Mứt me phải chọn ngày nào nắng tốt, đồng thời phải thường xuyên trở thì mứt me mới đều màu và không bị dậy chua
Giữ nét truyền thống
Hiện nay, bánh, mứt ngoại nhập được bày bán nhiều tại các tiệm tạp hóa, siêu thị. Song, nhiều khách hàng lại có xu hướng chọn mua những loại bánh, mứt tết truyền thống. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài những loại bánh, mứt ngoại nhập, chị Lê Thị Lạc (tiểu thương chợ phường 1, TP.Tân An) còn tự tay làm các loại mứt: Gừng, me, chùm ruột, dừa để bán. Theo chị, mứt dừa và chùm ruột là hai loại được khách hàng ưa chuộng nhất.
Để làm được mứt dừa ngon, dẻo và thơm, chị Lạc chia sẻ: “Đầu tiên, phải chọn cơm dừa sao cho không quá cứng, cũng không quá mềm. Bởi, cơm dừa cứng quá, mứt dừa làm ra ăn xảm xì, còn mềm thì sên đường không thấm và dễ bị gãy. Cơm dừa sau khi làm sạch, xả nước nhiều lần và cắt ra từng miếng, ướp đường và sên mứt. Đây cũng là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người làm phải thật khéo tay, nếu không, dừa không thấm đường, dễ bị khét. Còn mứt chùm ruột làm đơn giản hơn, chỉ cần rửa sạch, chà và sên đường cát vàng”.
Ngày thường, chị Lạc chỉ làm khoảng 5kg mứt dừa, 2kg mứt chùm ruột. Riêng dịp Tết Nguyên đán, chị tăng lên gấp 10 lần theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh, với giá 150.000 đồng/kg mứt dừa, 110.000 đồng/kg mứt chùm ruột.
Mứt dừa là một trong những loại mứt truyền thống được nhiều khách hàng ưa chuộng
Còn tại chùa Giác Nguyên (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc), không khí tết cũng rộn ràng nơi góc bếp, bởi những người thợ đang làm mứt me. Vừa nhanh tay trở me, anh Nguyễn Anh Tuấn (quê Vĩnh Long) nói: “Muốn mứt me ngon, phải phơi lúc trời nắng, thường xuyên trở, nếu không me sẽ không đều màu, dễ bị dậy chua”.
Trụ trì chùa Giác Nguyên - thầy Thích Lệ Phát chia sẻ: “Thông thường vào tháng 9, chùa bắt đầu làm mứt me, giữa tháng 11 âm lịch là cao điểm nhất. Bình quân hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, chùa bán ra trên 3 tấn mứt me. Để làm được mứt me ngon, chùa phải chọn những phật tử khéo tay và cẩn thận để tách vỏ và lấy hột sao cho me không bị gãy và mất thịt, nhất là làm đúng công thức của chùa đưa ra”.
Xóm mứt vào mùa
Những ngày này, xóm mứt tại ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ lại tất bật. Đầu xóm, cuối ngõ, hầu như nhà nào cũng râm ran câu chuyện về mẻ mứt gừng mới phơi hay kể nhau nghe chuyện nhà, chuyện ngõ khi ngồi gói mứt. Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Trương Thị Diệu, ngụ ấp 5, một gia đình có truyền thống làm mứt đến 3 đời. Ở đó, hàng chục mẻ mứt me được phơi vàng ươm dưới nắng. Bà Diệu vừa kiểm tra độ khô của miếng mứt, vừa chậm rãi, thuần thục trở những mẻ mứt đạt yêu cầu. Bà kể: “Nhà tôi làm mứt đã mấy chục năm. Bây giờ, tới con tôi làm. Năm nào cũng vậy, từ tháng 9 âm lịch là làm đến gần tết”.
Để có được mẻ mứt me ngon, phải chọn trái me to và xanh “đúng độ”. Nếu me dốt quá thì mứt không dai, mà xanh quá cũng không được. Làm mứt tết gần như trở thành truyền thống ở vùng đất này. Nhà nào không kinh doanh cũng làm vài chục đến cả trăm kilôgam mứt ăn tết và biếu người quen. Như bà Diệu, dù xấp xỉ 70 tuổi vẫn không thể “ngồi yên”. Bằng kinh nghiệm của mình, bà biết chính xác me phải ướp bao nhiêu đường, phơi bao nhiêu nắng thì mới được. Mỗi dịp tết, nhà bà làm cả ngàn kilôgam mứt me, mứt gừng và bà cũng muốn tự mình theo dõi từng mẻ mứt phơi.
Thời gian gần đây, có vẻ nghề làm mứt tết ở Lạc Tấn có phần lắng lại nhưng những cơ sở, gia đình có “tên tuổi” làm mứt tết thì vẫn giữ lấy nghề, trong đó có cơ sở Ngọc Lan với kinh nghiệm làm mứt 20 năm qua. Mứt của cơ sở Ngọc Lan không chỉ được ưa chuộng bởi sự thơm ngon mà còn vì có đầy đủ chứng nhận về an toàn thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Tấn - Nguyễn Hải Bằng cho biết: “Làm mứt tết trở thành truyền thống ở Lạc Tấn, có hộ làm để ăn và biếu bạn bè, người thân, có hộ làm để kinh doanh. Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quan tâm. Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Chú trọng an toàn thực phẩm
Dù làm mứt theo cách truyền thống hay bằng công nghệ thì vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quan tâm đặc biệt. Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cần Giuộc - Trần Võ Trí Nhân cho biết: “Hàng năm, huyện đều tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Riêng dịp Tết Nguyên đán, Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp Phòng Y tế huyện tổ chức các đoàn đến kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó, chú ý cơ sở sản xuất bánh, kẹo, mứt. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn một số ngôi chùa và hộ làm mứt truyền thống chưa có giấy phép, nhãn mác và những người trực tiếp làm mứt chưa được khám sức khỏe theo quy định. Đây là vấn đề được huyện quan tâm. Thế nhưng, sau nhiều lần kiểm tra, huyện thấy những hộ kinh doanh nhỏ, lẻ và chùa vẫn bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm, không sử dụng phẩm màu, hóa chất”.
Bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được chùa Pháp Tánh đặt lên hàng đầu
Chùa Pháp Tánh (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) là một trong những ngôi chùa có truyền thống làm mứt me, mứt gừng trên 10 năm nay. Trụ trì chùa Pháp Tánh - ni sư Tắc Bảo chia sẻ: “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong làm mứt luôn được chùa đặt lên hàng đầu. Tất cả phật tử làm mứt đều phải đeo bao tay, me sau khi sên đường được phơi ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, có lưới bao quanh. Chùa không bao giờ sử dụng chất bảo quản hay phẩm màu làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, khách hàng đến đặt mua mứt ngày càng tăng. Dự kiến tết năm nay, chùa bán ra thị trường khoảng 6-7 tấn mứt me và gừng”.
Bánh, mứt là thứ không thể thiếu trong ngày tết. Đó vừa là truyền thống, vừa là nét duyên khi mời nhau chút mứt ngọt ngào như cầu chúc mọi điều hanh thông, thuận lợi trong năm mới. Chính vì điều đó mà mứt tết và những xóm làm mứt tết cứ độ này lại rộn rã “vào mùa”./.
Kim Ngọc - Phương Phương