Tiếng Việt | English

13/04/2023 - 19:39

Rèn luyện thể chất cho trẻ khuyết tật

Tạo điều kiện cho học sinh (HS) khuyết tật tham gia các trò chơi vận động, tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên,... là cách Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An giúp các em phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

Học sinh khuyết tật tập thể dục

Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh là cơ sở giáo dục đặc biệt thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Hiện trường có gần 200 HS với nhiều dạng khuyết tật khác nhau như nghe nói, trí tuệ, khiếm thị,… Những năm qua, trường không chỉ quan tâm đến việc dạy văn hóa cho các em mà còn chú trọng đến giáo dục thể chất, kỹ năng sống. Cụ thể, trường tạo điều kiện cho HS khuyết tật tham gia các tiết thể dục, trong đó, tùy theo dạng khuyết tật của trẻ mà giáo viên có phương pháp thị phạm khác nhau.

Cô Đồng Thị Kim Loan - giáo viên (GV) Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, chia sẻ: “Dạy thể dục cho HS khuyết tật rất khó, vừa tham khảo, nghiên cứu các tài liệu của chương trình phổ thông, vừa kết hợp với tình hình thực tế của lớp và từng HS. Trong đó, GV phải thực hiện nhiều biện pháp trong cùng một hoạt động/tiết học để dạy HS không cùng trình độ. Ví dụ, đối với HS có khả năng nghe hiểu thấp, GV phải vừa nói, vừa làm mẫu, uốn nắn từng động tác để các em có thể hiểu và thực hành. Còn để HS nhớ lâu các động tác, bài tập, GV phải tạo cơ hội cho trẻ được tập đi tập lại nhiều lần”.

Học sinh tham gia trò chơi tại phòng Tâm Vận động

Để minh chứng cho lời nói của mình, cô Loan dẫn chúng tôi quan sát một tiết tập thể dục của trẻ em khuyết tật. Theo quan sát, trước khi vào tập thể dục, các em xếp hàng ngay ngắn, điểm danh và khởi động tại chỗ. Tuy nhiên, sau khi khởi động, một số em đi lại lung tung, không tập trung,… GV phải thị phạm, một động tác lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng có em vẫn chưa thực hiện đúng. Điều này càng cho thấy để giúp HS tập được một bài thể dục hoàn chỉnh, GV phải thật kiên trì, nhất là phải làm việc bằng cả tấm lòng yêu nghề, mến trẻ. Ngoài tạo điều kiện cho HS tập thể dục, trường còn bố trí luân phiên cho trẻ tham gia các trò chơi vận động tại phòng Tâm Vận động với các hoạt động như nhún, đi cầu trượt, cân bằng,…

Giáo dục thể chất đối với trẻ khuyết tật có rất nhiều lợi ích như nâng cao thể lực, phát triển trí lực; giảm căng thẳng, rèn luyện tính tổ chức, kỹ luật; gắn kết tình bạn bè;… Do đó, việc tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật phát triển thể chất là điều cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là giúp các em xóa được tâm lý mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể; đồng thời, tự tin, mạnh dạn hơn. Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Trần Thanh Phong cho biết: “Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật thuộc loại hình trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật nên Ban Giám hiệu chỉ đặt mục tiêu là giúp trẻ cải thiện sức khỏe tốt hơn, không nhất thiết phải hoàn thành các mục tiêu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn giáo dục thể chất như các trường khác. Do đó, phương pháp, quá trình giảng dạy của GV cũng có một số điểm khác biệt, trong đó chủ yếu chú trọng thực hiện phương pháp cá nhân hóa, sửa sai từng HS. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các lớp 1, 2, 3, trường dạy 1 tiết thể dục/tuần, lớp 3, 4 dạy 2 tiết thể dục/tuần”.

Khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng các em ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh không đơn độc trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng mà luôn có sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành, nhà trường và gia đình, trong đó có việc tạo điều kiện cho trẻ rèn luyện thể chất để có được một sức khỏe tốt, thể lực dẻo dai./.

Lê Ngọc - Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết