Tiếng Việt | English

08/06/2019 - 09:04

Soạn giả Mộng Vân - Tài hoa bạc mệnh

Trong giới đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ, Mộng Vân là nghệ sĩ đa tài. Ông là một trong những môn đệ của lò Nhạc Khị (Bạc Liêu), cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ và nơi đã đào tạo hàng loạt nhân tài cho cải lương, trong đó có nhạc sĩ Cao Văn Lầu (đồng môn với Mộng Vân).

Theo lời kể của vợ ông - bà Phạm Ngọc Dung, nhạc sĩ, soạn giả Mộng Vân tên thật là Phan Long Trung, sau đổi lại là Trần Tấn Trung, ông sinh năm Canh Tuất (1910), tại làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là khu vực Trà Văn, TP.Bạc Liêu).

Mộng Vân học đờn kìm và đờn tranh với thầy nhạc Khị (Lê Tài Khị) lúc 7 tuổi, là một trong những học trò ưu tú của lò nhạc. Sau đó, ông bắt đầu sáng tác kịch bản cải lương với vở đầu tay là Quan Công hiển thánh. Năm 1933, Mộng Vân viết tiếp kịch bản Nghĩa nhẹ hơn tình cho một gánh hát mới lập ở Bạc Liêu là Huỳnh Vân của bầu Ký Huỳnh. Từ năm 1934-1936, ông viết 4 kịch bản: Gương quốc sĩ, Tráng sĩ Kinh Kha, Lưỡng long đại hiệp, Hồng Châu nữ hiệp cho gánh hát Tân Hí và Hề Lập, và chính vở này giúp nghệ sĩ Bảy Cao nổi tiếng. Từ năm 1937-1939. Mộng Vân còn viết hàng loạt kịch bản: Huyết chiếu hận thù, Cõi lòng tan nát, Cõi lòng thiếu phụ, Hiệp khách xa trường, Lữ Thành Đồng, Độc Long lão hiệp, Mộ cô Hồng (Tình trong suối lệ),...

Năm 1940, Mộng Vân viết vở Trong khói lửa cho gánh Chấn Hưng ở Bạc Liêu, năm 1943 viết vở Bích Liên vương nữ, Ái tình và nghĩa vụ, Trái tim không máu I, II, Người cha tội ác, Xâu chuỗi ngọc I, II, III, Tuổi thanh niên trong hai quan niệm, Máu kẻ thù, Ông Ba đập đá, Giọt máu công nhân, Giọt máu sông Hằng, Cành hoa trước gió, Bên kia thành, Mối tình tan vỡ (Hoàng tử lưng gù).

Năm 1944, Mộng Vân lập gánh hát, lúc này ông vừa làm bầu gánh, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, nhưng ông vẫn cho ra đời những kịch bản ăn khách: Đêm tơ vương, Lửa thù, Tố nữ, Triều Tiên vong quốc sử I, II, Sự chiến thắng của trái tim. Gánh Mộng Vân chỉ hoạt động hơn 1 năm rồi giải thể. Năm 1946, ông viết vở 714 cho gánh Oanh Vàng; vở Cành vàng trong lửa đỏ và Đội quân tình nguyện cho gánh Tân Tiến; vở Chuỗi hận ngày xuân và Bác sĩ Thần Phương cho Sao Mai của Tư Râu; vở Trên hoang đảo, Ái tình và huyết nhục, Đề Thám cho gánh Tân Xuân;...

Sau khi gánh Mộng Vân rã, cô Ba Tẹt và cô Nguyệt Yến gom đào, kép lại thành lập gánh Phát Thanh và mời soạn giả Mộng Vân làm soạn giả thường trực, Cao Văn Lầu làm nhạc trưởng (đờn kìm). Mộng Vân viết một số vở cho gánh này: Nữ thần trong động lửa I, II. Bên cạnh đó, ông còn viết cho gánh Hậu Tấn Bảy Cao, Hậu Tấn Năm Nghĩa, vở: Ngũ Tử Tư quá quan, Cô gái Quảng Trị, Phạm Lãi Tây Thi, Đôi Bạch Loan I, II. Gần cuối đời, Mộng Vân vẫn viết hàng loạt kịch bản ăn khách cho các gánh nổi danh đương thời như Nhạn Trắng, Thanh Minh, Hoa Sen,... những vở: Ba ngọn đèn xanh, Lưỡi bén hơn gươm, Bên chiến lũy, Hội nghị nhị cường, Ngày về của thương binh và vở cuối cùng trong sự nghiệp văn chương của ông - Đất nước lâm nguy (năm 1947). Khi độ tuổi và tài năng đang rộ nở thì nghệ sĩ đa tài Mộng Vân lâm bệnh kéo dài 1 năm và mất vào năm 1948.

Trong vòng 16 năm sáng tác, Mộng Vân đã để lại cho nghệ thuật cải lương 68 kịch bản và khoảng 30 nhạc khúc (bản vắn cải lương).

Trong cuộc Hội thảo khoa học về Hiện tượng Mộng Vân tổ chức tại TP.HCM, ngày 29/3/1991, nhiều nghệ sĩ tiền bối đã xác nhận Mộng Vân đã đưa Dạ cổ hoài lang vào trong rất nhiều kịch bản của ông (nhất là nhịp 4), là một trong những người có công bồi đắp cho bản vọng cổ ngày nay thêm phong phú.

Trong thời gian khá dài, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, cục diện cải lương ngày càng khủng hoảng, mặc dù Đảng, Nhà nước và trong giới hết sức quan tâm, tìm mọi biện pháp vực dậy. Một trong những nguyên nhân là do thiếu kịch bản hay, sức sống và nội dung không theo kịp thời đại và lúc này, gương soạn giả Mộng Vân và hiện tượng Mộng Vân cần được nhiều người trong giới nhắc lại./.

*Bài viết có sử dụng nhiều tư liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu

Đỗ Dũng

Chia sẻ bài viết


Shop Hoa Tươi chuyên dịch vụ hoa
Liên kết hữu ích