Tiếng Việt | English

28/11/2023 - 12:31

Đề nghị quy định cụ thể việc dừng đấu giá trong trường hợp bất thường

Sáng 28/11, sau khi biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp Long An đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung quy định cụ thể việc dừng đấu giá trong trường hợp bất thường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Tham gia đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, việc dừng phiên đấu giá được quy định tại quyền, nghĩa vụ của đấu giá viên tại khoản 1 Điều 19 và tại quyền, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá tại khoản 1, Điều 47, nhưng thực tế thời gian qua, có cuộc đấu giá, người tham gia đấu giá có biểu hiện bất thường khác, ngoài các quy định đã có, như trả giá quá cao bất thường so với mặt bằng giá thị trường như một số vụ việc đã xảy ra, nhất là trong việc đấu giá tài sản công như quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ thì giá được trả tăng rất nhiều so với giá khởi điểm (cao từ mấy chục lần đến 204 lần, từ giá khởi điểm 24 tỉ và giá trúng đấu giá là 1.684 tỉ); nhưng Luật đấu giá tài sản hiện hành chưa quy định quyền của đấu giá viên hoặc người có tài sản bán đấu giá dừng, yêu cầu dừng phiên đấu giá để xử lý các trường hợp trên. Hoặc trong trường hợp, khi bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự mà kết quả đấu giá thành đã đủ thanh toán nghĩa vụ và chi phí trong trường hợp đấu giá nhiều tài sản của người phải thi hành án nhưng chưa có quy định dừng đấu giá. Từ đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định xử lý vấn đề này.

Về mức tiền đặt trước, đại biểu Dung thống nhất như báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo, với hơn 20 nhóm loại tài sản đưa ra bán đấu giá, giá trị, tính chất tài sản khác nhau, theo quy định của luật hiện hành thì mức tiền đặt trước từ 5 - 20% và đối với các tài sản đặc thù như đất đai, khoáng sản thì cần phải quy định tỷ lệ tối thiểu là bao nhiêu trong khung 5-20%. Vì theo đại biểu thì đối với những tài sản thông dụng phổ biến thì mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% là phù hợp, nhằm tạo điều kiện thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá. Tuy nhiên, nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do tham gia giao dịch, sẽ có ít cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng kết quả đấu giá.

Đại biểu cũng cho rằng điểm khác với tiền đặt cọc trong giao dịch dân sự, vì khi chúng ta thực hiện đặt cọc trong giao dịch dân sự là cơ bản chúng ta khẳng định sẽ xác lập việc mua bán, chuyển nhượng quyền tài sản đó, còn khi tham gia đấu giá thì cũng chưa chắc là người trúng giá mua tài sản đấu giá. Dù biết rằng, thời gian qua có các tổ chức hoặc cá nhân tham gia đấu giá tài sản với mục đích không tốt (như muốn phá để cuộc đấu giá không thành, hoặc để thao túng thị trường, hình thành mặt bằng giá mới chứ không phải để mua tài sản hoặc phô trương thanh thế,..), và sẵn sàng chịu mất tiền đặt trước.

Để xử lý vấn đề này, đại biểu đề xuất: Người tham gia đấu giá trúng đấu giá sau thời gian quy định nếu không nộp tiền mua tài sản mà không chứng minh được vì lý do bất khả kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự thì ngoài việc mất tiền đặt trước và còn phải bị phạt nộp thêm một số tiền bằng với số tiền đã nộp trước, tất nhiên phải bổ sung cơ chế chế tài về xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt là của các cơ quan Nhà nước có tài sản đưa ra đấu giá và không áp dụng đối với tài sản đấu giá là của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn hình thức.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung phát biểu tại phiên thảo luận

Về thông báo thay đổi địa điểm đấu giá sau khi hết hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước thì chỉ cần thông báo với những người đã đăng ký tham gia và nộp tiền đặt trước biết trước 1 ngày diễn ra cuộc đấu giá. Đại biểu Dung cho rằng, mặc dù cơ quan soạn thảo giải trình trong trường hợp cần thay đổi địa điểm để đảm bảo phù hợp với thực tế như số lượng tham gia đấu giá nhiều hơn so với địa điểm dự kiến tổ chức đấu giá đã thông báo.

Tuy nhiên, quy định này gây rủi ro cho những người đã nộp tiền đặt trước nhưng do thay đổi địa điểm nên không thể tham gia đấu giá, dẫn đến mất tiền đặt trước, ví dụ địa điểm không thuận lợi hoặc ở rất xa, đi hơn cả ngày, hoặc vì lý do khách quan không tiếp nhận được sự thay đổi địa điểm tổ chức đấu giá,…

Đồng thời, Luật Đấu giá tài sản hiện hành chỉ quy định trường hợp có sự thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản thì người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia và được nhận lại tiền đặt trước; các trường hợp thay đổi nội dung khác của cuộc đấu giá như thay đổi thời gian đấu giá, quy chế đấu giá, nay thêm thay đổi địa điểm đấu giá chưa được quy định người tham gia đấu giá nhận lại tiền đặt trước khi không tham gia đấu giá nữa do sự thay đổi này. Do đó, đề nghị có rà soát lại nội dung này của trong dự thảo Luật.

Đối với những người không được đăng ký tham gia đấu giá tại khoản 12 dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm e vào khoản 4, Điều 38, quy định: Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp,... khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản. và mục đích quy định là để chống thông đồng giá với nhau hoặc thông đồng để tham gia để phá cuộc đấu giá hoặc là dìm giá.

Tuy nhiên, theo đại biểu thì việc thành lập công ty con hoặc thành lập chi nhánh doanh nghiệp thì theo Luật Doanh nghiệp và không có bắt buộc phải công bố, thông tin rộng rãi trên cả nước hoặc có thì cũng chưa hẳn sẽ biết được mối quan hệ giữa các công ty mẹ, con, chi nhánh. Mặt khác, quan hệ cha mẹ, vợ chồng, con có thể xác định qua pháp luật về hộ tịch nhưng mối quan hệ huyết thống anh chị em ruột và giao cho tổ chức hành nghề đấu giá thực hiện xác định mối quan hệ này là khó khả thi, hay ngay trong bộ hồ sơ đấu giá tài sản không có quy định về bản kê khai nhân thân của người tham gia đấu giá. Hơn nữa, các cụm từ có khả năng chi phối, vậy tiêu chí như thế nào gọi là có khả năng? ai đánh giá được vấn đề có khả năng này? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Về đấu giá viên, đại biểu cho biết thời gian qua các đấu giá viên vẫn được tham gia các hoạt động quản tài viên, thẩm định giá, luật sư,... Trong khi quy trình đấu giá có thẩm định giá, đại biểu đề nghị, nếu đấu giá viên vừa đấu giá vừa thẩm định giá thì không phù hợp. Do đó đại biểu đề nghị đấu giá viên không được hành nghề các chức danh tư pháp khác.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát về những người không được tham gia đấu giá, trường hợp người tham gia đấu giá được trả lại tiền cọc trong trường hợp không tham gia đấu giá nữa do thay đổi thời gian, địa điểm đấu giá./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết