Tiếng Việt | English

29/06/2016 - 09:09

Sức mạnh “mềm” từ một hội thi

Sau 1 ngày diễn ra sôi nổi với 3 phần thi: Kiến thức, trang phục truyền thống và năng khiếu tại Trung tâm Văn hóa tỉnh vào ngày 28-6-2016, Hội thi Gia đình văn hóa (GĐVH) tỉnh Long An lần thứ VII năm 2016 khép lại. Dù kết thúc nhưng những thông điệp, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được gửi gắm, tuyên truyền thông qua hội thi vẫn còn đọng lại. Hội thi trở thành sức mạnh “mềm”, là những viên gạch góp phần xây dựng nền tảng GĐVH ngày càng vững chắc.


Phần thi năng khiếu của các gia đình văn hóa là những bức thông điệp sâu sắc về hạnh phúc gia đình

Tôn vinh các giá trị truyền thống

Gia đình là nơi gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chính vì thế, Hội thi GĐVH tỉnh Long An lần thứ VII năm 2016 cũng hướng đến mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngay trong các GĐVH. Và, trong các phần thi, những nét thuần phong mỹ tục được các gia đình thể hiện chủ yếu qua nội dung thi trang phục truyền thống.

Hiểu được gia đình là nơi giữ gìn và giáo dục thế hệ con cháu biết trân quý những giá trị truyền thống nên trong phần thi trang phục, hầu hết các gia đình đều chọn áo dài để tham gia dự thi. Một số phụ nữ khi cùng chồng, con bước lên sân khấu thể hiện phần thi trang phục đã tinh tế chọn những chiếc áo dài có họa tiết hoa sen thể hiện cốt cách, tinh thần thanh khiết của người phụ nữ nói chung, người mẹ, người vợ trong gia đình nói riêng. Bên cạnh đó, vài gia đình chọn trang phục của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc như trang phục của người H’Mông hay áo tứ thân của các cô gái quê hương vùng Kinh Bắc. Còn khi chọn chiếc áo tứ thân là trang phục truyền thống để dự thi, đơn vị huyện Cần Giuộc muốn nhấn mạnh tình nghĩa keo sơn, son sắt của vợ chồng trong một mái nhà luôn gắn bó, thủy chung như 2 tà trước buộc lại của chiếc áo.


Hiểu được gia đình là nơi giữ gìn và giáo dục thế hệ con cháu biết trân quý những giá trị truyền thống nên trong phần thi trang phục, hầu hết các gia đình đều chọn áo dài để tham gia dự thi

Gia đình chị Mộng Đào, đơn vị huyện Thủ Thừa cho rằng: “Ngày nay, trong xã hội hiện đại xuất hiện nhiều kiểu thời trang chưa hợp chuẩn, còn chiếc áo dài dù có cách tân nhưng vẫn mang vẻ đẹp truyền thống. Vì vậy, khi chọn trang phục áo dài để dự thi, gia đình tôi mong muốn mọi người hãy tiếp thu có chọn lọc những dòng văn hóa mới và giữ gìn những tinh hoa, giá trị truyền thống của dân tộc”. Hay gia đình anh Lưu Đức Huân và Nguyễn Bích Phương đến từ đơn vị Công an tỉnh chia sẻ, ngoài hội thi hôm nay, vào dịp Tết Cổ truyền, gia đình anh chị thường mặc áo dài đi chúc tết ông bà, cha mẹ. Qua đó, anh chị muốn giáo dục con cái nhớ đến truyền thống, cội nguồn dân tộc.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Giám khảo hội thi - Nguyễn Văn Danh, qua phần thi trang phục truyền thống, hầu hết các gia đình đều chọn trang phục đặc trưng của vùng Nam bộ. Qua phần thuyết trình trang phục, các gia đình chuyển tải được nội dung tuyên truyền về đề cao giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt.

Bức thông điệp sâu sắc

Cùng với phần thi trang phục truyền thống và thi trắc nghiệm tìm hiểu kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Bình đẳng giới; những tiết mục biểu diễn với đa dạng thể loại nhạc, hoạt cảnh, tiểu phẩm,... không những mang đến nét đặc sắc cho hội thi mà sau mỗi tiết mục là một bức thông điệp sâu sắc về hạnh phúc gia đình.


Dù mỗi gia đình chọn một tiết mục khác nhau nhưng tất cả đều có chung một bức thông điệp sâu sắc về gìn giữ hạnh phúc gia đình

Lấy bối cảnh bữa tiệc sinh nhật mà 2 mẹ con tổ chức cho ba, gia đình chị Nguyễn Thị Yến Nga, đơn vị huyện Đức Hòa thể hiện hoạt cảnh với bài hát “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to” vừa sâu sắc, vừa hấp dẫn. Chị Nga cho biết: “Qua hoạt cảnh, chúng tôi muốn gửi đến hội thi bức thông điệp: Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Với mỗi người con, không có tình yêu nào vĩ đại như tình yêu của mẹ và không có sự quan tâm nào to lớn bằng sự quan tâm của cha”. Ngoài ca khúc “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to” được nhiều gia đình chọn tham gia phần thi năng khiếu nhằm đề cao tình cảm, sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình dành cho nhau, nhiều gia đình chọn chủ đề bữa cơm gia đình để dự thi.

Qua ca khúc “Bữa cơm gia đình” mà gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, đại diện khối công nhân-lao động của Liên đoàn Lao động tỉnh thể hiện với những ca từ “Ba ơi mau về nhà ba/ Canh chua cá lóc kho tộ/ Cả nhà ta cùng ăn bữa cơm gia đình/ Ba đang mau về đấy thôi/ Ba nhớ tiếng cười của con/ Và nhớ ánh mắt của mẹ con...” như nhắc nhớ mỗi người, dù đi đâu hay làm việc gì, hãy sắp xếp về với bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.

Dù mỗi gia đình chọn một tiết mục khác nhau để dự thi năng khiếu nhưng nhìn chung, tất cả đều chung một bức thông điệp sâu sắc về gìn giữ hạnh phúc gia đình. Và, với ý nghĩa tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của toàn xã hội về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, Hội thi GĐVH không chỉ là hoạt động kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2016) mà còn là một sức mạnh "mềm" để việc tuyên truyền, vận động xây dựng GĐVH ngày càng đi vào chiều sâu, thấm vào các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Kết thúc hội thi, đơn vị TP.Tân An đoạt giải nhất phần thi kiến thức. Trong phần thi trang phục truyền thống, gia đình ông Lưu Đức Huân, đơn vị Công an tỉnh đoạt giải nhất. Gia đình ông Trần Minh Thừa, đơn vị huyện Đức Hòa đoạt giải nhất phần thi năng khiếu. Ngoài ra, đơn vị huyện Đức Hòa đoạt giải nhất toàn đoàn, đơn vị Công an tỉnh đoạt giải nhì toàn đoàn và đơn vị TP.Tân An đoạt giải ba toàn đoàn.

Nguyễn Ngọc

 

Chia sẻ bài viết
  • Chuc mung don vi Huyen Duc Hoa doat giai nhat toan doan!

    Bich Thuan-Boston USA - Cách đây 8 năm