Gặt nhiều “quả ngọt”
"Nhờ sự đồng lòng của chính quyền và người dân, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đạt chuẩn NTM năm 2019 và hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2024. Đến nay, xã Long Hiệp xóa trắng hộ nghèo thành công, còn 20 hộ cận nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Nguyễn Thành Nhân cho biết: “Thời gian qua, diện mạo nông thôn trên địa bàn xã thay đổi rõ rệt, từ phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn đến cảnh quan môi trường, đặc biệt là đời sống tinh thần, vật chất của người dân đều được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân đầu người năm 2024 trên địa bàn xã đạt 72,69 triệu đồng. Nhờ vậy, người dân tích cực hưởng ứng các chương trình do xã phát động, góp phần phát triển KT-XH”.
Hiện xã Long Hiệp có 2 tuyến đường xã, tổng chiều dài 6,919km với điểm tránh xe tại vị trí các điểm giao nhau bảo đảm việc đi lại, lưu thông thuận lợi. Ngoài ra, toàn xã còn có 11 tuyến đường liên ấp, tổng chiều dài 8,122km được nhựa hóa, bêtông hóa. Những tuyến đường này đều được trang bị hệ thống chiếu sáng, có lắp đặt bảng tên đường, biển báo, gờ giảm tốc.
Với 60% lao động làm việc chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, xã Long Hiệp triển khai nhiều chính sách thiết thực, trong đó có đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, gắn tem truy xuất nguồn gốc rượu Đệ Nhất Gò Đen thông qua mã QR, mã vạch; xây dựng mô hình Tổ hợp tác Chăn nuôi bò, mỗi tổ gồm 3 thành viên được cấp 5 con bò sinh sản, tổng trị giá 160 triệu đồng. Chính quyền xã chú trọng bảo tồn những di sản văn hóa địa phương, tổ chức quản lý, chăm sóc, trùng tu, tôn tạo Khu di tích cấp quốc gia Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn, Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà Long Hiệp.
Ngoài ra, do đặc thù trên địa bàn xã có 2 khu công nghiệp nên chính quyền địa phương quan tâm nhiều đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT), thực hiện các mô hình hiệu quả như Camera giám sát ANTT; Móc khóa ANTT; Ánh sáng ANTT - an toàn giao thông; Khu nhà trọ công nhân văn hóa; Chốt dân phòng đảm bảo ANTT trong khu công nghiệp; Đảm bảo trật tự , an toàn giao thông trước cổng trường học; 3 quản 3 giúp người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Tư (ấp Phước Tỉnh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) được xã hỗ trợ thoát nghèo thành công
Sinh sống ở vùng đất Long Hiệp, ông Nguyễn Văn Tư (ấp Phước Tỉnh, xã Long Hiệp) chứng kiến quê hương “thay da, đổi thịt” qua từng thời kỳ. “Ngày trước, xã Long Hiệp rất khó khăn, đường đi lồi lõm, mỗi lần ra đồng phải đội nắng, cuốc bộ. Nhưng qua nhiều lần đổi thay, những con đường đất ngày nào giờ trở thành tuyến đường huyết mạch, nhà cửa khang trang, điện sáng, đường thông. Cũng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi thoát nghèo thành công, an tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống” - ông Tư bộc bạch.
Đổi thay ở xã anh hùng
Xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa - vùng đất có lịch sử hào hùng trong các cuộc kháng chiến ác liệt nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Những ngôi nhà ngói đỏ san sát, con đường nhựa hóa, bêtông hóa phẳng lì thay thế cho những lối đi mòn sỏi, nhà tranh vách đất ngày nào.
Nếu thời chiến, người dân nơi đây bám trụ, bảo vệ quê hương, giữ lấy từng tấc đất của cha ông thì thời bình, họ cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế, nâng chất đời sống. Được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2022, đến nay, xã Mỹ Hạnh Bắc nỗ lực giữ vững các tiêu chí và đạt nhiều kết quả khả quan.
Đường ấp Tràm Lạc (xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa) được trùng tu năm 2022 dài 1.334m, rộng 9m
Trong xây dựng hạ tầng nông thôn, chính quyền đầu tư nhựa hóa 3 tuyến đường xã với tổng chiều dài 11,3km (chiều rộng mặt đường từ 6-9m, nền đường rộng từ 9-12m, lề đường mỗi bên 1,5m). Ngoài ra, xã còn nhựa hóa, cứng hóa, bố trí nhiều điểm tránh xe cho 40 tuyến đường trục ấp, tổng chiều dài 36km (bề rộng mặt đường 3,5-6m, nền đường 5-12m, lề đường mỗi bên 0,75-1,5m), tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, phát triển KT-XH của địa phương.
Nhờ chú trọng xây dựng các tuyến đường huyết mạch và có lợi thế giáp TP.HCM, thu hút nhiều LĐ trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra thách thức lớn khi quản lý LĐ nhập cư lẫn LĐ địa phương. Do vậy, thời gian qua, xã quan tâm nhiều đến an ninh, quốc phòng, thực hiện nhiều mô hình như Zalo page tuyên truyền, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm; Mỗi số nhà là đường dây nóng phòng, chống tội phạm; Camera giám sát an ninh, trật tự (ANTT); Tổ dân cư tự quản về ANTT; Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động thường xuyên, hiệu quả.
Tháng 9-2024, xã ra mắt mô hình Chi hội người dân tộc thiểu số Khmer nhà trọ Nhị Xuân. “Hiện Chi hội có 21 đoàn viên tích cực hoạt động, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người LĐ, xây dựng cộng đồng dân cư ổn định. Mỗi tháng, Chi hội phối hợp lực lượng công an, phòng, ban, đoàn thể địa phương nắm bắt kịp thời các thông tin, xử lý hiệu quả vấn đề phát sinh, bảo đảm ANTT tại khu nhà trọ”. Dù mới ra mắt nhưng mô hình nhận được nhiều phản hồi tích cực, góp phần gắn kết cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng xung đột, phân biệt dân tộc, vùng, miền” - Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Bắc - Trần Hữu Nghị cho biết.
Ngoài cải thiện đời sống vật chất, chính quyền địa phương còn quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân. Trung tâm VH-TT&HTCĐ xã được xây dựng với diện tích 2.600m², có 250 chỗ ngồi, là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, liên hoan văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, hội thảo, mở các lớp dạy nghề cho LĐ nông thôn,... Tại ấp Rừng Sến còn có 2 sân bóng đá, diện tích khoảng 5.000m²; công viên 7 Kỳ Quan tại Khu dân cư Tây Sài Gòn với diện tích khoảng 7.000m².
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Hạnh Bắc - Nguyễn Hoàng Vũ thông tin: "Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM là chủ trương của Đảng và Nhà nước, được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hạnh Bắc triển khai với quyết tâm cao độ. Sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân tạo nên những thành quả đáng ghi nhận. Điều này không chỉ thể hiện “ý Đảng, lòng dân” mà còn khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Theo chồng về xã Mỹ Hạnh Bắc sinh sống từ năm 1984, bà Lê Thị Thanh (ấp Rừng Dầu, xã Mỹ Hạnh Bắc) cảm nhận rõ rệt những đổi thay của vùng đất anh hùng. “Thời của tôi còn sử dụng đèn dầu, không có đèn điện sáng khắp ngõ như bây giờ. Lúc trước đi lại cũng cực, có xe đạp chạy đã mừng lắm rồi, giờ nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy. Kinh tế khấm khá, ổn định hơn trước nhiều lắm. Tôi cảm thấy vui trước những đổi thay của quê hương” - bà Thanh bộc bạch.
Thành công của chương trình xây dựng NTM tại xã Mỹ Yên, xã Mỹ Hạnh Bắc không chỉ dừng lại ở việc thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo ra những chuyển biến tích cực về KT-XH, mang lại đời sống mới cho người dân nơi đây./.
|
Chung sức xây dựng nông thôn mới, Đoàn xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh triển khai và phát động thực hiện những công trình, phần việc thiết thực.
|
Ngọc Hân