Tiếng Việt | English

15/03/2020 - 11:35

Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Có những đảng viên cao tuổi, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương. Với họ, không có niềm vui, hạnh phúc nào bằng khi chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới. Bà Trần Thị Liên, ngụ khu phố Nhơn Bình, phường 6, TP.Tân An, tỉnh long An, là một trong những đảng viên như thế!

Tiếp nối truyền thống gia đình

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến đường Trường Sơn hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược vận chuyển binh lực, lương thực và vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên tuyến lửa ấy, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã kiên cường bám rừng, bám đường làm nên những chiến công vang dội.

Bà Liên về với cuộc sống đời thường

Năm 1972, thực hiện Tổng động viên, rất nhiều thanh niên, phụ nữ ở miền Bắc tình nguyện vào Nam, góp công sức cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Ngày ấy, như bao người, ở độ tuổi 18, người con gái trẻ Trần Thị Liên quê ở Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên ngày nay), kiên trì cùng đồng đội, mang ba lô vượt qua đường Trường Sơn, tiếp tế lương thực, đạn dược, hỗ trợ thuốc men cho chiến trường.

Tạm xa mái trường, họ động viên nhau vì mục tiêu cao đẹp là chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Riêng cô gái Liên làm nhiệm vụ quân y, chăm sóc những người lính bị thương trên chiến trường. Vượt qua nắng, gió khắc nghiệt ở Trường Sơn, cô gái nhỏ nhắn ấy làm quen với súng ống, lựu đạn cùng những đêm hành quân, báo động.

“Ngày đó, tôi rất nhỏ con nhưng không hiểu sức đâu lại bền bỉ như vậy. Có lẽ chúng tôi ai cũng háo hức khí thế lên đường bảo vệ đất nước nên quên cả mệt nhọc. Ngày đó, gia đình tôi có đến 3 chị em tham gia chiến trường. Hai em trai của tôi hy sinh nên tôi dặn lòng phải cố gắng hoàn thành tâm niệm của gia đình. Nhiều năm về sau, mẹ tôi được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng nên tôi phải sống có trách nhiệm, giữ gìn truyền thống gia đình, giáo dục các con, cháu nên người” - bà chia sẻ.

Xứng đáng là người lính “bộ đội cụ Hồ”

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người con gái đó không trở về quê hương mà chọn mảnh đất kết nghĩa với tỉnh Hưng Yên làm nơi lập nghiệp. Trải qua nhiều đơn vị công tác, sau nhiều năm làm việc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bà nghỉ hưu vào năm 2004.

Trở về địa phương, bà không chịu nghỉ ngơi mà tiếp tục tham gia công tác tại khu phố Bình Cư 2 với vai trò Phó Bí thư Chi bộ. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vượt mọi gian khó, nêu cao vai trò cựu chiến binh, gương mẫu, bà tham gia các phong trào do phường phát động để xây dựng phường văn minh đô thị.

Bà Trần Thị Liên (thứ 4, từ trái sang) được khen thưởng đảng viên đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Bà Trần Thị Liên (thứ 4, từ trái sang) được khen thưởng đảng viên đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

“Lúc còn công tác ở tỉnh, mình chỉ làm đúng nhiệm vụ chuyên môn, có giờ giấc, lịch trình cụ thể, không có nhiều việc không tên. Khi về khu phố, tôi phải thay đổi thói quen, sắp xếp công việc. Do đó, chuyện phải họp cuối tuần, ban đêm là không có gì lạ. Không những vậy, tôi hiểu rằng, muốn làm tốt nhiệm vụ được giao, mình cần gần gũi, gắn bó với nhân dân, nắm đúng, nắm chắc địa bàn để thấu hiểu, chia sẻ với những khó nhọc của người dân nơi đây. Sau khi khu phố Nhơn Bình được thành lập trên cơ sở tách ra từ khu phố Bình Cư 2, tôi tiếp tục giữ vai trò Phó Bí thư Chi bộ khu phố đến đầu năm 2020 do tuổi cao, tôi xin nghỉ. Dù vậy, tôi vẫn hỗ trợ hết mình cho công tác địa phương, nhất là phụ nữ, khuyến học,…”.

Mỗi khi ai gặp bệnh hiểm nghèo, khó khăn đột xuất,... là có người điện thoại hoặc giới thiệu trực tiếp đến nhà để bà giúp đỡ. Với đặc thù khu vực nơi đây, trước nằm trong dự án của Khu dân cư Đại Dương, giai đoạn 3, vì vướng quy hoạch nên đường sá còn sình lầy, điện chưa được thắp sáng đầy đủ. “Còn nhớ năm 2012 khi mới chia tách khu phố, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Các cháu đi học thường lấm lem bùn đất. Hệ thống đèn đường cũng chưa có. Tôi cùng chi bộ đi vận động, kiến nghị phường mỗi năm giặm vá, gia cố, nâng cấp các hẻm cũng như kéo điện đường thắp sáng để bảo đảm an ninh, trật tự khi đêm xuống. Nhờ đó, đến nay, tuyến đường Lộ Đình, một phần đoạn đường Nguyễn Thị Hạnh được thắp sáng. Người dân cũng yên tâm hơn” - bà nói.

Đó là chưa kể, cũng vì vướng quy hoạch nên nhiều năm liên tục, việc tổ chức họp các đoàn thể, nhất là phụ nữ, khuyến học, cựu chiến binh,... đều tổ chức tại gia đình bà. Những lần như vậy, gia đình bà đều hỗ trợ hết mình. Hiện tại, tuy thôi làm Phó Bí thư Chi bộ nhưng bà vẫn dặn các cháu học sinh, kết thúc năm học, cứ đem giấy khen đến nhà để bà đi xin quà tặng động viên những học sinh giỏi cũng như các cháu nghèo hiếu học.

Bà cho hay: “Có làm được những công việc này, ngoài bản thân còn có sự hỗ trợ, động viên của người chồng cũng là đồng đội của tôi. Ông từng là bộ đội Trường Sơn. Hai vợ chồng gặp nhau, nên duyên vợ chồng như là định mệnh. Mấy chục năm bên nhau, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình và đồng hành cùng các hoạt động an sinh xã hội, ông chẳng bao giờ phiền hà mà chỉ biết tiếp sức cho tôi, giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Nhiều năm qua, bà nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của Chủ tịch UBND phường, thành phố, tỉnh về hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bản thân bà nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; gần đây nhất, bà được TP.Tân An khen thưởng đảng viên đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

68 tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, bà đã viết nên nhiều câu chuyện đẹp về người nữ bộ đội cụ Hồ giữa đời thường. Với bà, dù sinh sống và làm việc tại đâu, mình cũng cần có trách nhiệm với quê hương và cộng đồng./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết