Cải tiến máy thu cuộn rơm nhanh hơn
Anh Ngô Nguyên Hồng, ngụ ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, tuy tốt nghiệp chuyên ngành về nông nghiệp nhưng lại theo đuổi nghề làm cơ khí. Anh kể: “Cơ khí là nghề tôi được cha truyền lại và rất yêu thích. Từ nhỏ, khi còn là học sinh cấp 2, tôi đã biết phụ giúp cha làm những công việc phụ trợ từ lấy giùm chiếc búa, cây kềm rồi yêu thích lúc nào không hay. Tuy học ngành nông nghiệp nhưng tôi lại chọn nghề cơ khí để theo đuổi đam mê”.
Anh Ngô Nguyên Hồng bên máy cuộn rơm cải tiến
Với niềm đam mê, năm 2017, anh mày mò nghiên cứu, chế tạo máy gặt đập liên hợp hư, cũ thành máy cuộn rơm. Tuy vậy, máy cuộn rơm do anh chế tạo có nhiều cải tiến hơn các loại khác. Theo đó, anh chọn máy gặt đập liên hợp DC 60 cũ, hư cải tiến thay hệ thống xích kéo có 47 răng thành hệ thống xích kéo có 51 răng để nâng bề mặt tiếp xúc với mặt đất. Qua đó, giúp máy có thể di chuyển được trên nền đất mềm, vũng lầy.
Ngoài việc máy cuộn rơm có thể di chuyển trên vùng đất không thuận lợi, máy còn được nâng tải trọng lên. Máy do anh Nguyên Hồng chế tạo còn được cải tiến khoang chứa rơm từ 35 cuộn lên 50 cuộn rơm, nâng cao hiệu quả làm việc. Trong 8 giờ, máy cuốn được 600 cuộn rơm. Ngoài ra, máy còn có chức năng ben để bỏ rơm xuống khi vận chuyển đến kho chứa.
Anh Nguyên Hồng chia sẻ: “Hiện nay, có nhiều máy gặt đập liên hợp hư, cũ trở thành phế liệu. Trước thực tế này, tôi tìm cách chế tạo lại để không uổng phí. Với ý nghĩ này, tôi mày mò và thực hiện trong vòng 2 tháng để có được sản phẩm hoàn chỉnh. Ngày đầu tiên đem máy ra ruộng cuộn rơm thử nghiệm, hầu hết nông dân trong ấp đều trầm trồ, thích thú và nhận xét hiệu quả hơn so với các máy khác”.
Sau chiếc máy đầu tiên được thực hiện, đến nay, anh Nguyên Hồng thực hiện thêm 2 chiếc nữa và được nông dân mua để cuộn rơm. Với hiệu quả đang có, anh vừa được một khách hàng đến tận xưởng cơ khí đặt hàng chế tạo 1 máy cuộn vải vụn. Với đơn đặt hàng này, anh đang bắt tay vào thực hiện. Ngoài việc thành công với máy cuộn rơm có nhiều ưu điểm như hiện nay, ở ấp Bà Mía, anh còn được nhiều nông dân biết đến khi chế tạo ra máy kéo đất, máy kéo lúa, máy cắt lúa. Đặc biệt hơn, hiện anh còn là chủ xưởng xà lan chở vật liệu xây dựng, phà qua sông.
Lai tạo thành công cá ông tiên
Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn, ngụ khu phố Bình An 2, phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An, trước nay được biết đến với tên gọi “vua cá kiểng”. Bởi, anh vận dụng kiến thức học được từ Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM để lai tạo thành công nhiều loại cá kiểng phục vụ thị trường. Các loại cá mà anh đã lai tạo thành công khá nhiều, nổi bật nhất là cá dĩa đủ sắc màu từ đỏ, vàng, bạch tạng, lam, bông xanh, nâu, Albino, có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/cặp cá bố mẹ.
Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn bên bể cá ông tiên do anh thuần dưỡng
Với bản tính chịu khó học hỏi và luôn có nhiều cải tiến trong sản xuất phù hợp với loại hình nông nghiệp đô thị, mới đây, anh Đăng Sơn thành công trong sản xuất và nuôi thương phẩm cá ông tiên. Theo anh Đăng Sơn, cá ông tiên là loại cá cảnh nước ngọt sống chủ yếu trong vùng nhiệt đới. Đây là loại cá có màu sắc rực rỡ nên được nhiều người chọn nuôi. Tuy nhiên, cá này rất khó nuôi bởi nếu không chăm sóc đúng cách thì có thể dễ dàng bị chết. Vì vậy, việc thuần dưỡng cá ông tiên bố mẹ, chọn lọc ghép đôi và xây dựng quy trình sản xuất cá giống khiến anh mất thời gian dài.
Để thành công trong việc sản xuất cá giống, anh phải thuần dưỡng cá bố mẹ, sau đó chọn lọc ghép đôi tránh hiện tượng đồng huyết để cho ra những lứa cá con có hình dáng đẹp, khỏe mạnh và phù hợp với môi trường. Vì vậy, cá anh sản xuất có giá cao hơn so với các loài khác gấp 3 lần khi bán ra thị trường, từ 30.000-50.000 đồng/con trưởng thành. Theo đó, để cá bố mẹ có thể sinh sản tốt, cá phải ở độ tuổi tốt nhất từ 8 tháng trở lên và vòng đời khai thác trong vòng 1 năm. Mỗi lần cá đẻ từ 200-1.000 trứng và phải nuôi trên giá thể vài ngày. Sau khi tách cá con, 1 tuần sau, cá có thể đẻ trứng trở lại nếu được chăm sóc tốt.
Hiện tại, anh Đăng Sơn có vài chục cặp cá ông tiên bố mẹ có giá trị cao, chuyên sản xuất ra cá bột, sau đó anh chuyển giao cho các trại giống khác nuôi. Bình quân 1 tháng, anh có thể tạo ra từ 2.000-5.000 cá con. Với thành công trong việc thuần dưỡng và sinh sản được cá ông tiên góp phần quan trọng trong việc xây dựng trại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí về cá cảnh trong và ngoài nước./.
Thanh Tùng