Tiếng Việt | English

28/01/2024 - 15:18

Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn: Lối sáng tác mộc mạc, giản dị như cách sống

Vẫn với phong cách nhẹ nhàng, trầm lắng pha lẫn chút nông dân thật thà, chất phác, soạn giả Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh Long An, tiếp chúng tôi tại nơi anh đang làm việc, kể về cơ duyên sáng tác bài vọng cổ Về quê ngoại và chặng đường làm nghệ thuật.

Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn nói: “Mình vẫn còn nặng nghiệp cầm ca, như kiếp con tằm phải nhả tơ” (Ảnh: Thùy Hương)

Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn nói: “Mình vẫn còn nặng nghiệp cầm ca, như kiếp con tằm phải nhả tơ” (Ảnh: Thùy Hương)

Soạn giả Minh Tuấn nói, cứ hễ ai hỏi, ai nhắc đến chuyện mất mát đau thương có thật ở đình Mương Trám, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, anh lại không thể cầm được nước mắt. Anh nhớ lại: “ Đó là cuối năm 1968 đầu năm 1969, tôi về đây công tác thì anh gặp ông Tư Chiểu - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Ông Tư Chiểu kể chuyện xảy ra vào năm 1964 khi bộ đội Long An đánh trận càn Mương Trám. Trận chiến xảy ra ác liệt, sau đó, giặc càn quét xóm làng bằng các loại phương tiện chiến tranh hiện đại, trong đó có máy bay trực thăng. Cũng thời điểm ác liệt này, có một người mẹ bám trụ giữ làng. Bà ở đây với con gái và con rể cùng là bộ đội địa phương. Máy bay giặc đã càn quét, lần lượt bắn chết con rể rồi con gái của bà. Đau thương trùm phủ lấy đau thương. Bà không còn nước mắt để khóc nữa khi nhìn đứa cháu ngoại mồ côi cả cha lẫn mẹ... Bà lấy vải thô chít lên đầu cháu mình 2 vành khăn trắng”.

Từ câu chuyện này, anh viết bài Về quê ngoại. Nhưng bài hát ấy được cất vào ba lô, theo anh trên những nẻo đường hành quân xuôi ngược. Cũng chính thời gian này, anh lại tích lũy những vần, điệu, hình ảnh thực tiễn sống động để năm 1988, anh được mời về Bến Lức sáng tác cho huyện. Thế là, bài Về quê ngoại được đem ra, trau chuốt, mài giũa lại... “Viên ngọc sáng” hình thành, “đứa con tinh thần” dưỡng nuôi bấy lâu nay được tái sinh và được khán giả đón nhận. Người nghe đồng điệu, cảm thương bởi những ca từ dạt dào cảm xúc: Trời ơi, trong một giờ mà đau thương trùm phủ lấy đau thương, ngoại xé góc vải thô chít lên đầu con 2 vành khăn trắng. Từ đó ngoại cưng, ngoại yêu cháu mồ côi của ngoại...”.

Gia đình soạn giả Minh Tuấn không có truyền thống tài tử, cải lương, chỉ mỗi anh biết đờn cò và đờn độc huyền. Với niềm đam mê, cộng với chút năng khiếu, anh đã tự học, tự mày mò rồi học qua những nghệ nhân trong và ngoài xã,... Dần dần, anh đờn được nhiều loại nhạc cụ như đờn Măn-đô-lin, ghita, violon, kìm,... và chơi được gần như tất cả những bài bản tài tử, cải lương. Nhưng khi nói đến Nguyễn Minh Tuấn, người ta nhớ đến anh với vai trò soạn giả nhiều hơn vì dường như việc sáng tác đã ăn vào máu huyết của anh ngay từ lúc còn nhỏ.

Khi đó, năm 1967, anh gia nhập Đoàn Văn công Long An. Từ sự động viên của ông Tư Bạch - Trưởng ban Tuyên huấn Long An lúc bấy giờ, soạn giả Huyền Nhung, nhạc sĩ Thành Sơn, anh tập tành sáng tác các bài bản vắn rồi nâng lên các bài bản lớn và bài vọng cổ.

Sau một thời gian ở Đoàn Văn công Long An, anh được cử lên R - Trung ương cục miền Nam, học khoa cải lương do đạo diễn Bích Lâm và tác giả kịch bản Nguyễn Vũ trực tiếp giảng dạy. Từ bước ngoặt này, nghề viết của anh bắt đầu vững vàng, chuyên nghiệp hơn. Nhưng anh tự nhận thấy rằng, chỉ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, việc sáng tác mới thăng hoa và đạt nhiều kết quả như mong ước với các sáng tác đã đi vào lòng người như Về quê ngoại, Người khải đàn ở Thành Nam, Nhớ em miền quê biển, Về giữa mùa thơm, Hoa thủy cúc, Bức tranh quê,...

Bên cạnh khoảng 200 bài ca sáng tác từ trước đến nay, anh còn sáng tác kịch bản cải lương với kịch bản đầu tay Hai mảnh tình quê vào năm 1990, sau đó là Phố an cư, Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Soạn giả Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Phần lớn các bài ca cổ, tài tử hay kịch bản cải lương đều nghiêng về ngợi ca quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi. Anh sáng tác là để tri ân những người đi trước, tri ân quê hương, đất nước để hôm nay có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Soạn giả Kha Tuấn khi còn là Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu thuộc Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh đã nói về soạn giả Minh Tuấn: “Dù ở cương vị nào thì khi tiếp xúc với Nguyễn Minh Tuấn, ta không thấy có khoảng cách. Anh sống như thế nào là viết như thế đó… Mộc mạc, bình dị, không màu mè, khoa trương mà lại giàu cảm xúc. Cảm xúc ấy được khơi dậy từ tấm lòng chân thành, nhân hậu nên có sức lan tỏa rất mạnh, rất sâu đến người đọc, người nghe, dù chỉ một lần cũng sẽ khó quên. Điều này chúng ta có thể thấy được qua nhiều bài ca của soạn giả Nguyễn Minh Tuấn”.

Trong thời kỳ chiến tranh, soạn giả Nguyễn Minh Tuấn với tay súng - tay đàn, còn ngày nay thì với tay viết - tay đàn. Hiện nay, anh thường hay viết bài ca để tham dự các cuộc liên hoan trong và ngoài tỉnh. Song song đó, các câu lạc bộ đờn ca tài tử thường mời anh đờn giao lưu. Các cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ hay tài tử, cải lương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng thường mời anh tham gia ban giám khảo. Soạn giả Minh Tuấn chưa ngơi nghỉ bởi theo anh, “mình vẫn còn nặng nghiệp cầm ca, như kiếp con tằm phải nhả tơ”./.

V.S

Chia sẻ bài viết