Tiếng Việt | English

28/03/2024 - 08:35

Soạn giả Trường Hải: Mỗi sáng tác là một phận đời

Lần này tôi về Đức Hòa để tìm lại những người anh, người bạn có thể nói là những người đi đầu trong phong trào sáng tác bài ca cải lương của những năm đầu sau 1975. Trên đường vào thôn xóm, tôi vội ghi lại mấy dòng cảm xúc trên bởi Đức Hòa rất đẹp trong tôi từ mấy mươi năm nay không hề thay đổi. Một trong những người anh, người bạn mà tôi tìm, gặp gỡ là soạn giả Trường Hải.

Đức Hòa mùa này hoa đậu nở vàng

Bên rẫy bắp đang mơ màng sắc biếc

Xứ sở quê em sao mà tha thiết

Em theo chồng có kẻ tiếc ngẩn ngơ

Soạn giả Trường Hải

Viết vì quê hương

Soạn giả Trường Hải sinh ra và lớn lên ở xã Đức Hòa Đông nhưng hiện sinh sống tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa. Soạn giả Trường Hải cho biết: Năm 1970, anh theo gánh hát Trung ban Lan Thanh - Kiều Phượng Loan. Từ đó, anh dấn thân vào con đường nghệ thuật mà cứ ngỡ như một giấc chiêm bao. Sau đó, anh về đoàn Kim Chưởng, đóng kép nhì, hát chung với Phương Quang, Kim Hương. Nhưng năm 1974, anh về lại quê hương, sống với ruộng đồng, trở thành nông dân mang tâm hồn nghệ sĩ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), phong trào văn nghệ quần chúng nở rộ. Lúc này, anh tham gia phong trào văn nghệ ở xã Tân Phú với vai trò vừa là tác giả, vừa là diễn viên. Cũng trong thời gian “lăn lộn” cùng phong trào văn nghệ địa phương, anh tích lũy nhiều kinh nghiệm sáng tác bài ca vọng cổ và kịch, chập cải lương. Để rồi sau đó, anh mạnh dạn gửi tác phẩm cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam 2, được thu thanh và phát sóng trong chương trình Khắp nơi ca hát. Cũng từ đây, anh được gặp các soạn giả: Trần Nam Dân, Hồ Sỹ, Minh Thùy,... Các soạn giả cùng chia sẻ kinh nghiệm, những trăn trở với thời cuộc, với thực tế cuộc sống để khi đưa vào tác phẩm phải thật phù hợp. Từ đó, hành trang sáng tác của anh được dày lên.

Soạn giả Trường Hải sáng tác về quê hương Đức Hòa không nhiều, chỉ khoảng 10 bài trong khoảng 50 bài ca cổ nhưng mỗi tác phẩm là một tâm tư, tình cảm gửi vào đó. Bài Cầu duyên, tuy viết về cây cầu nhưng sâu xa là viết về quê hương qua mối tình đằm thắm, ngọt ngào của đôi lứa yêu nhau. “Hò... quê anh ở Hòa Khánh Tây, quê em Hậu Nghĩa. Nhà 2 đứa không gần nhưng cũng chẳng gọi là xa. Thương em đằm thắm nết na nên anh định nhờ mai mối... cho ta bên mình...”. Và cây cầu đã chứng minh cho mối tình nên thơ ấy: “Nhớ hôm đó một chiều thanh thanh gió nhẹ, em qua Cầu Duyên không giở nón qua cầu... Nên nón bay theo cơn gió vô tình...”.

Không chỉ vậy, người nghệ sĩ còn đau cùng nỗi đau của những số phận, hoàn cảnh xung quanh. Có lần, soạn giả Trường Hải nghe bạn kể chuyện về một phụ nữ mất chồng, sống với mẹ già và con gái nhỏ. Nhưng vì cuộc mưu sinh, chị buộc phải đi lấy chồng. Chị nuốt lệ vào lòng, nhìn mẹ già và con thơtự đùm bọc nhau nơi quê nhà với bao khó khăn, vất vả. Đó là chuyện đau lòng nhưng tác giả không viết về chị với nỗi đau đó mà viết về đứa con gái còn thơ dại với bài ca Ngày xuân con đợi má về, có đoạn “... chiều chiều con với ngoại ngồi tựa cửa ngóng trông, mong có ai đó báo tin má về. Con sẽ ôm chặt má vào lòng không cho đi đâu hết, má ở nhà với ngoại, với con. Má về ngoại đợi, con trông, mai đào đua nở trong lòng con vui”.

Viết cho những người nằm xuống

Những ngày đầu năm 1990, có một lần trong đêm khuya, anh mở Đài Tiếng nói Việt Nam 2 thì bất chợt nghe một bà mẹ ở miền Bắc tìm mộ con là liệt sĩ, đã hy sinh khi chiến đấu trong miền Nam. Hòa bình lập lại khá lâu nhưng mộ con vẫn còn thất lạc dù gia đình và đồng đội đã lặn lội đi tìm nhiều nơi. Soạn giả Trường Hải đau với nỗi đau của người mẹ. Niềm xúc động trào dâng, ngay trong đêm ấy, anh sáng tác bài ca cổ Lòng mẹ Việt Nam.

Cũng trong năm đó, huyện Đức Hòa tổ chức đợt quy tập hài cốt liệt sĩ ở xã Đức Hòa Đông về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Trong quá trình bốc mộ thì phát hiện lẫn trong hài cốt có một cây bút máy còn khá nguyên vẹn, trên cây bút có khắc dòng chữ “Chu Bá Phi, quê tôi Hà Bắc”. Thế là, anh viết ngay bài ca Lật trang sử mới lừng lẫy trang xưa. Và điều kỳ diệu đã đến khi thời gian ngắn sau đó, thân nhân của liệt sĩ Chu Bá Phi từ Hà Bắc vào Đức Hòa tìm được mộ liệt sĩ.

Theo soạn giả Trường Hải, mỗi sáng tác đều là một thân phận, hoàn cảnh trong cuộc sống. Và anh đã trăn trở, buồn, vui với điều đó nên tác phẩm “có hồn”.

Khi hỏi về những dự định trong thời gian tới, soạn giả Trường Hải cho biết bây giờ đã lớn tuổi nên ít sáng tác, bởi ít có dịp đi đây đi đó nên cảm xúc không còn như thời trẻ. Hiện anh vui thú điền viên với mảnh vườn, thửa ruộng. Thỉnh thoảng, anh viết bài về phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Đức Hòa, viết bài cho Tạp chí Văn nghệ Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An.

Tôi chia tay anh - người nghệ sĩ, soạn giả nông dân và cảm nhận anh không chỉ hiền hậu, chất phác mà còn tươi xuân như chính quê hương Đức Hòa vậy!

Việt Sơn

Chia sẻ bài viết