị bạo hành vẫn cam chịu số phận, thậm chí còn che giấu người ngoài.
Tháng Hành động Quốc gia về phòng, chống BLGĐ năm 2016 với chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống BLGĐ” là hồi chuông báo động về một thực trạng buồn, đồng thời, tiếp tục thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong công tác gia đình, quyết tâm loại bỏ BLGĐ ra khỏi đời sống xã hội để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc - những tế bào lành mạnh của xã hội.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài vai trò của cộng đồng, xã hội, mỗi gia đình phải là hạt nhân thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống BLGĐ. Phải giải quyết nạn bạo hành ngay tại gia đình bằng việc mạnh dạn tố giác các hành vi bạo lực và xử lý nghiêm minh; bằng việc xây dựng một môi trường thân thiện, đầy ắp yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; bằng sự nêu gương: Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo.
Về phía xã hội, phải xem việc xây dựng gia đình văn hóa; phòng, chống BLGĐ là trách nhiệm chung và tích cực tham gia tuyên truyền, vận động; xây dựng nhiều mô hình, hoạt động, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề gia đình, xã hội ở địa bàn dân cư; có biện pháp can thiệp kịp thời khi xảy ra nạn bạo hành.
Quan trọng nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân. Thông qua các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao mà tăng tính đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, gia đình,...
Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi sưởi ấm tình cảm gia đình, bồi dưỡng, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước. Cuộc sống dù sôi động, hối hả, vất vả mưu sinh,... nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Hãy biết sống yêu thương và chia sẻ nhằm xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đó chính là liều thuốc tốt nhất để phòng, chống BLGĐ và tệ nạn xã hội. Hãy luôn nhớ: Phía sau mình là mái ấm gia đình!
Kim Quy