Tiếng Việt | English

25/05/2025 - 10:00

Phiêu lãng cùng Apsara

Chúng tôi đến Thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vào một chiều mưa bay lất phất. Đường lên quanh co, rợp mát, nằm lọt thỏm giữa hai bên đồi núi nhấp nhô và cây cỏ xanh tốt đang mùa đơm hoa rực rỡ. Càng đến gần, quần thể tháp cổ mưa bay càng nhẹ hạt, chỉ còn lất phất như những hạt bụi. Bầu trời như thấp xuống, mây bay ngang đầu, hoa nở dưới chân,... Tất cả khiến cho du khách có thể tin rằng: Đây mới chính là nơi giao hòa giữa trời - đất - cỏ cây và lòng người...

26_244_my-son-2.jpg

Thánh địa Mỹ Sơn - một kiệt tác huyền bí giữa lòng Quảng Nam (Ảnh: Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn)

Tình yêu và ân ái

Quần thể tháp cổ Mỹ Sơn của Vương quốc Chămpa này được vua Bhadravarman cho khởi công xây dựng từ thế kỷ IV và kết thúc vào thế kỷ XIII. Trong suốt thời gian đó, các thế hệ vua Chămpa kế tiếp nhau liên tục xây dựng thêm và mở rộng khu thánh địa với gần 80 đền tháp theo kiến trúc, văn hóa Ấn Độ giáo và tín ngưỡng thờ thần Shiva.

Những ai từng đến đây và thực sự đắm mình vào vẻ đẹp kiến trúc và văn hóa người Chăm sẽ đồng ý với tôi rằng phải thêm vào trước danh từ Mỹ Sơn hai tính từ: Tình yêu và ân ái để có tên gọi đầy đủ là: Thánh địa tình yêu và ân ái Mỹ Sơn mới xứng đáng với vẻ đẹp, sự lãng mạn và những dấu ấn của nền văn hóa Chămpa.

Tôi như kẻ bị đánh cắp linh hồn, cứ thẫn thờ nhìn ngắm nàng Apsara đang mê say múa vũ điệu ngàn năm. Nàng là hiện thân của tình yêu mê đắm, của khát vọng yêu đương mãnh liệt. Nàng có khả năng gọi bật dậy khí chất đàn ông trong mỗi con người bằng sức mạnh của nền văn hóa phồn thực hồn nhiên và bất diệt.

Linga - bộ sinh thực khí nam dựng đứng khắp nơi, mạnh mẽ và hoành tráng giữa thiên nhiên, cây cỏ,...  Yoni - bộ sinh thực khí nữ nằm chơi vơi trong tư thế chờ đợi, khát khao dưới bầu trời bời bời sương bay.

Trên các bệ thờ trong mỗi tháp gạch cổ kính luôn xuất hiện một cách nổi bật và đầy ấn tượng biểu tượng của sự kết hợp giữa Linga và Yoni. Điều này thể hiện sự hài hòa âm - dương, sự tương giao giữa nam và nữ tạo ra sức sống, khả năng sinh sôi kỳ diệu…

26_155_mua-apsara.jpg

Điệu múa Apsara đầy mê hoặc (Ảnh: Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn)

Những ngọn tháp được xây bằng gạch nung thủ công với kỹ thật lắp ghép tỉ mỉ và tinh xảo bằng một chất kết dính kỳ diệu mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải mã một cách chính xác nó là chất gì, được những thợ người Chăm xưa tạo ra từ đâu và tạo ra như thế nào.

Cả quần thể tháp trầm mặc, uy nghi, kiêu hãnh đã tồn tại 17 thế kỷ qua là niềm tự hào của người Chămpa nói riêng và người Việt nói chung. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện sự phát triển rực rỡ của văn hóa Chăm trong tiến trình phát triển chung của của nền văn hóa Việt Nam.

Cho đến lúc chết cũng không muốn xa rời

Đó là câu chuyện có thực mà ngỡ như một huyền thoại xa xưa của vị kiến trúc sư đầu tiên dành mọi tâm sức, trí tuệ, tình yêu để tôn tạo và phục dựng quần thể tháp Chăm - Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Ông tên là Kazic, người Ba Lan, đã gắn bó suốt 16 năm cuối đời tại nơi đây. Mỗi viên gạch, đường nét và cây cỏ nơi đây đã trở thành một phần cuộc sống của ông.

Điều kỳ diệu nhất mà chúng tôi được nghe kể về ông là trong suốt thời gian làm việc ở đây, ông đặc biệt gắn bó với một cô gái câm người Chăm.

Hàng ngày, cả hai cùng không nói nhưng rất hiểu và thân thiết với nhau. Sau này khi lớn lên, cô cùng học tiếng Kinh với Kazic và hai người bắt đầu trao đổi được với nhau bằng một ngôn ngữ chung...

Cùng thời gian đó, cô gái chăn bò tích cực giúp đỡ đoàn khảo sát gánh nước sinh hoạt và nhiều công việc khác. Không ai biết cô sinh ra ở đâu, lúc nào, cha mẹ là ai, cô buồn hay vui, cô mong muốn điều gì nhưng tất cả đều biết đó là một cô gái đen đúa, sống trong nghèo đói và câm lặng mà vô cùng đam mê và ngày đêm hồn nhiên múa điệu Apsara như truyền thuyết về nàng Apsara được Ngọc Hoàng cử xuống trần gian dạy mọi người múa điệu Apsara quyến rũ.

Thời gian dần trôi, cô bé câm ngày nào đã trở thành thiếu nữ say mê múa dưới ánh nắng mặt trời bên những đền tháp cổ kính. Đó là những giây phút diệu kỳ nhất mà Kazic có được ở đây. Vì muốn lưu giữ lại giây phút quý giá ấy, Kazic đã âm thầm vẽ bức tranh thiếu nữ múa điệu Apsara... Tuổi trăng tròn, đến như một phép màu, cô gái hồn nhiên ngày nào giờ trở nên e thẹn và hay làm duyên.

Một lần vô tình nhìn thấy chính mình trong bức tranh của Kazic cất giấu trong lòng tháp cổ với hình hài đen đúa, bộ áo quần tả tơi, ngực trần nhu nhú, nàng đã âm thầm bỏ đi... Từ đó Kazic không có đêm nào yên giấc, cứ nhắm mắt lại là ông lại nhìn thấy những vũ nữ Apsara ngọc ngà bước ra từ đá, ngực nhú cao, đôi mắt mơ màng, khuôn mặt và ánh mắt hoang dại, lặng lẽ múa... Khi Kazic chuẩn bị thức giấc, nàng lại từ từ biến thành đá, bất động.

Kazic đến khảo sát và làm việc nơi đây nhưng thật không may, vào một lần đi công tác ở Huế, ông đột ngột qua đời, bỏ dở khát khao phục chế quần thể tháp trở lại hiện trạng ban đầu (thời gian và nhất là bom đạn chiến tranh đã tàn phá Mỹ Sơn một cách nặng nề).

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Kazic còn cố dặn đi dặn lại các cộng sự của mình rằng: “Tôi không thể nào rời xa Mỹ Sơn được. Dẫu là cái chết cũng không thể mang tôi đi khỏi nơi ấy. Hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn! Tôi muốn nhìn thấy cô gái của tôi quay trở về!”.

Người dân sống quanh quần thể tháp Mỹ Sơn kể rằng: Sau khi Kazic chết, cô gái chăn bò câm ngày nào đã trở về và trở thành một vũ nữ vô cùng xinh đẹp với làn da bánh mật quyến rũ, ngày đêm say mê múa trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Chỉ tiếc rằng cả hai không còn cơ hội để gặp nhau như ngày trước. Nàng chỉ còn biết múa, múa, múa và hóa thân thành đá, thành phù điêu Apsara, họ vĩnh viễn ở lại với Thánh địa Mỹ Sơn.

Lãng đãng mây bay

Những phế tích còn lại trong thánh địa Mỹ Sơn (Trong ảnh: Tháp A1 trước và sau trùng tu) (Ảnh: Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn)

Đêm Mỹ Sơn dần buông, một màn sương giăng giăng mờ ảo. Càng về khuya, mây càng xuống thấp. Cả thung lũng như mông lung huyền ảo trong tiếng hát của ca sĩ người Chăm - Đàng Năng Đức: “Ngủ quên trong kiếp đá Apsara, bàn tay người nghệ sĩ hóa thân ngà. Trăm năm làm một thuở nỗi mơ nung nấu ngàn đời, nung nấu ngàn đời mãi không nguôi. Ngàn năm trong kiếp đá Apsara, bàn tay người vũ nữ nét thiên thần, trên môi cười điệu nghệ, hồn mở ra vóc dáng hình hài, phiêu lãng đường trần mãi trông chờ. Apsara, Apsara, Apsara, Apsara, sát na… Mai trở về cõi đá đường cong, xiêm áo vơi khơi khơi. Apsara, Apsara, Apsara, Apsara, sát na… cho nhân gian, đất trời nhớ thương...”.

Giữa lúc mọi người bắt đầu nôn nóng vì sự chờ đợi thì những nàng Apsara bằng xương, bằng thịt xuất hiện ngay trước mắt, trên sân khấu nằm gọn trong lòng quần thể tháp Chăm. Vũ điệu Linh hồn của đá khiến cho khán giả như ngây, như dại... Tất cả tan biến, hòa quyện vào nhau, đắm say, ngây ngất theo từng ánh mắt, từng bước chân uyển chuyển trong nhịp trống Paranưng của nàng Apsara. Tất cả như bị thôi miên vào một thế giới diệu huyền của nền văn hóa Chăm thời hưng thịnh cùng tiếng kèn Saranai vang vọng khắp các sườn đồi...

Tôi thật sự ngỡ ngàng khi tấm khăn màu cỏ úa che kín toàn bộ cơ thể của vũ nữ Apsara vừa được trút bỏ để lộ khuôn mặt kiều diễm, thân hình tuyệt mỹ, quyến rũ lạ thường!

Sự ngỡ ngàng kéo tôi trở về với tiềm thức xa xăm và mãi cho đến bây giờ, tôi mới thực sự cảm nhận hết ý nghĩa của lời bài hát Mưa bay tháp cổ của nhạc sĩ Trần Tiến: “Trăm năm bước phù du. Hoang sơ tháp cổ... Hoang sơ vũ điệu xưa. Cong cong năm ngón ngũ hành. Trăm năm bước mộng du. Nam mô nam mô nam mô nam mô Butda. Một vòng thôi miên thôi miên Apsara. Nhật nguyệt trên cao trên cao trên cao sáng tỏ. Em múa nghiêng ngả. Hoang sơ tháp cổ. Hoang sơ vũ điệu xưa. Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa. Nam mô nam mô a di đà. Hoang sơ tháp cổ. Cong cong năm ngón ngũ hành. Nhật nguyệt trên cao nhân gian dưới thấp cách xa. Nam mô nam mô a di đà. Nam mô nam mô nam mô nam mô Butda. Trăm năm em múa ngả nghiêng, ngả nghiêng, ngả nghiêng”.

Tôi tin rằng trong số các nàng Apsara đang múa trước mặt có cả cô bé lọ lem câm lặng của Kazic ngày nào. Hồn đá Apsara trên các đền tháp rêu phong như đang rung chuyển, đang cựa mình sống dậy và lay động lòng người hôm nay...

Vũ điệu Apsara thường do 3 hay 4 vũ nữ thể hiện ngay trong không gian sống động của quần thể Thánh địa Mỹ Sơn với mục đích làm cho người xem có cảm nhận các nàng Apsara được hồi sinh và bước ra từ các bức phù điêu bằng đá.

Các động tác múa chậm, nhẹ nhàng, uyển chuyển, đầy huyền bí và mê hoặc với các đường cong duyên dáng, ấn tượng; được tạo hình từ các ngón tay, bàn tay, bàn chân,...

Khi điệu múa kết thúc, các vũ nữ giữ tư thế bất động như những bức tượng đá được trùm kín bằng tấm khăn màu cỏ úa lúc mới xuất hiện, mang ý nghĩa trở về với đá, với sự vĩnh hằng, huyền diệu của nền văn hóa Chăm./.

Nguyễn Thanh Tuấn

Chia sẻ bài viết