Vùng chuyên canh khóm xã Tân Tây được quan tâm đầu tư cả về kết cấu hạ tầng và hình thức sản xuất
Ứng dụng công nghệ cao
Nhiệm kỳ qua, Chương trình hành động số 06-CTr/HU, ngày 07/3/2016 của Huyện ủy Thạnh Hóa, tỉnh Long An về xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản được huyện triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Thu Trinh cho biết: “Hàng năm, Huyện ủy đưa nội dung chương trình vào nghị quyết, UBND huyện cụ thể hóa bằng kế hoạch để chỉ đạo thực hiện theo quy hoạch và lộ trình đề ra, trong đó giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho các địa phương. Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện kết hợp các nguồn vốn ngân sách cấp trên phân bổ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn xổ số kiến thiết và vận động xã hội hóa để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Bên cạnh đó, Huyện ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/HU, ngày 30/6/2016 thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Tỉnh ủy về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Việc chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được xem là khâu quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa của huyện. Vì vậy, các ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều lớp chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho nông dân như quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP,... Nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất như chương trình hỗ trợ giống lúa, mua máy cơ giới phục vụ sản xuất, con giống chuyển đổi cơ cấu cây trồng,... được triển khai. Từ đó, người dân hưởng ứng tích cực trong việc tham gia sản xuất theo cánh đồng lớn, vùng chuyên canh.
Huyện thu hút doanh nghiệp về đầu tư trang trại trồng dưa lưới theo công nghệ cao tại xã Thạnh An. Ảnh: Hồng Anh
Ông Nguyễn Văn Thái (ấp 3, xã Tân Tây) là một trong những nông dân tham gia sản xuất trong vùng lúa ƯDCNC. Ông Thái cho biết: “Thời làm lúa con người phải kéo cày thay trâu hay con trâu đi trước cái cày theo sau giờ chỉ còn là ký ức. Bây giờ, người dân mỗi năm làm 2-3 vụ lúa nhưng sướng lắm vì có máy móc hỗ trợ. Chúng tôi áp dụng khoa học - kỹ thuật, ƯDCNC trong sản xuất nên chi phí đầu tư giảm, tăng năng suất và thu nhập”.
Ngoài ra, huyện cũng thu hút được doanh nghiệp về đầu tư trang trại trồng dưa lưới theo công nghệ cao ở xã Thạnh An. Đi đôi với trồng trọt, hoạt động chăn nuôi có sự phát triển vượt bậc so với nhiệm kỳ trước, nhất là vùng chăn nuôi tập trung tại xã Thạnh An gắn với ứng dụng quy trình khép kín theo mô hình công nghệ cao.
Sản xuất gắn với chế biến nông sản
Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo các cấp, các ngành thực hiện các chương trình có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung xây dựng cánh đồng lớn, vùng chuyên canh, vùng sản xuất lúa ƯDCNC, vùng chăn nuôi tập trung, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, phù hợp với tình hình thực tế của
địa phương.
Theo đó, các cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh khóm ở Tân Tây, khoai mỡ Thủy Đông, chanh ở Thuận Bình được quan tâm đầu tư cả về kết cấu hạ tầng và hình thức sản xuất. Chất lượng các mặt hàng nông sản được nâng lên và tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhờ xây dựng được các tổ hợp tác, hợp tác xã trong các vùng sản xuất. Nổi bật như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình, Hợp tác xã Khoai mỡ Bến Kè. Đây là những mặt hàng chủ lực khẳng định sự phát triển đúng hướng của ngành nông nghiệp huyện.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chế biến nông sản có chiều hướng phát triển, tạo ra những sản phẩm từ lúa nếp có chất lượng tiêu thụ trên thị trường. Hoạt động sản xuất được thực hiện gắn liền chế biến nông sản. Bằng phương pháp lên men truyền thống, huyện tạo ra sản phẩm rượu chanh và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đây là một trong hai sản phẩm tiềm năng thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện”.
Công tác xúc tiến đầu tư được huyện chú trọng nhằm quảng bá các mặt hàng nông sản. Huyện thu hút được 30 doanh nghiệp về đầu tư, tỷ lệ sử dụng diện tích quy hoạch đất công nghiệp là 212/303ha. Đa phần các doanh nghiệp chế biến sử dụng công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh kết quả đã đạt, năng lực quản lý kinh tế tập thể chưa phát huy nên chưa thúc đẩy mối liên kết sản xuất, nhất là liên kết "4 nhà". Sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản của huyện trên thị trường còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các cơ sở chế biến nông sản chỉ mới phát triển mạnh trên mặt hàng lúa gạo.
Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động chân tay, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nhà nông
Thời gian tới, huyện chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả mô hình sản xuất lúa ƯDCNC trong vùng quy hoạch và nhân rộng đến tất cả các xã khác. Phát huy vai trò tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc xây dựng chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và tạo đầu ra ổn định. Để đạt mục tiêu này, Thạnh Hóa xây dựng nghị quyết, kế hoạch hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/HU của Huyện ủy giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, huyện đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho từng năm, nhất là các giải pháp về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại và mời gọi thu hút đầu tư cơ sở chế biến nông sản.
Xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản là mục tiêu mà huyện đang nỗ lực thực hiện. Đây là giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.
Đến nay, lĩnh vực giao thông đầu tư thực hiện được 162 công trình với tổng vốn gần 187 tỉ đồng; công trình thủy lợi được 53 công trình với tổng vốn gần 29 tỉ đồng. Theo đó, huyện có gần 85%km đường trục xã, liên xã bảo đảm cho việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa nông sản.
Huyện có 263 khu đê bao, chiếm 90,4% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, giúp người dân chủ động trong sản xuất. Đến nay, huyện có 29 trạm bơm điện, phục vụ 3.453ha, trong đó có 20 trạm phục vụ vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn; 9 trạm phục vụ vùng chuyên canh các loại cây trồng.
Hiện vùng lúa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các xã: Tân Tây, Thủy Đông và Thạnh An với diện tích 2.041/2.000ha, đạt 102% so với nghị quyết tỉnh giao, vùng mở rộng đạt 232/300ha. Vùng chuyên canh khóm tại xã Tân Tây thực hiện được 300/600ha; vùng chuyên canh khoai mỡ tại xã Thủy Đông đạt 872/1.000ha; vùng chuyên canh chanh không hạt tại xã Thuận Bình đạt 289,3/250ha. Vùng chăn nuôi tập trung tại xã Thạnh An hiện có 17 trang trại, trong đó nuôi gà thịt 15 trang trại, heo thịt 2 trang trại.
|
Ngọc Mận