Dây chuyền sản xuất linh phụ kiện điện tử tại Công ty Flexcom Việt Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Chiều 17/01, tại sự kiện thuyết trình kinh tế toàn cầu thường niên của Ngân hàng Standard Chartered ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng này đã công bố dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 với mức 6,8%
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, cho rằng hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều được cải thiện trong năm 2017. Qua đó, giúp Việt Nam giảm thiểu nguy cơ bất ổn của thị trường, gia tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu so với các nền kinh tế ASEAN khác.
Đặc biệt, các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năng lực quản lý và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... đã góp phần xây dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy Việt Nam duy trì là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm 2018.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất về Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered, lĩnh vực sản xuất được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong năm 2018, với sự hỗ trợ của dòng vốn FDI và nhu cầu lớn đối với mặt hàng điện tử trên toàn cầu. Lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn, tạo ra thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng chung.
Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay (có thể đạt gần 15 tỷ USD) và dòng vốn này sẽ phục vục lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử sẽ duy trì ở mức cao trong trung hạn.
Báo cáo cũng dự đoán mức tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ sẽ hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam; trong đó đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng cũng tiếp tục phát triển và dự báo có mức tăng trưởng đạt gần 10% trong năm 2018.
Ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết Việt Nam có được nhiều lợi ích từ việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, các yếu tố như dân số trẻ và được giáo dục tốt, lực lượng lao động ngày càng dồi dào, chi phí thấp... sẽ giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong trung hạn./.
Theo TTXVN