Điểm sáng của phong trào
Gần đến Tết Nguyên đán, ngoài chuẩn bị đón tết, gia đình ông Lưu Bá Minh (ấp Kỳ Châu, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) còn chuẩn bị quà tặng cho một số hộ dân gặp khó khăn trong quá trình sản xuất thời gian qua. Ông Minh kể, số quà trên là do các con ông cùng nhau đóng góp với hy vọng chia sẻ với những hoàn cảnh gặp khó khăn vì dịch bệnh. Vợ chồng ông Minh đều là nhà giáo. Trước đây, dù cuộc sống khó khăn, ông bà vẫn quyết tâm cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Khi các con có việc làm ổn định, thành đạt, ông bà khuyến khích con quan tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn quanh mình.
Bí thư, Trưởng ấp Kỳ Châu - Phương Thành Lập cho biết: “Gia đình ông Minh là gia đình mẫu mực, không chỉ giữ sự ấm êm, hòa thuận trong nhà mà cách cư xử với xóm giềng cũng đúng mực, luôn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Gia đình ông Minh luôn đi đầu hưởng ứng các phong trào tại địa phương. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, gia đình ông đóng góp kinh phí tặng quà cho các hộ khó khăn”. Gia đình ông Minh là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Bình Quới, địa phương nổi bật của huyện Châu Thành trong việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH.
Gần đến Tết Nguyên đán, ngoài chuẩn bị đón tết, gia đình ông Lưu Bá Minh (ấp Kỳ Châu, xã Bình Quới, huyện Châu Thành) còn chuẩn bị quà tặng cho một số hộ dân gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, chăn nuôi trong thời gian qua
Toàn xã có 97,41% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, 5/5 ấp giữ vững danh hiệu ấp văn hóa. Việc xây dựng môi trường văn hóa giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như bộ mặt làng quê ở xã. Cảnh quan môi trường được cải thiện rõ nét, đường giao thông nông thôn được bêtông hóa, trồng cây 2 bên đường, có đèn thắp sáng. Người dân nhiệt tình tham gia phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao tại địa phương, nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử, võ thuật, bóng chuyền,... được duy trì và sinh hoạt thường xuyên.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quới - Châu Văn Bình cho biết, phong trào TDĐKXDĐSVH góp phần giúp đời sống người dân được nâng lên. Mỗi cá nhân đều nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng quê hương yên vui, giàu đẹp. Bình Quới là xã 6 năm liền không có người sinh con thứ 3. Những mâu thuẫn của người dân đều được cơ sở hòa giải thành công ngay khi vừa phát sinh. Tình hình an ninh, trật tự tại địa phương luôn được bảo đảm, nhất là trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán.
Gia đình ông Lưu Bá Minh là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành
Có thể thấy, phong trào xây dựng xã văn hóa gắn với xây dựng xã nông thôn mới (NTM) góp phần làm chuyển biến tích cực đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng nông thôn. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhiều nơi tập trung đầu tư kinh phí xây dựng nhiều công trình phục vụ nhân dân như trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố, kết cấu hạ tầng giao thông,...
Phước Đông là xã nhiều năm liền đứng đầu phong trào TDĐKXDĐSVH tại huyện Cần Đước. Đây là địa phương có các phong trào phát triển mạnh, đoàn thể chung tay, cán bộ ấp nhiệt tình với hoạt động phong trào. Phước Đông có 100% nhà văn hóa ấp được xây dựng kiên cố, cổng ấp đẹp. Tất cả đều từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Để có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo xã. Mỗi ấp đều có đảng ủy viên phụ trách, các hoạt động đều được đưa vào kế hoạch cụ thể hàng năm và đặc biệt là nguồn kinh phí hoạt động luôn dồi dào nhờ nỗ lực xã hội hóa.
Và những điều vướng mắc
Bên cạnh những kết quả nổi bật, phong trào TDĐKXDĐSVH vẫn có những khó khăn nhất định. Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, phần hạn chế có điểm nêu: Một số địa phương công nhận các danh hiệu văn hóa còn nặng tính hình thức, nhất là danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”. Điều này đã được cán bộ cơ sở khẳng định. Việc bình xét gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa trong thực tế không thể tập hợp đầy đủ người dân theo như quy định. Mức độ quan tâm của người dân đối với tiêu chí gia đình văn hóa không cao. Một bộ phận người dân tỏ ra thờ ơ, không tham gia đăng ký và họp bình xét cuối năm.
Hiện nay, người dân trong độ tuổi lao động thường đi làm, không có thời gian tham gia các hoạt động hội, họp tại nơi cư trú dẫn đến việc tập hợp người dân tham gia bình xét gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục, một số địa phương mời đại diện người dân cho ngày bình xét. Địa phương khác chọn họp theo tổ dân cư. Tổ dân cư được thành lập dựa trên nền tảng chi, tổ hội của các đoàn thể, nội dung bình xét gia đình văn hóa sẽ được lồng ghép trong các cuộc họp.
Phước Đông là xã nhiều năm liền đứng đầu phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại huyện Cần Đước (Trong ảnh: Cổng ấp văn hóa được xây dựng nhờ kinh phí xã hội hóa)
Ngoài ra, việc thực hiện song song 2 bộ tiêu chí xã văn hóa NTM và xã NTM cũng là một khó khăn cho các địa phương. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cần Đước - Trương Thành Phương cho biết, bộ tiêu chí xã văn hóa NTM có mức đánh giá thấp hơn so với bộ tiêu chí xã NTM, nhiều tiêu chí có nội dung gần giống nhau. Việc phân chia thành 2 danh hiệu khiến các địa phương lãng phí nguồn nhân lực. Đồng thời, danh hiệu xã văn hóa NTM đã được trao thẩm quyền cho huyện phúc tra, công nhận lại. Do thiếu kinh phí, việc phúc tra công nhận lại không kèm theo khen thưởng, điều đó phần nào khiến các địa phương thiếu ý chí phấn đấu.
Thiếu kinh phí cho các hoạt động văn hóa cũng là một trong những điều khiến các địa phương “đau đầu” trong quá trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Thiếu kinh phí, việc khen thưởng cho các gia đình văn hóa, tập hợp người dân tham gia họp bình xét danh hiệu văn hóa, tham gia phong trào văn nghệ, thể thao gặp khó khăn. Công tác tuyên truyền, hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng các xã cũng không được như mong muốn. Muốn hoạt động tốt, cần có nguồn kinh phí dồi dào.
Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cần Đước - Trương Thành Phương phân tích, phong trào TDĐKXDĐSVH tại xã Phước Đông luôn đứng đầu trong huyện là nhờ địa phương làm tốt công tác xã hội hóa, có kinh phí tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Nhằm nâng cao hiệu quả phong trào, xã và ấp chủ động phát động nhiều đợt thi đua trong năm để các ấp, các đoàn thể có động lực phấn đấu. Toàn bộ kinh phí khen thưởng đều được xã hội hóa.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có thể làm được như vậy!
Để có được kết quả tốt trong phong trào TDĐKXDĐSVH như hiện nay, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã Phước Đông. Với sự quan tâm, gương mẫu đi đầu của Bí thư Đảng ủy, cả hệ thống chính trị xã đã thể hiện tinh thần đoàn kết nội bộ, quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Công tác xã hội hóa được triển khai mạnh mẽ, chúng tôi tranh thủ nguồn lực trong và ngoài địa phương. Lực lượng cán bộ ấp cũng nhiệt tình tham gia xã hội hóa. Sự nhiệt huyết của người đứng đầu đã truyền động lực cho cả hệ thống”.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đông - Nguyễn Minh Sơn
Kinh phí và con người là 2 yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phong trào. Người đứng đầu có đủ sự quan tâm sẽ là động lực lớn thúc đẩy phong trào phát triển. Người làm phong trào cần sự nhiệt tình, năng động và cần cả khả năng vận động kinh phí, tăng cường nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa. Vận động xã hội hóa tốt thì phong trào sẽ phát triển mạnh”.
Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cần Đước - Trương Thành Phương
Việc sáp nhập 2 tiêu chí xã văn hóa NTM và xã NTM là cần thiết và thiết thực. Nếu sáp nhập, mỗi địa phương chỉ cần 1 ban chỉ đạo, tập trung toàn lực phát triển địa phương theo bộ tiêu chí đã đề ra. Hiện nay, 2 ban chỉ đạo thực hiện những nội dung gần giống nhau, việc báo cáo, hội họp cho cả 2 bên khiến hao phí nguồn lực tại cơ sở. Bên cạnh đó, việc sáp nhập cũng sẽ giải quyết được vấn đề tiêu chí đánh giá xã văn hóa NTM thấp so với hiện trạng khiến một số địa phương thiếu ý chí phấn đấu”.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Yến
|
Đến nay, toàn tỉnh có 150/188 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa NTM, văn minh đô thị (đạt 79,7%); trong đó có 126 xã đạt chuẩn văn hóa NTM, 24 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Xuất phát từ tình hình thực tế tại địa phương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nhiều lần đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ sáp nhập 2 bộ tiêu chí (xã văn hóa NTM và Bộ tiêu chí NTM) thành Bộ tiêu chí văn hóa - NTM để các địa phương triển khai, thực hiện trong thời gian tới.
|
Quế Lâm