Tiếng Việt | English

08/08/2017 - 12:27

Phòng bệnh mùa mưa - Bảo vệ sức khỏe

Mùa mưa, môi trường ẩm ướt, ao tù, nước đọng là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh phát triển, muỗi sinh sản và gây bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường khiến cơ thể giảm sức đề kháng. Người dân cần chủ động đề phòng dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết (SXH).


Tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Sốt xuất huyết - Chớ xem thường!

SXH là bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 10. SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh nên thường gây ra dịch lớn và lây lan rộng khắp cả nước, đặc biệt, hiện tại, mưa liên tục nên muỗi càng có điều kiện sinh sản, gây bệnh.

Tại Long An, từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH rải rác với một số ổ dịch, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước, TP.Tân An tập trung nhiều nhà trọ, khu công nghiệp, điều kiện sống ẩm thấp, nhiều ao tù, nước đọng, các công trình xây dựng nên khả năng bùng phát SXH rất cao.

Cán bộ Chương trình SXH tuyến huyện, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bến Lức - Lê Kim Thịnh cho biết: “Bến Lức là huyện công nghiệp, có nhiều nhà trọ, nơi ở ẩm thấp nên nguy cơ SXH khá cao. Đến nay, toàn huyện có 280 ca SXH, trong đó có 14 ca nặng với 70 ổ dịch được xử lý 100%. So với cùng kỳ năm 2016, số ca SXH năm nay tăng gần gấp đôi”.

Mới nhất, tại ấp 7, xã Lương Hòa xảy ra 3 ổ dịch liên tiếp với 13 ca mắc nên cần dập dịch diện rộng. Trưởng ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức - Nguyễn Thành Hiệp cho biết: “Ấp 7 có gần 100 hộ dân, trên 20% dân nhập cư với trên 20 khu nhà trọ. Tôi cũng vận động người dân thường xuyên dọn vệ sinh nơi ở, ngừa muỗi đốt để phòng bệnh”.

Theo Phó Giám đốc TTYT TP.Tân An - bác sĩ Lê Văn Tuấn, đến đầu tháng 8/2017, TP.Tân An có 166 ca SXH, trong đó có 1 ca nặng, tăng trên 30% so cùng kỳ năm 2016, tập trung nhiều ở phường 3, phường 5 và xã Hướng Thọ Phú,... Để phòng ngừa SXH, đồng thời cũng là phòng, chống bệnh do vi-rút Zika, người dân cần vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh, nhất là những gia đình có con nhỏ. Ngành Y tế tăng cường truyền thông phòng, chống SXH, chuẩn bị hóa chất, thuốc, dịch truyền, tập huấn chẩn đoán và điều trị để sẵn sàng đối phó dịch bệnh.


Diệt lăng quăng, diệt muỗi là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh sốt xuất huyết

Chủ động phòng dịch

Không chỉ riêng SXH, mùa mưa cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh: Viêm não Nhật Bản (VNNB), tay-chân-miệng cùng các bệnh về da và đường ruột. Phó Giám đốc TTYT huyện Thạnh Hóa - bác sĩ Trương Văn Dũng thông tin: “Tính đến đầu tháng 8/2017, tại Thạnh Hóa có 18 ca SXH (tăng 2 ca so cùng kỳ 2016), tay-chân-miệng 38 ca (tăng 24 ca so cùng kỳ 2016). Nhằm bảo đảm sức khỏe người dân, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, củng cố ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo tuyến xã kịp thời xử lý, cấp cứu khi có dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, năm nay nước lũ về sớm nên người dân cần chú ý ăn chín, uống chín phòng ngừa tiêu chảy vì bệnh thường gia tăng đáng kể sau mưa, lũ do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Hiện tại, Thạnh Hóa có trên 80% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, còn một số ít hộ dùng nước sông tại các khu vực vùng sâu, vùng xa của xã Thạnh Phước, Tân Hiệp, Thuận Bình thì ngành Y tế tuyên truyền người dân khử trùng bằng Cloramin B trước khi sử dụng. Đến nay, toàn huyện có 482 ca tiêu chảy, con số này vẫn thấp hơn so với năm 2016, dù chưa có nguy cơ lây lan thành dịch nhưng chúng tôi vẫn phòng ngừa, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.

Ngoài ra, người dân cũng cần bảo vệ tay, chân, tránh bị viêm da do tiếp xúc nhiều với nước khi làm đồng, gặt lúa. Thời điểm đầu năm học mới, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các trường phối hợp phụ huynh học sinh phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng cùng các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ”.

Với VNNB, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Long An - bác sĩ Ngô Văn Hoàng nhận định: “Khác với SXH, VNNB là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm não do trung gian truyền bệnh là muỗi Culex Tritaeniorhynchus với vật chủ là heo và chim. Khoảng 20-30% trường hợp có thể dẫn tới tử vong. Ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi có nguy cơ tiến triển nặng và tử vong cao hơn. Trong đó, 30-50% bệnh nhân khỏi bệnh, nhưng có thể bị tổn thương não và thần kinh. Thời gian ủ bệnh từ 4-14 ngày. Phần lớn bệnh nhân nhiễm vi-rút VNNB chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Trung bình khoảng 250 người bị nhiễm vi-rút VNNB thì có 1 người có biểu hiện triệu chứng. Bệnh khởi phát với những biểu hiện giống cúm: Sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em có thể gặp đau bụng trong giai đoạn đầu của bệnh, sau 3-4 ngày có thể bị co giật, lơ mơ, hôn mê”.

Theo đó, người dân cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vắc-xin ngừa VNNB, bởi vắc-xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các bệnh dịch, trong đó có VNNB. Đồng thời, cần thường xuyên giữ gìn môi trường sạch sẽ, chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình; vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc cách xa nơi ở. Khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, cũng như phòng lây nhiễm.

Để phòng, chống dịch bệnh, bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh: Ăn chín, uống chín, chú ý vấn đề an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đặc biệt với SXH, tuy là bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào mùa mưa, mọi người không được chủ quan, phải thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng. Đồng thời, cần chú ý tiêm phòng với những bệnh đã có vắc-xin nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân.

* Chương trình tiêm chủng mở rộng tỉnh Long An triển khai tiêm vắc-xin VNNB cho trẻ từ 1-5 tuổi từ năm 2002, đầu tiên chỉ thực hiện tại huyện Tân Thạnh và lần lượt triển khai đến năm 2008 trên toàn tỉnh. Ban đầu, các huyện chỉ thực hiện 2 đợt chiến dịch mỗi năm, điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm VNNB vì những trẻ khi bị hoãn tiêm trong 2 đợt chiến dịch này thì phải đến cơ sở tiêm dịch vụ hoặc chờ đến năm sau mới được tiêm.

Do vậy, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia chỉ đạo từ tháng 5/2015, đưa vắc-xin VNNB vào tiêm chủng thường xuyên và tiếp tục duy trì nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng. Hiện tại, tất cả trạm y tế trên địa bàn Long An đang thực hiện 2 đợt tiêm VNNB hàng tháng. Tùy theo trạm y tế sẽ tổ chức tiêm vào ngày 8-10 hàng tháng với vắc-xin VNNB và ngày 25-30 hàng tháng với vắc-xin VNNB cùng các loại vắc-xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

* Đến đầu tháng 8/2017, Long An có trên 1.700 ca SXH, trong đó có trên 70% ca nhẹ, chưa ghi nhận ca tử vong. Tình hình SXH sẽ còn diễn biến phức tạp, ngành Y tế tăng cường các biện pháp giám sát, tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2 và 3 với những điểm nóng là các địa phương thường xuyên có dịch SXH.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích