Tiếng Việt | English

09/08/2017 - 20:27

Rốn lũ Mường La, nước mắt vẫn chưa ngừng tuôn rơi...

10 người chết, 5 người mất tích, 15 người bị thương - những con số này đã nói lên sự khủng khiếp của trận lũ quét vừa qua tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Hai mẹ con chị Quàng Thị Toàn có chồng bị lũ cuốn, hiện vẫn mất tích. (Ảnh: Hữu Quyết/Vietnam+)Lũ dữ không chỉ cuốn trôi nhà cửa, tài sản mà còn cuốn đi bao sự sống, bao ước mơ... để lại sự tang thương trên những đống đổ nát với những gia đình giờ đây không còn đủ các thành viên.

Mấy ngày nay, không có ngày nào là chị Quàng Thị Toàn và con gái không lặn lội đi bộ hàng chục kilômét từ bản Huổi Hốc, xã Nặm Păm đến những vùng hạ lưu để tìm chồng. 6 ngày đã trôi qua sau trận lũ quét, nhưng chồng chị thì vẫn chưa về.

Chị Toàn vẫn nhớ như in cái đêm 2/8 kinh hoàng đó, khi thấy mưa to, nước đổ về nhiều, chồng chị vùng dậy đi kiểm tra ruộng lúa vì sợ bị ngập và hỏng mất. Rồi anh đi mãi mà không thấy về.

Lặn lội khắp nơi tìm chồng suốt bao ngày mà vẫn bặt vô âm tín, 2 mẹ con chị Toàn cuối cùng đành phải đau đớn buộc lên đầu chiếc trắng để tang chồng, cha mình.

Cơn lũ dữ đã cuốn chồng chị Toàn đi mất tích, nó cũng cuốn đi cả niềm hạnh phúc sum vầy gia đình. “Mưa lũ cuốn trôi chồng tôi đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Thương chồng lắm mà không biết làm sao. Bây giờ khó khăn, khổ lắm. Chẳng biết làm gì nữa,” chị Toàn đau đớn.

Đau thương, tang tóc, chuỗi ngày u ám vẫn đang bao trùm lên vùng rốn lũ Nặm Păm này. Những giọt nước mắt vẫn chưa ngừng rơi trên đôi mắt những người có anh em, cha mẹ bị lũ cuốn. Nỗi đau của họ không thể nguôi ngoai khi đã 6 ngày sau lũ, người thân của họ vẫn chưa được tìm thấy.

Đối với em Quàng Thị Xuân ở bản Hốc, xã Nặm Păm, sự đau đớn khi cùng lúc mất đi 2 người thân yêu nhất dường như đã vượt quá sức chịu đựng đối với một cô nữ sinh lớp 9. Lũ dữ đã cướp đi bố và anh trai của em, cướp đi sự yêu thương, che chở của người cha, người anh thân thuộc với em.

Những ngày qua, Xuân vẫn chưa tin vào sự mất mát khôn cùng đó. Nỗi đau theo em vào cả trong những giấc mơ, khiến em không còn tâm trạng để ăn uống và nhịn ăn cả ngày nay.


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thăm hỏi, động viên em Quàng Thị Xuân. (Ảnh: Hữu Quyết/Vietnam+)

Đôi mắt ngấn lệ, em Quàng Thị Xuân rưng rưng nói: “Cháu cũng chẳng biết làm thế nào nữa bây giờ. Nhà cửa thì trôi đi hết rồi. Bây giờ cháu ở nhà ông mà nhà ông cũng trôi mất rồi. Nhưng cháu không cần nhà cửa đâu, cháu chỉ cần có bố và anh trai quay về với cháu thôi.”

Mỗi cuộc đời, mỗi hoàn cảnh ở nơi thiên tai hoành hành này đều là một câu chuyện xúc động. Đối với em Cà Thị Hiền ở bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm, nỗi đau sau sự nổi giận của thiên nhiên cũng nặng nề và không thể diễn tả thành lời.

Kết thúc kỳ thi vào đại học vừa qua, em đã đạt điểm cao và trúng tuyển vào khoa giáo dục chính trị, trường Đại học Tây Bắc. Giấy báo nhập học vẫn chưa đến tay em thì trận lũ kinh hoàng bất ngờ ập về vừa qua cuốn trôi hết nhà cửa, cùng tất cả tài sản của gia đình em.

Giờ đây, cả gia đình Hiền phải sống trong căn lều tạm trơ trọi trên nền ngôi nhà cũ. Tất cả tài sản đều đã mất hết. Ước mơ được theo học ở mái trường đại học, ước mơ bao nhiêu năm ấp ủ của em giờ đây cũng khó mà trở thành hiện thực.


Em Cà Thị Hiền đang phơi lại quần áo bị ướt do mưa lũ. (Ảnh: Hữu Quyết/Vietnam+)

Lau giọt nước mắt lăn trên má, em Cà Thị Hiền ngậm ngùi: “Em cũng không tưởng tượng ra nữa, cuộc sống bây giờ rất khó khăn. Gia đình em rất cần mọi người giúp đỡ. Nếu được hỗ trợ em sẽ đi học, nếu không, em sẽ ở nhà giúp bố mẹ làm việc. Không được đi học đại học thì em tiếc lắm, vì đó là ước mơ lớn nhất của em. Nhưng bây giờ, nhà em bị lũ cuốn hết rồi , cuộc sống khó khăn quá."

Tại nơi thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ ở huyện Mường La, cuộc sống người dân vô cùng chật vật. Những bữa ăn của bà con ở đây hầu như chỉ là mì tôm. Người lớn ăn mì tôm, người già cũng ăn mì tôm và trẻ con cũng chỉ có mì tôm là thực phẩm chính.

Trong những lán tạm vừa được dựng lên ven đường, hàng chục hộ dân vùng lũ đang gồng mình chống chọi để sống qua ngày. Cả gia đình cùng nương tựa vào nhau trong những căn lều tuềnh toàng.

Ngôi lều tạm sơ sài của gia đình em Cà Thị Hiền. (Ảnh: Hữu Quyết/Vietnam+)

Anh Cà Văn San ở bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm cho biết: "Đêm hôm đó mưa lớn lắm, vợ chồng tôi nghe nước chảy mạnh liền vội vàng chạy lên nương thế nên mới thoát chết. Bây giờ điều mà bà con mong muốn nhất là chính quyền sớm hỗ trợ bố trí đất ở nơi an toàn, để yên tâm ổn định cuộc sống."

Chính quyền địa phương hiện đã di dời những gia đình ở vùng có nguy cơ sạt lở đến ở tại khu vực an toàn hơn. Trong khi chờ bố trí nơi ở mới, họ vẫn phải ở trong các ngôi lều tạm. 

Với những cụ già ở tuổi “gần đất xa trời” thì phải chuyển đến nơi ở tạm khiến họ thấy rất khó khăn. Cả đời gắn bó nơi bản cũ, quen với mó nước, với bà con hàng xóm, giờ vì sự an toàn nên đành phải về đây. Điều mong mỏi nhất của bà con là sớm được bố trí ổn định ở nơi an toàn chứ không phải chỗ ở tạm bợ như thế này.

Bà Lò Thị Bắng, bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm bày tỏ, bây giờ bà già rồi, cái chân không còn khỏe như thanh niên nữa, không chạy lũ được nữa. Mong nhà nước tìm chỗ ở an toàn cho bà con. Bây giờ mưa mà chạy thì sợ lắm, vì bà già rồi chạy sẽ ngã.

Việc khắc phục những thiệt hại nặng nề do lũ gây ra không thể trong một sớm một chiều. Tại huyện Mường La đã có gần 400 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó hơn 170 ngôi nhà bị sập trôi hoàn toàn. 

Vùng lũ quét đi qua đã gây hậu quả nặng nề tại 12 bản, tiểu khu thuộc 2 xã, thị trấn là Nặm Păm và Ít Ong. Chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực hết mình để người dân được an toàn, không thiếu đói và về lâu dài là có nơi ở an toàn mới tránh xa vùng lũ quét. 

Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay huyện Mường La đang phải tiến hành quy hoạch, gấp rút xác định điểm tái định cư cho bà con. 

Huyện đang cố gắng tìm được điểm nào mà nhân dân đến đó phải ở được, phải sản xuất được để ổn định đời sống lâu dài. Đặc biệt, điểm đó phải xác định là không nằm trong vùng tụ thủy lớn, trên bản đồ không còn nguy cơ lũ lụt cao./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết