Tiếng Việt | English

20/05/2024 - 20:01

Quốc hội khóa XV: Đề nghị bổ sung Thường trực Ban Bí thư là đối tượng cảnh vệ

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đáng chú ý có việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao...


Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 20/5, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Qua 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đáng chú ý có việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Dự án Luật cũng quy định rõ nhóm đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng; bổ sung chế độ, biện pháp cảnh vệ và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Dự thảo Luật gồm 2 điều, trong đó Điều 1 đề xuất sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ; Điều 2 về hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thấy rằng, các quy định trong dự thảo Luật phù hợp với các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... đề nghị tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung tổng số 15/33 điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trong Tờ trình và điều chỉnh của dự thảo Luật; phù hợp với mục đích, quan điểm xây dựng Luật là thể chế đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Về bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (điểm b và c khoản 3 Điều 1), Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng./.

Theo vietnamplus.vn

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-khoa-xv-de-nghi-bo-sung-thuong-truc-ban-bi-thu-la-doi-tuong-canh-ve-post954424.vnp

Chia sẻ bài viết