Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tiếp tục Phiên họp thứ 15, sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.
Ước đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kế hoạch
Theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, với những giải pháp đúng đắn và phương pháp điều hành phù hợp, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, lãi suất giảm từ 0,5-1%; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán khởi sắc, thu ngân sách đạt khá; nợ công trong giới hạn quy định.
Đặc biệt, kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 225 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD…
Trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua; dự kiến kết quả thực hiện các chỉ tiêu năm 2017; đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế, những thuận lợi, khó khăn, Chính phủ dự kiến năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP...
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Về mục tiêu GDP ước thực hiện sẽ đạt 6,7%, nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, lần đầu tiên trong những năm gần đây, 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra đã hoàn thành và vượt kế hoạch, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng trước đây rất khó đạt được như tổng mức đầu tư xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, bội chi… Do đó, Chính phủ cần lý giải cụ thể trước Quốc hội những điều kiện, yếu tố nào để đạt được những thành tích trên đồng thời phân tích rõ những nguồn lực nào đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị phân tích rõ vấn đề đã được Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội chỉ ra khi thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017 là thu nội địa ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp Nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán.
“Khu vực doanh nghiệp Nhà nước có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, tiền bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 48.000 tỉ đồng so với dự toán 120.000 tỉ đồng; đặc biệt là thu bán vốn Nhà nước mới chỉ đạt 16,7% (10.000 tỉ đồng) nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt 100% là rất khó khăn. Đây là những con số rất đáng ngại, phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế còn chậm, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định,” Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, muốn đạt tốc độ tăng GDP cả năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng quý 4 phải đạt 7,4%-7,5%, đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Ngoài ra, thiên tai, bão, lũ lụt vẫn là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá thêm cơ sở đạt được mục tiêu này đồng thời đề ra những phương án khả thi nhất, đảm bảo chắc chắn thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra. Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, Chính phủ cần bổ sung trêm trong Báo cáo các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, tác động của các Hiệp định Thương mại tự do đến tăng trưởng,… đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Đảm bảo chất lượng tín dụng
Tại phiên thảo luận, đánh giá chung về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3%, nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện.
Có ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp khi tăng trưởng tín dụng cao, dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới kiểm soát lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% năm nay, cứ cho là giờ hoàn thành được gần 12% thì còn 9% nữa đến hết năm liệu có đạt? Nếu tăng như vậy, nền kinh tế có hấp thụ được không và hấp thụ vào đâu: sản xuất, bất động sản hay thị trường chứng khoán?
Giải trình nội dung này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đầu năm Ngân hàng Nhà nước đề ra mức 18%. Căn cứ vào các mục tiêu vĩ mô, thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu lên mức 21%.
Với điều chỉnh này, tín dụng có mức tăng trưởng hơn và đã đạt 11,8% (cao hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 11,69%). Chỉ số này đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu tín dụng tập trung vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Riêng đầu tư vào bất động sản là lĩnh vực rủi ro, cần kiểm soát chặt nên tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này thấp hơn so với toàn hệ thống; đầu tư vào nông nghiêp sạch, xuất khẩu... có mức tăng trưởng cao hơn.
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, để khuyến khích tăng trưởng kinh tế hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước vẫn xác định những tháng cuối năm điều hành một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng tín dụng, khuyến khích vào lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt.
“Theo quy luật, quý 4 và tháng 11, tháng 12 sẽ có mức tăng trưởng cao hơn nên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô để kiểm soát tín dụng phù hợp. Nếu kiểm soát lạm phát, cân đối vĩ mô và chất lượng tín dụng đảm bảo thì Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành trên mức 18%,” Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến phân tích.
Nhất trí với ý kiến của Phó Thống đốc, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, tăng trưởng tín dụng sẽ có tác động tích cực với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo rủi ro trong dài hạn nếu chất lượng tín dụng không tốt.
"Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát, không nhất thiết đến 21% mà nếu đến thế thì cần xem tín dụng đi vào đâu, chất lượng tín dụng thế nào và rủi ro với nền kinh tế tương lai ra sao," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
Theo TTXVN