Tiếng Việt | English

12/07/2024 - 09:03

Soạn giả Kha Tuấn: Vương vấn Xoài Đôi

Hai mươi năm xa quê, em lấy chồng xứ lạ

Ngã tư quê mình vẫn gọi Xoài Đôi…

… Ngã tư Xoài Đôi vẫn chia đều đi 4 ngã

Có ngã nào mà không dài rộng đợi chờ em.

Soạn giả Kha Tuấn

Hai câu thơ trên là hai câu mở đầu và hai câu thơ dưới là hai câu kết thúc bài ca cổ Xoài Đôi của soạn giả (SG) Kha Tuấn. Không chỉ mở đầu mà kết thúc tác phẩm của mình, SG Kha Tuấn đều nhất quán và khẳng định toàn bộ tình yêu thương của mình với Xoài Đôi. Vậy Xoài Đôi là gì mà với anh lại có sức hút trong tâm hồn và cả sự trân trọng, yêu thương như vậy?

SG Kha Tuấn tên thật là Nguyễn Văn Giới, SN 1953, tại xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ngã tư Xoài Đôi cách nhà anh chỉ vài trăm mét. Tuổi thơ của anh gắn liền với quê hương, trong đó có Xoài Đôi nên địa danh này trở nên thân thuộc với anh. Anh được các lão làng kể lại, chỗ ngã tư đó ngày xưa có 2 cây xoài cổ thụ. Vì vậy, mọi người khi nói đến ngã tư này thường gọi ngã tư có hai cây xoài, gọi riết thành Xoài Đôi. Đến thế hệ của anh thì không còn hai cây xoài nữa mà chỉ còn là địa danh. Thời niên thiếu của anh có rất nhiều kỷ niệm với quê hương. Anh chứng kiến bao lớp người ra đi, bao lớp người ngã xuống vì hòa bình, độc lập. Và tuổi học trò của anh cũng có nhiều buồn, vui với ngã tư Xoài Đôi. SG Kha Tuấn cho biết: “Hàng ngày, tôi đều đi học ngang đây nên ngã tư Xoài Đôi không thể nào phai mờ trong tâm trí. Và Xoài Đôi còn là nơi hẹn hò những bạn bè cùng trang lứa, trong đó có tôi và cô bạn gái cùng trường".

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh tham gia phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương. Lúc bấy giờ, phong trào đòi hỏi phải có tác phẩm mới để phục vụ nhiệm vụ của xã, huyện, tỉnh. Nhưng bài ca mới rất hiếm và người sáng tác lại càng hiếm. Được sự động viên của những người đi trước và sự khích lệ của phong trào văn nghệ địa phương, anh mạnh dạn sáng tác bài ca vọng cổ, chặp cải lương cho phong trào văn nghệ địa phương và sau đó trở thành SG cải lương chuyên nghiệp. Mãi đến 20 năm sau, khi không còn ngồi trên ghế nhà trường, cứ mỗi lần đi qua ngã tư Xoài Đôi, hình ảnh của ngày xưa hiện về trong tâm trí anh.

Anh nhớ con đường làng ngày xưa gió cuốn mù bụi đỏ, bây giờ đường nhựa phẳng phiu, cây cỏ hoang dại ngày nào được thay bằng những vườn cây trái xum xuê, ruộng lúa xanh màu,... Và rồi, ở làng quê ấy, người bạn gái của anh đi lấy chồng xa xứ. Tim anh như tan vỡ. Anh thương cho tình mình và cũng thương cho người mẹ già của cô ấy phải thay cô gánh rau màu ra chợ. Tình cảm ấy, hình ảnh người con gái ấy và làng quê Xoài Đôi, gánh rau trĩu nặng trên vai không thể phai mờ mà cứ thôi thúc anh. Thế là, bài vọng cổ Xoài Đôi của SG Kha Tuấn ra đời vào năm 2000.

Bài vọng cổ Xoài Đôi được SG Kha Tuấn khắc họa từ cuộc sống của chính anh, ngay việc chọn tựa cũng rất thật và dễ nhớ, đó là một địa danh mà từ lâu được nhiều người biết đến. Kết cấu bài vọng cổ này cũng là kết cấu cơ bản như những bài vọng cổ của thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Đó là bài ca chỉ với 4 câu vọng cổ và 2 đoạn văn nói lối nhưng đáng chú ý là cốt lõi nội dung của nó. Tác giả đã tạo ra một câu chuyện kể có đầu có đuôi, có kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa một thôn nữ và người mẹ. Hình tượng một bà mẹ quê tảo tần, ngày ngày gánh rau ra chợ. Khi con lớn khôn theo chồng xa xứ, mẹ lại tiếp tục gánh rau thay con... Qua hình ảnh ấy, tác giả muốn nhắc nhở những ai ở xa quê, dù hoàn cảnh nào cũng đừng bao giờ quên cội nguồn: "Thì em ơi, xin em đừng quên ngã tư Xoài Đôi, tuổi thơ chúng mình ở đó. Là quê hương của má, là cơn gió ru ta yên ả mỗi trưa hè". Tác giả sử dụng ca từ với cách hành văn trong sáng và bình dị, không dùng đại từ nhân xưng “mẹ” mà dùng từ “má” rất Nam Bộ. "...

Đám cưới của em đàng trai ở xa, lễ rước dâu không có, má buồn tủi chỉ đưa con ra tới chợ Xoài Đôi". "Hai mươi năm xa quê em đi lấy chồng xứ lạ, ngã tư quê mình vẫn gọi Xoài Đôi...". Tác giả cũng khá tinh tế trong thủ pháp xây dựng hình tượng nhân vật trong một tác phẩm có hình thức và dung lượng giới hạn. Những chi tiết rất đời thường nhưng giàu hình ảnh: Cây điệp già, gánh rau chiều, nón nửa vành,... đan xen những hình ảnh ẩn dụ: Cây điệp già vẫn nguyên dáng nghiêng nghiêng trầm mặc...  Ly rượu mừng mà tràn đầy nước mắt, trước sân nhà màu nắng rưng rưng... Vẫn đằm thắm trong tôi thi vị mối tình đầu, dẫu tình yêu ấy chỉ còn là nỗi nhớ!...

Có lẽ, bài vọng cổ này với những nét chấm phá đầy chất thực tiễn và nhân văn nêu trên đã hấp dẫn người ca, dễ đồng cảm với người nghe và đó là điều mà tác giả hằng mong muốn. Chính vì thế, nhiều thí sinh chọn bài này để dự thi ở các cuộc liên hoan văn nghệ khắp các tỉnh, thành phố cả nước trong nhiều thập kỷ qua. Bài ca này cũng được các đài phát thanh và truyền hình dàn dựng, phát sóng, được khán, thính giả gần, xa yêu mến. SG Kha Tuấn đã viết hơn 50 bài vọng cổ, được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng có lẽ bài Xoài Đôi là một trong những bài vọng cổ quen thuộc với khán, thính giả và người mộ điệu gần xa.

SG Kha Tuấn cho biết, anh bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp từ năm 1995, kịch bản cải lương đầu tay là Chỗ đứng. Đến nay, anh đã sáng tác và tham gia hơn 20 kịch bản. Tác phẩm đầu tiên được dựng trên sân khấu Long An là Hãy yêu nhau thật lòng, được SG Hữu Lộc chỉnh lý và nhuận sắc. Mười năm liên danh với Hữu Lộc, Kha Tuấn - Hữu Lộc có khoảng 20 kịch bản, trong đó nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng cao, ngoài dàn dựng trên sân khấu cải lương ở Long An và một số nơi, còn được sử dụng trên sóng đài phát thanh và truyền hình, các công ty truyền thông trong khu vực như Giọt đắng, Ánh sáng phù du, Kẻ bạc tình, Sau cơn mê, Những bước chân hoang, Chỉ còn là kỷ niệm, Lửa thần,...

Kha Tuấn là một trong những SG có tên tuổi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều năm qua. Anh có một khoảng thời gian khá dài công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện nay, anh nghỉ hưu và về lại với Xoài Đôi quê hương.

Nói về SG Kha Tuấn, SG Ngô Hồng Khanh chia sẻ: “... SG Kha Tuấn là một cây viết rất quen thuộc của giới sân khấu từ nhiều năm nay. Một cây viết không ồn ào, không khoa trương mà luôn cần mẫn, miệt mài và âm thầm trong sáng tạo. Và cũng như bao nghệ sĩ của mảnh đất Long An trung dũng, kiên cường, Kha Tuấn như một con ong chăm chỉ miệt mài đang được đắm mình trong một trời mật ngọt. Kha Tuấn với những tác phẩm tầm vóc, những cống hiến cho đời vẫn còn mãi lắng đọng trong lòng công chúng...”.

Hồ Minh Phương - Tác giả đồng bưng

 

Hồ Minh Phương - Tác giả đồng bưng 

Xin mượn 4 câu văn theo điệu Lưu Thủy Hành Vân trong bài ca Bông súng đồng bưng để giới thiệu về tác giả Hồ Minh Phương - người được giới sáng tác, nghệ sĩ cải lương...

Ngày nay, tuy có nhiều phương tiện nghe nhìn, giải trí nhưng khi về với những vùng quê, nhất là những dịp hiếu, hỷ, liên hoan, chúng ta sẽ bắt gặp những buổi văn nghệ quần chúng. Những khi ấy, bài Xoài Đôi lại được ngân nga:

Hai mươi năm xa quê, em lấy chồng xứ lạ

Ngã tư quê mình vẫn gọi Xoài Đôi

Vẫn cái chợ nhỏ ngày xưa gió cuốn mù bụi đỏ

Em kéo nón nửa vành che mái tóc phủ bờ vai.

Ngoài các giải thưởng sáng tác với nhiều bằng khen, giấy khen các cấp, SG Kha Tuấn còn được tặng: Giải thưởng Nguyễn Thông năm 1990, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo chí,...

Bài hát Xoài Đôi (tân cổ)

Lối

Hai mươi năm xa quê, em lấy chồng xứ lạ

Ngã tư quê mình vẫn gọi Xoài Đôi

Vẫn cái chợ nhỏ ngày xưa gió cuốn mù bụi đỏ

Em kéo nón nửa vành che mái tóc phủ bờ vai

Vọng cổ

1. Hai mươi năm cũng đã nhòa phai mối tình non dại cũ. Và gió bụi thời gian cũng làm tóc tôi nhuốm bạc lâu... rồi. Em cũng đâu còn là cô gái quê vai nặng gánh rau chiều. Chỉ có ngã tư Xoài Đôi vẫn chia đều đi bốn ngã, cho mỗi lần về tôi nhận lại tuổi thơ. Nên băn khoăn hoài trước cổng trường xưa, cây điệp già vẫn còn nguyên dáng nghiêng nghiêng trầm mặc. Bên ao sen ngày nào đang mùa tàn tạ, mặt ao úa buồn như tiếc thương hương sắc...

2. Nhưng em ơi sen tàn rồi lại nở, cho mặt ao lại đầy đặn tươi hồng. Còn em ra đi sao biền biệt không về? Thương má già nua đầu bạc trắng, vai gánh rau chiều mòn mỏi ngóng trông con. Nhớ ngày em lấy chồng tóc má hãy còn xanh, ba mất sớm cảnh nhà thêm trống vắng. Ly rượu mừng mà tràn nước mắt, trước sân nhà màu nắng cũng rưng rưng...

Lối

Đám cưới của em, đàng trai ở xa, lễ rước dâu không có

Má tủi buồn chỉ đưa con ra tới chợ Xoài Đôi

Ôi cái chợ nhỏ quê mình gió cuốn mù bụi đỏ

Má lại nghiêng nón nửa vành, che mái tóc cho em.

Vọng cổ

5. Hai mươi năm mái tóc xuân xanh của thời con gái, từng tựa vào vai tôi dịu thơm như hương lúa trên... đồng. Vẫn đằm thắm trong tôi thi vị mối tình đầu. Dẫu tình yêu ấy mong manh chỉ còn là nỗi nhớ, bởi em không thể đợi chờ kẻ phiêu bạt như tôi. Thì em ơi cũng đừng quên ngã tư Xoài Đôi, tuổi thơ của chúng mình ở đó. Là quê hương có tấm lòng mênh mông của má, là cơn gió ru ta yên ả mỗi trưa hè.

6. Chiều nay về, tôi thấy má gánh rau, gánh rau nặng oằn trên lưng còng của má. 20 năm giữa dòng đời bươn chải, má đã phải gánh rau chiều đi bán thay em. Để mỗi chuyến xe về dừng lại ở Xoài Đôi, má lại đứng đợi rồi thở dài nghe đau nhói. Em ở đâu sao không về với má, dù có cay đắng hẩm hiu hay đang hạnh phúc bên chồng.

Đừng vô tình như chiếc lá em ơi

Khi tàn rụng mới tìm về gốc cội

Ngã tư Xoài Đôi vẫn chia đều đi 4 ngã

Có ngã nào mà không dài rộng đợi chờ em./.


Việt Sơn

Chia sẻ bài viết