Nguồn nước mặt được sử dụng hợp lý, góp phần bảo vệ tài nguyên nước (Trong ảnh: Nguồn nước mặt sau khi được Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa xử lý, đạt tiêu chuẩn ăn, uống của Bộ Y tế)
Bảo đảm cấp đầy đủ nước
Hiện nay, việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh được nhiều đơn vị thực hiện, chủ yếu tập trung tại các khu vực đông dân cư. Một số vùng ven, trạm cấp nước do tư nhân đầu tư. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, các trạm cấp nước cơ bản bảo đảm cấp đủ nước về lưu lượng và chất lượng.
Bà Trần Thị Bé, ngụ phường 4, TP.Tân An, chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng nguồn nước của Xí nghiệp Cấp nước Tân An từ nhiều năm nay. Trước đây, nếu cúp điện sẽ cúp nước, nguồn nước có lúc bị yếu; bây giờ, tình trạng này được khắc phục nên sinh hoạt, sản xuất của gia đình tôi không bị gián đoạn và hiệu quả hơn”.
Phó Tổng Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Cấp thoát nước Long An - Nguyễn Bảo Tùng cho biết: “Việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất thời gian qua được Cty thực hiện tương đối tốt. Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi không còn nhận ý kiến phàn nàn của người dân về việc cấp nước. Sở dĩ, được như vậy là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, địa phương, Cty ghi nhận các ý kiến đóng góp và nâng cao hiệu quả hoạt động, tại các trạm có bố trí máy phát điện để khi cúp điện, việc sử dụng nước của người dân, doanh nghiệp không bị gián đoạn. Cty cấp nước cho các địa phương: Tân An, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức với công suất khoảng 47.000m3/ngày đêm. Lưu lượng cũng như chất lượng nước bảo đảm. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên nước ngầm, Cty chủ động chuyển đổi, khai thác và sử dụng NNM tại các sông, kênh để thực hiện cấp nước”.
Hiện nay, tại TP.Tân An, Cty chuẩn bị khai thác nguồn nước từ sông Bảo Định (khoảng 10.000m3/ngày đêm), tháng 5/2018 chính thức khai thác khoảng 3.000m3/ngày đêm và nâng dần vào thời gian sau.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chủ trương giải quyết cấp nước cho TP.Tân An và các khu đô thị nhằm bảo đảm yêu cầu đến năm 2018 giảm ít nhất 50% khối lượng khai thác giếng khoan tại TP.Tân An, đưa 50% khối lượng khai thác giếng khoan hiện hữu vào dự trữ, Cty đang triển khai dự án Nhà máy Nước Nhị Thành (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) với công suất thiết kế khoảng 90.000m3/ngày đêm gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, công suất 30.000m3/ngày đêm, dự kiến quí I/2019 sẽ đưa vào hoạt động; giai đoạn 2 sẽ bắt đầu cấp nước sau năm 2020 và sử dụng NNM từ kênh Tháp Mười - Nguyễn Văn Tiếp - Rạch Chanh.
Khi hoàn thành, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch cho khoảng 225.000 hộ dân, 2.000ha đất công nghiệp và thương mại tập trung tại TP.Tân An, các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ và Cần Đước. Với các dự án đang triển khai và chuẩn bị triển khai, cấp nước trên địa bàn sẽ bảo đảm đầy đủ, dự kiến đến năm 2030, Cty sẽ cấp khoảng 200.000m3/ngày đêm trên địa bàn tỉnh - ông Nguyễn Bảo Tùng cho biết thêm.
Bảo vệ nước ngầm
Khi nguồn tài nguyên nước ngầm ngày càng hạn chế, chủ trương chung của tỉnh là khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng NNM. Từ đó, nhiều công trình, dự án được đầu tư, đưa vào hoạt động, mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ nguồn nước ngầm. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) và địa phương rà soát toàn bộ giếng khoan trên địa bàn, yêu cầu đấu nối sử dụng nguồn nước cấp tập trung, đồng thời bắt buộc đóng bít theo lộ trình cụ thể khi có hệ thống cấp nước tập trung đi qua, hạn chế sử dụng nước ngầm, trừ những nơi có điều kiện khó khăn, đường ống dẫn nước tập trung chưa thể cấp đến.
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây do Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ Vinh làm chủ đầu tư, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa. Nhà máy sử dụng NNM từ hồ Dầu Tiếng thông qua Dự án Thủy lợi Phước Hòa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn ăn, uống của Bộ Y tế.
Theo Phó Tổng Giám đốc Dự án Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây - Trần Thanh Nguyên: “Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có công suất 40.000m3/ngày đêm hoàn thành, cấp nước cho người dân, doanh nghiệp tại huyện Đức Hòa (thực tế đang cấp 27.000m3/ngày đêm); giai đoạn 2 thiết kế 80.000m3/ngày đêm, khi hoàn thành sẽ cấp nước cho huyện Bến Lức và vùng hạ của tỉnh. Cty phối hợp chặt chẽ ngành chức năng để tiến hành cấp nước theo kế hoạch”.
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: “Huyện Đức Hòa chủ động được nguồn nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp từ khi hệ thống cấp nước Hòa Khánh Tây đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, dự án này còn cấp nước cho các địa phương khác trong thời gian tới, bảo vệ được nguồn nước ngầm, quản lý, sử dụng NNM hiệu quả hơn. UBND tỉnh đồng ý và giao sở phối hợp các ngành liên quan và địa phương kiểm tra, rà soát các giếng khoan được cấp phép, nhất là trong các khu, cụm công nghiệp để tiến hành đóng bít, đưa vào dự trữ theo kế hoạch khi có nguồn cấp nước tập trung. Sở đang khẩn trương tiến hành công việc này. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 tổ chức đang sử dụng NNM từ sông Vàm Cỏ Đông để phục vụ sản xuất công nghiệp với lưu lượng khai thác từ 50-2.000m3/ngày đêm (riêng Cty Cổ phần Mía đường Hiệp Hòa được cấp phép với lưu lượng 48.000m3/ngày đêm). Điều này, giúp bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất”.
Bể nước của Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây bảo đảm cung cấp đủ lượng nước từ 5-7 ngày
Hoạt động cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm trên địa bàn tỉnh được kiểm tra chặt chẽ, chỉ xem xét cấp giấy phép khai thác trong trường hợp khu vực không có khả năng sử dụng NNM, hệ thống cấp nước tập trung chưa có. Nhưng việc cấp phép này chỉ tạm thời, khi có hệ thống cấp nước tập trung bảo đảm lưu lượng, yêu cầu các tổ chức, cá nhân này tiến hành trám lấp giếng và đấu nối nguồn nước cấp tập trung để sử dụng, mục đích bảo vệ nguồn nước ngầm.
Sở TN&MT lập các quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch cụ thể; tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ngầm để có cơ sở trong việc cấp phép, quản lý, sử dụng NNM, nguồn nước ngầm hợp lý trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh có chủ trương khuyến khích khai thác nguồn nước từ các hầm đất đưa vào sử dụng cũng như dự trữ vào mùa khô trước sự biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay - ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin thêm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 51.191 giếng khoan đang khai thác, sử dụng nước dưới đất trong các tầng chứa nước, với tổng lưu lượng khoảng 400.521m3/ngày đêm để phục vụ sinh hoạt, công nghiệp. Trong đó, 346 giếng khoan được cấp phép khai thác trong các khu, cụm công nghiệp. Sau khi Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây đi vào hoạt động, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh tiến hành đóng bít 180 miệng giếng khoan của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa. Phương hướng tới, khi các dự án cấp nước đi vào hoạt động, tiếp tục đóng bít các miệng giếng khoan của các đơn vị, doanh nghiệp nơi đường ống cấp nước tập trung đi qua./.
Lực Nguyễn