Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp thứ 12 xem xét, kỷ luật nhiều cá nhân, tập thể. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành với quan điểm “không có vùng cấm,” “không có hạ cánh an toàn” và đã đạt được những kết quả rõ rệt; được người dân đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Được triển khai quyết liệt trong nhiệm kỳ XII của Đảng và ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIII, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã rất quyết liệt kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Qua công tác kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 26 cán bộ liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, lạm dụng chức vụ, kinh tế; trong đó, riêng án tham nhũng, lạm dụng chức vụ đã khởi tố 390 vụ/1.011 bị can.
Điểm nổi bật là cơ quan chức năng đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tiêu cực xẩy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế, và mới đây nhất là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xẩy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hải Dương (CDC Hải Dương), các đơn vị, địa phương liên quan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương, dư luận đặc biệt quan tâm, và yêu cầu khẩn trương điều tra làm rõ để xử lý nghiêm.
Xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đồng thời ra các quyết định, thủ tục tố tụng.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng.
Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án. 5 Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bắc Giang, Bình Dương và Thừa Thiên Huế đã bị khởi tố do liên quan đến Công ty Việt Á...
Trung tướng Tô Ân Xô- Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan điều tra đang tích cực điều tra, xác minh tại các bộ, ngành có liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành sản xuất, hiệp thương giá, thông tin quảng cáo, tổ chức sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm...
Mới đây nhất, khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020- 2025 tại Kỳ họp thứ 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng, chống dịch và việc mua sắm vật tư, kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Những vi phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra đã chỉ ra sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015-2020 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án...
Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã vi phạm nguyên tắc của Đảng và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo chủ chốt và chỉ huy các đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong công tác cán bộ; trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đất quốc phòng, đầu tư xây dựng; trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trên cơ sở xem xét đề nghị của Tỉnh ủy Thái Nguyên, tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đồng chí Phan Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do đã vi phạm các nguyên tắc của Đảng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý tài chính, quản lý dự án đầu tư...
Sự quyết liệt, nghiêm minh được thể hiện rất rõ khi các cơ quan chức năng đã xét xử nhiều vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo: Vụ án Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín xảy ra tại Tổng Công ty Sabeco; vụ án Nguyễn Đức Chung và đồng phạm; 2 vụ án xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI)...
Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tiếp tục có chuyển biến tích cực. Cơ quan chức năng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trên 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn.
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay, đã thu hồi được hơn 31 nghìn tỷ đồng (đạt 33,33%); trong đó, năm 2021 thu được trên 9.000 tỷ đồng.
Những bản ánh thích đáng, đúng người, đúng tội không chỉ trừng phạt những đối tượng vi phạm, mà hơn thế, còn khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong bất kỳ sai phạm nào, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa các vi phạm.
Chính sự quyết liệt, nghiêm minh ấy đã góp phần từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân.
Việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIII, với nhiều kết quả rõ rệt, có một số mặt đạt kết quả cao hơn năm trước, đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng,” “không nghỉ,” không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời đập tan những luận điệu xuyên tạc, thù địch cho rằng công tác này không hiệu quả.
Trong năm nay, nhiệm vụ quan trọng này tiếp tục được xác định phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm, bất kể người đó là ai...
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành, sự đồng tình, ủng hộ của hệ thống chính trị và người dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được Đại hội XIII của Đảng xác định./.
Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)