Tình yêu thương trẻ nhỏ giúp thầy Văn Tiến Hồng gắn bó với nghề nhiều năm nay
Yêu nghề, mến trẻ
Gần 40 năm gắn bó với nghề “đưa đò” mang đến cho Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước - thầy Văn Tiến Hồng những kinh nghiệm quý trong công tác giảng dạy và quản lý.
Gặp thầy, chúng tôi cảm nhận được lòng nhiệt huyết, niềm đam mê nghề luôn “rực cháy”. Thầy nói: “Nghề giáo đến với tôi một cách tự nhiên và cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại yêu quý cái nghề này đến vậy! Dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, đồng lương có lúc ít ỏi, rồi nhiều người bạn cùng chí hướng năm xưa đã chọn lối rẽ khác, bỏ ngành nghề,... nhưng với tôi, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo!”.
Thầy kể, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò Văn Tiến Hồng có ước mơ trở thành thầy giáo và ngày ngày đứng trên bục giảng. Ðể thực hiện ước mơ, cậu học trò ấy thi vào Trường Trung học Sư phạm Long An (nay là Cao đẳng Sư phạm Long An) và tốt nghiệp năm 1980. Sau đó, thầy về giảng dạy tại xã Tân Lân. Lúc ấy, giao thông còn nhiều khó khăn, vất vả. Con đường dẫn vào trường là đường đất, nhỏ, hẹp, nắng bụi, mưa lầy. Nhiều học sinh không tha thiết với việc học. Lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống,... Nhiều bạn bè khuyên thầy tìm một công việc khác, nhưng vì rất yêu trẻ nên thầy quyết tâm bám trụ với nghề.
Năm 2009, thầy chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến. Trong trí nhớ của thầy, ngôi trường này khi ấy là một điểm trường nhỏ, cơ sở vật chất cũng như trình độ giáo viên chưa được quan tâm. Thầy có những đề xuất, tham mưu với lãnh đạo huyện, động viên đội ngũ giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, ngôi trường mới được đầu tư, nâng cấp với các phòng chuyên môn. Cảnh quan trường học được trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát. Trên dãy hành lang và dưới sân trường đều có viết những câu tục ngữ, tuyên truyền về tình thầy - trò, bạn bè,... Đây cũng là cách giáo dục bằng hình thức trực quan của trường. Trường thực hiện nhiều phong trào thi đua dạy tốt - học tốt: Hoa điểm 10, Đôi bạn học tập,... Nhà trường thường xuyên tổ chức hội giảng, thao giảng, thi giảng theo phương pháp đổi mới, phát huy tính năng động, tích cực, sáng tạo tìm ra kiến thức mới của học sinh trên tinh thần tiết học nhẹ nhàng, tự nhiên. Ngoài ra, thầy luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục qua việc vận động bạn bè, người quen, mạnh thường quân,... hỗ trợ phong trào khuyến học của trường với số tiền khoảng 100 triệu đồng/năm.
Là người đứng đầu nhà trường, thầy Hồng luôn chú ý đến công tác quản lý, phải làm sao cho đội ngũ giáo viên trong trường đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo của thầy, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến được biết đến là ngôi trường với bề dày thành tích. Hiện trình độ đội ngũ giáo viên của trường hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhiều năm liên tục, trường đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc, Tập thể sư phạm vững mạnh,... Đặc biệt, đây cũng là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đầu tiên (năm 2013) và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại thuộc huyện Cần Đước.
Thầy chia sẻ, tình thương và trách nhiệm rất cần thiết trong công tác quản lý giáo dục. Nghề giáo là một nghề cao quý! Vì vậy, thầy giáo, cô giáo, nhất là những giáo viên dạy cấp mầm non, tiểu học phải làm gương, dạy dỗ học trò với tất cả tình yêu thương,...
“Nặng nợ” với học sinh nghèo
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang chuyên ngành âm nhạc, thay vì chọn một nơi thuận lợi để phát triển sự nghiệp, thầy Phạm Ngọc Hà lại trở về quê nhà. Gần 15 năm gắn bó với Trường THCS Thanh Phú Long, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, thầy Hà không ngại khó, giúp nhiều lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.
Thầy Hà tâm sự: “Những ngày còn bé, ba tôi thường hát cho mấy anh em tôi nghe. Ba hát rất hay. Lớn lên, tôi cũng có niềm đam mê ca hát. Khi ấy, nhà tôi nghèo lắm! Hàng ngày, ba chạy xe Honda ôm để nuôi sống cả gia đình. Thương ba mẹ vất vả, lại không muốn ba mẹ gánh nặng chi phí học tập nên tôi lựa chọn ngành sư phạm. Môn Âm nhạc đòi hỏi phải có năng khiếu và sở thích. Vì vậy, tôi cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, mình cần làm tròn trách nhiệm, tạo không khí thoải mái, nhẹ nhàng để học sinh cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Đồng cảm với những học sinh có hoàn cảnh kém may mắn, thầy luôn tìm cách giúp đỡ các em. Là thành viên Câu lạc bộ Thiện Tâm, TP.Tân An, thầy có dịp đồng hành cùng những tình nguyện viên đến những vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều mảnh đời bất hạnh cần sự hỗ trợ. Mỗi chuyến đi, thầy có thêm trải nghiệm, hiểu hơn về cuộc sống, không chỉ phục vụ việc sáng tác âm nhạc mà còn gắn kết được những tấm lòng, hỗ trợ các em nhỏ trong ấp cũng như học sinh Trường THCS Thanh Phú Long.
Không chỉ giảng dạy, năm nào cũng vậy, thầy Phạm Ngọc Hà còn chăm lo cho học sinh nghèo
Thầy cho biết, làm công tác thiện nguyện không phải bao giờ cũng thuận lợi. Không chỉ bỏ công sức, đôi khi phải bỏ tiền túi để làm từ thiện nhưng thầy không bận lòng. Bản thân thầy Hà có duyên với các giải thưởng và giành nhiều giải thưởng về âm nhạc. Không chỉ dạy âm nhạc, thầy còn sáng tác và kiêm luôn biểu diễn. Những ca khúc thầy viết đa phần về tình yêu quê hương, đất nước,... có cả những bài hát ngợi ca vùng đất Châu Thành. Hiện nay, không chỉ giảng dạy, thầy Hà còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhưng thầy vẫn dành thời gian cho các phong trào ở trường, địa phương cũng như chuẩn bị đi “xin” quà tết cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động người dân trong ấp lắp đèn chiếu sáng,...
“Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh nên chúng ta phải hăng say lao động, sống có ước mơ, hoài bão. Với tôi, chỉ cần được cống hiến một phần nhỏ bé cho địa phương, được nhìn thấy những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường,... là tôi vui mừng” - thầy Hà tâm niệm.
“Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Có đứa trẻ nào lớn lên mà không qua sự dìu dắt của thầy giáo, cô giáo. Những người thầy vẫn “nặng nợ” với sự nghiệp “gõ đầu trẻ”, mang đến cho các em một tương lai tươi sáng./.
Thanh Nga