Bài cuối: Để sản xuất sạch phát triển bền vững
Nông nghiệp hữu cơ giúp bảo tồn hệ sinh thái, tăng thu nhập cho người sản xuất và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ được nhân rộng và phát triển bền vững, ổn định, cần sự chung tay, góp sức của các ngành, địa phương và sự quyết tâm, đồng lòng của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), ND.
Còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, các xã: Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Bình Đức của huyện Bến Lức, tỉnh Long An phát triển mạnh về cây chanh. Thế nhưng, nhiều ND chưa chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Điều này thể hiện rõ trong việc họ chưa dám liên kết với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Ông T.V.L. (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) bộc bạch: “Chanh sản xuất theo chuẩn xuất khẩu sang châu Âu rất khó, bắt buộc nhà vườn phải sản xuất theo quy trình của công ty (Cty) đưa ra như không được xịt thuốc mà phải làm cỏ thủ công; phải xây dựng nhà kho, nơi pha thuốc, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng,... Trong khi đó, giá mua của Cty không cao hơn so với giá thị trường, chanh bị loại nhiều. Vì vậy, tôi quyết định không liên kết với Cty, chủ yếu bán qua thương lái. Dù biết sẽ bị thương lái ép giá nhưng đỡ phức tạp và không phải lo lắng nhiều”.
Hiện nay, chi phí đầu tư trồng rau theo hướng hữu cơ cao nhưng giá bán lại bị đánh đồng với các sản phẩm sản xuất theo kiểu truyền thống
Xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc phát triển mạnh về cây rau với diện tích trên 500ha, trong đó, có trên 420ha rau ứng dụng công nghệ cao. Những năm qua, các cấp, các ngành luôn tạo điều kiện cho ND xã Phước Hậu vừa ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vừa sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng. Thế nhưng, người dân vẫn chưa “mặn mà” với sản xuất theo hướng sạch bởi nhiều nguyên nhân.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu - Võ Thị Hồng Phương cho biết: “Chi phí đầu tư nhà màng, nhà lưới rất cao; đồng thời, khi sản xuất theo hướng hữu cơ, rau sẽ không đẹp, năng suất không cao. Trong khi đó, người tiêu dùng lại đánh đồng giá các sản phẩm với nhau nên ND không có lợi nhuận, từ đó, nhiều ND không muốn trồng rau theo hướng hữu cơ”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh thông tin: Nhiều ND đã biết đến nông nghiệp hữu cơ và lợi ích của nó nhưng họ vẫn ngại chuyển đổi vì sợ sẽ làm tăng chí phí sản xuất, giảm lợi nhuận, bởi không ai có thể chắc chắn rằng sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ có đầu ra ổn định và giá bán cao hơn. “Hiện nay, HTX chỉ sản xuất rau hữu cơ theo đơn đặt hàng với số lượng khá hạn chế. Do đó, HTX đang tích cực đàm phán với các đơn vị thu mua tăng sản lượng và ký kết hợp đồng cố định để ND an tâm chuyển đổi sản xuất” - ông Minh nói.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng đắn để nâng cao chất lượng nông sản, từ đó tăng thu nhập nhưng thực tế, người sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp nhiều khó khăn cả về đầu vào lẫn đầu ra. Đó là vùng quy hoạch chưa có, đất đai, nguồn nước chưa bảo đảm, nguồn cung phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa phổ biến. Thủ tục, quy trình làm chứng nhận, cấp và dán nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn là câu chuyện dài.
Cần tiếp tục “trợ lực” cho nông dân
Cty TNHH Hoàng Phát Fruit (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) là doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn của tỉnh. Thị trường mà Cty đang hướng đến ký kết tiêu thụ bền vững là Nhật Bản và Hàn Quốc - những thị trường đòi hỏi chất lượng trái thanh long rất cao.
Giám đốc Cty TNHH Hoàng Phát Fruit - Nguyễn Khắc Huy cho biết: “Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu thanh long của các thị trường trên thế giới rất lớn. Tuy nhiên, chất lượng trái thanh long trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng đều, ND áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chưa nhiều. Do đó, các ngành chức năng cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ ND, nhất là về quy trình kỹ thuật”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho ND, đổi mới nội dung và phương pháp khuyến nông theo hướng sản xuất gắn với thị trường; phát triển nông nghiệp theo hướng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ,... gắn với phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường quản lý về giống, bảo đảm cây giống sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường.
“Song song đó, ngành tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư; tăng cường và mở rộng hợp tác với các địa phương trong nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lớn gắn với mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quan tâm nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi. Đồng thời, ngành tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho ND; xây dựng thêm nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng chủ lực như lúa, rau, thanh long, chanh,... để ND thấy được hiệu quả và lợi ích, từ đó nhân rộng ra” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết.
Sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình cần phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh, kế hoạch phát triển của ngành Nông nghiệp và lĩnh vực có liên quan; thu hút được các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường; phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho ND./.
Lê Ngọc - Bùi Tùng